Việt Nam và các FTA thế hệ mới: Đường cao tốc đã mở!
Với việc khai thác, mở cửa các thị trường và tham gia các FTA thì việc đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng rất nhanh.
Với những nỗ lực “bật lên” của Việt Nam trong tiếp cận và mở cửa thị trường, đặc biệt chúng ta đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và mới đây là “siêu” hiệp định RCEP, thì mọi thứ đã rộng mở và chúng ta có quyền hướng tới một tương lai tốt đẹp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về những cơ hội sau khi Việt Nam ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
- Xin Bộ trưởng đánh giá những nét nổi bật của liên kết kinh tế quốc tế trong 5 năm qua và tác động đối với hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?
Trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta ký kết hiệp định thương mại tự do với các chủ thể của những khu vực thương mại có quy mô rất lớn từ CPTPP tới EVFTA và bây giờ là RCEP. EVFTA với quy mô chiếm tới 30% tổng GDP toàn thế giới, RCEP cũng tương tự như vậy với 2,2 tỷ người tiêu dùng và cũng chiếm tới hơn 30 % của GDP.
Chỉ cộng 2 khu vực này chúng ta đã thâm nhập vào khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60 % tổng GDP toàn cầu với những cắt giảm thuế quan sâu rộng, liên tục với những cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai và thuận lợi.
Với những cam kết mở cửa trong tất cả các lĩnh vực rộng lớn, chưa kể đến đối với chính việc ký kết Hiệp định thương mại thế hệ mới còn chứa đựng và tác động mạnh mẽ đến những nội dung mang tính cải cách của cả chúng ta.
Rõ ràng, những điều đó đã mang lại cho chúng ta cơ hội rất lớn để tiếp cận và mở cửa thị trường. Chính vì vậy, 2016-2020 chúng ta đã chứng kiến việc tiếp cận thị trường của sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam rất thuận lợi, với mức tăng trưởng đột biến.
RCEP là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất trên thế giới, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước ASEAN.
- Cụ thể việc tiếp cận, khai thác những cơ hội của các thị trường, đặc biệt các thị trường mà chúng ta có được từ các FTA là gì, thưa Bộ trưởng?
Chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến không chỉ bằng giá trị tuyệt đối của kim ngạch xuất khẩu. Ngay với tỷ lệ khai thác, như sử dụng các mẫu chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những ưu đãi tại khu vực thị trường mới này cũng thường xuyên đạt được mức độ từ 30 đến trên 80 %. Đó chính là yếu tố tạo ra cơ hội tăng trưởng và tăng trưởng bền vững trong cán cân thương mại song phương với các quốc gia này.
Với việc khai thác, mở cửa các thị trường và tham gia các FTA thì việc đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng rất nhanh. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn cải thiện trình độ công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố xu thế bền vững trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất.
Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp cận vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một điều kiện rất cơ bản, vì chỉ khi chúng ta có điều kiện tiếp cận với các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị thì mới có cơ hội để phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như xây dựng thương hiệu và năng lực cạnh tranh.
- Thủ tướng Chính phủ từng nhận định, các hiệp định thương mại tự do chúng ta vừa đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua như đã mở ra “những con đường lớn”. Vậy, làm thế nào để tất cả các phương tiện đều có thể tiếp cận và di chuyển trên hệ thống xa lộ này, thưa Bộ trưởng?
Chính phủ yêu cầu, chỉ đạo, đòi hỏi phải thực thi, nội luật hóa các cam kết hội nhập. Chúng ta đã cam kết thì phải tổ chức xây dựng, hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp luật và những điều đó đều hướng tới sự phát triển mang tính văn minh, tiến bộ của đất nước, xã hội và cả nền kinh tế.
Điều cần phải làm tiếp là tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật để không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị nắm bắt và thực thi hiệu quả mà doanh nghiệp, người dân đều phải thực sự trở thành chủ thể đích thực của quá trình hội nhập. Chỉ có làm vậy, chúng ta mới khai thác tối đa những lợi ích từ các Hiệp định cho đất nước, cho doanh nghiệp.
Hội nhập mang lại cơ hội nhưng cũng có những thách thức. Vì vậy, chúng ta phải có các kế hoạch để thực hiện và cụ thể những đề án, nhất là trong tái cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tổ chức lại theo quan điểm, cách tiếp cận mới của chuỗi cung ứng trong bối cảnh chúng ta có dư địa, có không gian rộng lớn của hội nhập.
Còn một nhiệm vụ cũng rất quan trọng, đó là tiếp tục thực hiện các cải cách, hoàn thiện về thể chế pháp luật, môi trường kiến tạo và đặc biệt phải hướng vào người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu.
Với những điều kiện, với định hướng như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện thành công, không phải chỉ quá trình hội nhập mà mục tiêu để phát triển bền vững của đất nước, để đưa đất nước ta trở thành một đất nước phát triển, có nền công nghiệp phát triển hiện đại vào năm 2045 như Tổng Bí thư đã nói.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp