Ngày xuân kể chuyện trâu bạc
Theo quan niệm dân gian, nhà nào nuôi trâu bạc (trâu trắng) sẽ rất xui xẻo, nhưng với những nông dân có thâm niên hàng chục năm nuôi trâu ở Thừa Thiên-Huế, trâu bạc là giống trâu quý, “là tiền, là bạc, là may mắn”. Thế nhưng, trải qua thời gian, những đàn trâu thưa dần, người nuôi ít lại, vì thế giống trâu hiếm này cũng thưa vắng.
“Hàng hiếm” nhưng phải chịu tai tiếng
Con trâu bạc trong đàn trâu của ông Phan Văn Phương ở Thuỷ Vân (Thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên-Huế). Ảnh: VGP/Minh An |
Trời chuyển mùa, giữa mênh mông nước trên cánh đồng Thuỷ Vân (thị xã Hương Thuỷ), đàn trâu hàng chục con bì bõm vừa lội vừa với miệng lên những gò đất thẳng tắp của ruộng lúa để tìm cỏ. Xa xa, một con trâu bạc hiện ra khiến những ai đi đường cũng tấp xe vào lề ngắm nghía, trầm trồ. Với người thành phố, có gì đó lạ thường, còn với người dân thôn quê, rất lâu rồi mới thấy bóng hình của con trâu có màu da, màu lông hoàn toàn tương phản với những con trâu thường.
Đàn trâu có con trâu bạc “hàng hiếm” ấy thuộc sở hữu của lão nông Phan Văn Phương. Dáng người thấp đậm, giọng nói trầm, ông Phương kể rằng đã hơn 70 tuổi nhưng có hơn 40 năm rong ruổi chăn trâu trên khắp các cánh đồng Thừa Thiên-Huế. Chừng ấy thời gian, có hàng trăm con trâu đã qua đôi bàn tay ông chăm nuôi và trong số đó có khoảng 10 con trâu bạc.
Con trâu bạc hiện tại vừa tròn tuổi, theo lời ông Phương, có lẽ là con cuối cùng trong nghiệp nuôi trâu của mình vì ông dự định sẽ giải nghệ trong thời gian tới. “Trâu mạ (mẹ) nó là con trâu đen. Trong một mùa nước lũ, sau khi thả rong giữa cánh đồng nhiều ngày, gặp và giao phối một trâu bạc giống đực không biết từ vùng nào tới. Nước rút, khi con trâu đực được người chủ từ vùng quê khác dắt về cũng là lúc trâu mạ có thai. Không lâu sau trâu mạ đẻ ra nó”, ông Phương nhớ lại.
Ông kể, dân gian đồn thổi nhà nào nuôi trâu mà đẻ ra trâu bạc rằng sẽ rất xui rủi, mất mùa, gia đình gặp chuyện xui bất an. Do vậy, khi trâu bạc vừa lọt lòng, nhiều người khuyên ông nên bán sớm, hoặc đưa ra cánh đồng xa khu dân cư để nuôi. Mặc kệ lời dị nghị, ông Phương vẫn không chịu, vì với ông con trâu là đầu cơ nghiệp và tậu trâu vẫn là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của người nông dân. “Đã là trâu thì trâu gì cũng như nhau. Tôi quyết tâm nuôi và chứng minh với mọi người rằng, con trâu bạc nó cũng có vai trò quan trọng trong cuộc đời của người nông dân”, ông Phương tâm tình.
Khi chiều về, đàn trâu theo bản năng, vừa gặm cỏ vừa tiến theo bờ đê về nhà. Nổi bật giữa bầy trâu đó, con trâu bạc hiện rõ trước mắt nhiều người với một màu sáng hồng vô cùng dễ thương. Từ màu da, cho đến sắc lông, cặp sừng… mọi thứ đều một màu hồng. Như những trâu khác, trâu bạc vô cùng dễ bảo ban, chỉ cần “hò dừng” sẽ đứng lại, “hò rì” thì rẽ trái, “hò tắc” sẽ rẽ phải.
Không thua gì trâu đen
Trâu bạc có sức mạnh không hề thua kém nếu không nói là mạnh hơn cả trâu đen, nên đảm nhận được mọi việc mà gia chủ giao cho. Ảnh: VGP/Minh An |
Theo chỉ dẫn những người nông dân, chúng tôi xuôi theo về những cánh đồng Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Hương Trà… với hy vọng tìm được nhiều manh mối hơn về con trâu bạc. Không phải tìm là có, bởi theo bà con, gần chục năm trở lại đây, vai trò con trâu trong nông nghiệp giảm dần do sự phát triển của máy móc hiện đại. Trải qua thời gian, vai trò lịch sử của con trâu dần chấm dứt, vì thế những đàn trâu từ vài chục đến vài trăm con nay đã thưa dần, con trâu bạc vì thế cũng vắng bóng, dần trở nên hiếm hơn.
Tuy nhiên, với những thế hệ người nuôi trâu từ hơn chục năm về trước, con trâu bạc không có gì xa lạ. Lão nông Hoàng Sở, vùng nuôi trâu thuộc xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang), hồi tưởng, thời gian đó vùng này rất nhiều trâu và trâu bạc không hề hiếm. “Trong đời nuôi trâu của mình, tôi đã từng nuôi đến ba con trâu bạc”, lão nông có hơn 40 năm gắn bó với nghề nuôi trâu và vừa giải nghệ, nhớ lại.
Theo ông Sở, tuy lọt lòng cách nhau nhiều năm bởi những trâu mạ khác nhau, nhưng cả ba con trâu bạc có chung nhiều điểm, như có nhiều cặp xoáy đối xứng, chân khuỳnh ra, bước đi chắc mạnh và rất nhanh. Những con trâu bạc này có sức mạnh không hề thua kém, nếu không nói là mạnh hơn cả trâu đen, cho nên đảm nhận được mọi việc mà gia chủ giao cho.
“Ai cũng bảo trâu bạc khi lọt lòng không chỉ “điềm” mà nó còn yếu ớt. Nhưng ngược lại, cả ba con lớn nhanh, mạnh bạo. Khác với những trâu đen khoẻ mạnh nhưng khó bảo, lười nhác, cả ba con trâu bạc không chỉ cày cấy rất năng suất mà lại còn dễ bảo”, ông Sở khẳng định. Cả ba con trâu bạc ngày đó được ông Sở “chuyển nhượng” lại cho một người trong vùng, sau đó qua thêm nhiều chủ khác nhau trước khi già yếu.
Là chuyên gia có hàng chục năm nghiên cứu về trâu, PGS.TS. Nguyễn Tiến Vởn, nguyên giảng viên Khoa Chăn nuôi thú y – Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế), hiện tượng trâu trắng đơn thuần chỉ là một bệnh di truyền mà chúng ta vẫn biết đến là bạch tạng. Một số gene kiểm soát tạo sắc tố da (melanin) bị biến dị nên da không có sắc tố đen, trở thành trắng. Ở người, khoa học đã tìm thấy 7 gene liên quan đến bệnh này.
Bệnh bạch tạng không chỉ có ở người và trâu mà còn thấy ở nhiều loại động vật khác. Thế nhưng theo ông Vởn, bệnh bạch tạng ở trâu chưa có nghiên cứu được công bố nên chưa biết do biến dị những gene nào.
“Con trâu bạc mang bộ gene lặn kiểm soát sắc tố (đồng hợp lặn) nên không chỉ bố trắng, mẹ trắng đẻ ra con trắng mà ngay cả bố đen, mẹ đen cũng có thể đẻ ra con trắng nếu cả hai đều có mang gene lặn. Trong một nhóm trâu nuôi cùng một nơi có trâu bạc, sẽ dễ xuất hiện trâu bạc trong đàn con cháu. Khi đó giao phối cận huyết đóng vai trò quan trọng làm tăng khả năng tạo đồng hợp lặn, tức tạo ra trâu bạc”, ông Vỡn lý giải.
Nhắc đến quan niệm “trâu trắng mất mùa”, ông Vỡn cho rằng có lẽ là do cách gọi khác của trâu trắng: Trâu bạc. Theo cách lý giải của ông, trong tiếng Việt, chữ bạc có một nghĩa là chỉ sự phai màu từ đậm thành nhạt, từ đen thành trắng, một diễn biến theo hướng xấu. Vì thế, bạc với nghĩa tính từ phần lớn mang màu sắc tiêu cực: bạc bẽo, bạc tình, bạc ác…
“Về mặt sức khoẻ, khả năng cày kéo, cho thịt… của trâu bạc không thua gì trâu đen. Thậm chí, nhiều thương lái lợi dụng, vin vào những câu chuyện thêu dệt đó để ép giá những gia chủ có trâu bạc”, ông Vỡn “giải oan” cho trâu bạc và khẳng định một lần nữa những “đồn thổi” không có căn cứ.
Biểu tượng của nghĩa tình, trang trọng
Theo ông PGS.TS Nguyễn Tiến Vỡn, tương truyền mối thâm giao hơn bốn thế kỷ giữa người dân làng Châu Lỗ (xã Mai Đình, Hiệp Hòa, Bắc Giang) và làng Kim Thượng, (xã Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội) gắn liền với sự tích trâu bạc, được người dân hai làng tôn vinh thành Ngưu tinh (ngôi sao trên trời ứng với con trâu trắng). Chuyện kể rằng, đêm 11/9/1593 dân Kim Thượng định giết một con trâu trắng để làm lễ tế thần và để dân làng liên hoan đón vua Lê ra Thăng Long. Không ngờ con trâu lồng lên làm đứt dây chạc, bơi qua sông Cầu sang đình Châu Lỗ. Dân Kim Thượng đem tiền chuộc, dân Châu Lỗ không nhận tiền mà cho dắt trâu về. Trâu không chịu về, dân Kim Thượng phải đem đồ lễ cúng thần mới mang trâu về được. Từ đấy, hai làng kết nghĩa anh em đến tận bây giờ. Ngoài ra, trong văn hoá người Thái ở Nghệ An, con trâu là con vật được cúng bái. Trước đền Chín Gian nổi tiếng ở Quế Phong (Nghệ An) có đặt tượng 9 con trâu đang nằm, trong đó có 3 con trắng tuyền. Nếu trâu trắng là “biểu tượng mất mùa”, chắc chắn nó không được nằm ở chỗ trang trọng như vậy. |
Theo baochinhphu.vn