Phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp khí cần liên kết đa chiều
Trong 30 năm qua, ngành công nghiệp khí đã có bước phát triển vượt bậc, với nhiều ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào hoạt động đầu tư phát triển ngành, mang lại giá trị kinh tế lớn. Đóng góp quan trọng cho sự phát triển này có phần không nhỏ của đội ngũ nguồn nhân lực, hệ thống trường đào tạo chuyên ngành dầu khí trong nước. Tiến sĩ Bùi Trọng Vinh - Trưởng khoa Kỹ thuật địa chất và dầu khí - Trường đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Nhìn vào những thành quả trong ứng dụng KHCN của ngành công nghiệp khí thời gian qua, ông có đánh giá như thế nào?
TS Bùi Trọng Vinh |
Có thể thấy, trong suốt chiều dài 30 năm hình thành và phát triển của ngành công nghiệp khí tại Việt Nam, việc ứng dụng KHCN vào hoạt động đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh đã mang lại nhiều thành quả nổi bật, giúp hình thành nên hạ tầng công nghiệp khí ngày càng hoàn chỉnh, đóng góp to lớn vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế xã hội.
Dấu ấn của hoạt động KHCN cũng ghi đậm nét trên các công trình của ngành công nghiệp khí Việt Nam như Công trình khí Cửu Long đã tạo ra những sản phẩm giá trị cao như LPG, condensate, khí khô để cung cấp cho toàn xã hội từ vĩ mô đến từng hộ gia đình, tạo điều kiện cho sự hình thành Khu công nghiệp Phú Mỹ, giảm thiểu lãng phí do đốt bỏ khí ngoài khơi.
Hay công trình khí Nam Côn Sơn, tại thời điểm đầu tư xây dựng, là công trình có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam và là hệ thống đường ống hai pha dài nhất thế giới. Đến nay, công trình này là nguồn cung năng lượng lớn nhất cho cả khu vực Đông Nam bộ.
Đặc biệt, với công trình khí PM3 - Cà Mau - được đánh giá là điểm nhấn khẳng định sự trưởng thành về mọi mặt của ngành khí Việt Nam khi nguồn nhân lực Việt đã nắm bắt được khoa học kỹ thuật và tự lực thiết kế, xây dựng công trình.
Cho đến nay, ngành công nghiệp khí của chúng ta đã có thêm nhiều dự án khí mới được triển khai thực hiện như: Nam Côn Sơn 2, Hàm Rồng - Thái Bình, Lô B - Ô Môn... và đặc biệt phát triển chuỗi giá trị LNG - sản phẩm khí mới tại Việt Nam với các dự án LNG Thị Vải, LNG Sơn Mỹ nhằm đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường khí tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.
Đội ngũ nhân lực ngành dầu khí Việt Nam đã đảm nhận vai trò, vị trí then chốt trong các hoạt động của ngành |
Ông đánh giá như thế nào về vai trò và những đóng góp quan trọng của đội ngũ nhân lực Việt trong ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam nhiều năm qua?
Nhiều tổ chức như Cambridge Energy Research hay Ernst & Young đều đưa ra những bằng chứng dự báo ngành dầu khí thế giới đang đứng trước vấn đề hụt hẫng giữa các thế hệ lao động chất lượng cao. Đây đang là một trong những thách thức hàng đầu đối với ngành công nghiệp dầu khí. Đứng trước khó khăn đó, hầu hết các trường, doanh nghiệp phải đẩy mạnh đào tạo nhằm bù đắp sự thiếu hụt nhân sự.
Ngoài ra, trong xu thế phát triển tất yếu nhu cầu sử dụng khí ngày càng nhiều trong sản xuất công nghiệp và đời sống hàng ngày ở trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Riêng tại Việt Nam các dự án khí phát triển rất mạnh thì đội ngũ nguồn nhân lực người Việt đã và đang đóng vai trò chủ lực trên tất cả các dự án hạ nguồn như lọc hóa dầu, điện khí, khí điện đạm đều sử dụng sản phẩm khí.
Ông vui lòng chia sẻ cụ thể hơn về việc phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp khí, nhất là việc liên kết đa chiều nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực của ngành?
Có thể nói, hiện nay nguồn nhân lực ngành dầu khí nói chung và ngành khí nói riêng trong nước đã và đang nắm giữ những vị trí then chốt trong ngành. Song để có một đội ngũ nhân lực đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển ngành rất cần sự phối kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo, tuyển dụng. Cần có các chương trình hợp tác đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển của ngành cũng như việc đầu tư cho công tác đào tạo. Cần tận dụng các chính sách của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ để cùng nhau đưa ra các nghiên cứu về KHCN phát triển của thế giới vào ứng dụng ngành khí tại Việt Nam. Cụ thể đào tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc tìm kiếm các vị trí thích hợp trong việc quy hoạch các vùng chứa khí, kiểm soát chất lượng, sự cố, kiểm soát rủi ro trên toàn hệ thống...
Bên cạnh nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua tuyển dụng, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp cũng cần xây dựng riêng cho mình một đội ngũ chuyên gia, nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn, thách thức kỹ thuật hoặc quản lý đặt ra. Vì thế cần đầu tư mạnh mẽ cho phát triển nguồn nhân lực và coi đó là “khoản đầu tư” nghiêm túc, có khả năng tạo hiệu suất cao, bên cạnh các dự án đầu tư đơn thuần khác. Việc xây dựng hệ thống đào tạo cùng các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đồng bộ, hiệu quả và gắn liền công tác đào tạo phát triển chuyên gia, phát triển nguồn nhân lực gắn liền với thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Công thương
Viễn cảnh của các dự án LNG tại Nga |
Doanh nghiệp trong nước đang dần cân bằng cán cân xuất khẩu |
NCSP – Dấu ấn đậm nét trong ngành công nghiệp Khí Việt Nam |