Những lễ hội đầu năm không thể bỏ lỡ ở miền Bắc
(PetroTimes) - Hằng năm, dịp Tết Nguyên đán là dịp để người dân Việt Nam đi du xuân, khám phá những lễ hội lớn cầu mong cho một năm may mắn, nhiều tài lộc. Những lễ hội xuân lớn độc đáo ở miền Bắc như Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Yên Tử, Hội Lim, Hội Đền Trần... Ở đó, du khách có thể tìm gặp những nét văn hóa truyền thống độc đáo đã được lưu giữ từ nhiều thế kỷ.
Lễ hội Gò Đống Đa (mùng 5 âm lịch)
Là lễ hội Xuân hiếm hoi diễn ra ngay giữa nội thành Hà Nội, hội Gò Đống Đa tổ chức hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ chiến thắng xuân Kỷ Dậu 1789, khi vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh và giải phóng Thăng Long vào ngày mùng 5 Tết.
Theo truyền thống hàng năm, Hội gò Đống Đa là dịp để nhân dân dâng hương hoa, ôn lại chiến thắng lẫy lừng của dân tộc và tham gia các trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ. Từ năm 2019, nhân kỷ niệm 230 năm chiến thắng Kỷ Dậu, lễ hội này đã được tổ chức công phu và quy mô hơn với các nét văn hóa tương đồng với lễ hội Tây Sơn Thượng đạo (An Khê - Gia Lai), Tây Sơn Hạ đạo (Bình Định).
Lễ hội chùa Hương (Hà Nội), từ mùng 6 đến hết tháng 3 âm lịch
Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội của Việt Nam, nằm ở Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày mồng sáu tháng Giêng là khai hội, thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 Âm lịch
Du khách tham quan, vãn cảnh tại động Hương Tích |
Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam.
Không giống bất kỳ nơi nào, chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng, và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Chùa Hương không chỉ còn là giá trị một vùng miền, mà là di tích của quốc gia cũng là giá trị văn hóa tâm linh của một dân tộc, vì nó là giá trị sống của chuỗi phát triển văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt từ xa xưa cho tới ngày nay.
Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn…
Lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), mùng 6 - 8 Âm lịch
Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được tổ chức từ ngày 6 - 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Lễ hội mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống thượng võ, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.
Trong lễ hội có những nghi thức độc đáo như: Lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Bên cạnh những nghi lễ, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo… Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hội Xoan (Phú Thọ), từ ngày 7/1 đến 10/1 âm lịch
Hội Xoan được tổ chức ở làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ từ ngày mùng 7 đến hết ngày mùng 10 Tết Nguyên đán nhằm tưởng nhớ đến Xuân Nương - một trong những cánh tay đắc lực trên chiến trường của Hai Bà Trưng.
Theo truyền thuyết kể lại rằng: Nghệ thuật hát xoan ở Phú Thọ có từ lâu đời, khoảng 2000 năm trước Công Nguyên. Người ta tổ chức hát xoan không chỉ để vui chơi, giải trí mà còn để cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, được mùa bội thu.
Hội chợ Viềng (Nam Định) 8/1 âm lịch
Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rục rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước.
Sản phẩm được đem ra mua bán ở chợ chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi, từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt, các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông và cả thịt bò.
Đặc biệt trong phiên chợ này từ người bán đến kẻ mua đều không nói thách mặc cả, chỉ đơn thuần là trao đi bán lại một món hàng nào đó để cả năm được may mắn sung túc. Ngày nay, chợ Viềng đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng. Hàng năm, cứ đến khoảng mùng 7 tháng Giêng, du khách từ 3 miền lại nườm nượp đổ về đây.
Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), từ 10/1 đến hết tháng 3 âm lịch
Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch. Đây là lễ hội lớn, gắn với không gian của non thiêng Yên Tử - nơi vua Trần Nhân Tông về đây tu tập và khai sinh ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử. Bởi vậy, Yên Tử là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa Phật giáo lâu đời của Việt Nam và cũng là nơi gắn với những cảnh đẹp đặc biệt mà đất trời mang lại.
Du khách hành hương về chùa Đồng Yên Tử |
Đây cũng là một lễ hội kéo dài suốt 3 tháng sau ngày khai hội mùng 10 tháng Giêng. Thông thường, vào mùa xuân, hàng vạn du khách vẫn tới đây hành hương, tìm lên chùa Đồng trên đỉnh núi để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Ngoài ra, dịp khai hội thường có thêm những hoạt động như Bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, diễn xướng văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, trò chơi dân gian…
Lễ hội Lim (Bắc Ninh) - ngày 13/1 âm lịch
Gắn liền với các làn điệu quan họ, hội Lim là lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh, diễn ra tại 3 địa phương bao quanh đồi Lim (huyện Tiên Du) là xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim. Hội Lim thường được kéo dài trong khoảng 3 ngày từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Hát quan họ tại Hội Lim |
Trong đó, ngày 13 là chính hội với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân.
Ngoài phần lễ, hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… và đặc sắc hơn cả là phần hát hội - khi các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bờ, dưới bến. Nếu muốn, du khách có thể tới chơi hội từ tối 12 để nghe các canh quan họ cổ tại nhà các nghệ nhân.
Lễ hội đền Trần (Nam Định), từ ngày 13 - 15 âm lịch
Lễ hội ở đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại đền Trần (thành phố Nam Định) nhằm tri ân công đức 14 vị vua Trần.
Lễ hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm) do một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ, cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham gia dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn nạn rủi ro trong năm.
Lễ hội Bà chúa Kho (Bắc Ninh), từ ngày 14 đến hết tháng Giêng âm lịch
Đây cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) "cầu tài phát lộc".
Mỗi năm Đền Bà Chúa Kho thu hút hàng vạn lượt du khách |
Đầu năm đi xin lộc, cuối năm trả lễ Bà Chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời của người Việt Nam. Tâm linh người Việt có xin có đáp đền. Bởi thế mà đầu năm nườm nượp người đến vay Bà Chúa, mong một năm làm ăn thuận lợi, tiền bạc rủng rỉnh để rồi cuối năm tầm tháng 11 âm lịch, người ta đổ về đền Bà Chúa Kho xin trả.
Phú Văn