TP HCM đang xem xét phương án thu hẹp địa điểm bị phong tỏa vì dịch Covid-19
Để kịp thời khoanh vùng dập dịch cơ quan chức năng đã phong tỏa 18 địa điểm tại 7 quận huyện. Chiều 9/2, hầu hết xét nghiệm có kết quả âm tính, thành phố đang xem xét phương án thu hẹp diện phong tỏa.
TPHCM đang phong tỏa nhiều khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. |
Sau khi phát hiện thêm 2 ca nhiễm bệnh trong sáng 9/2, thành phố đang tập trung nguồn lực khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc, khoanh vùng xử lý nguy cơ, lấy mẫu xét nghiệm. Trong 2 trường hợp mới được phát hiện có ca bệnh là nhân viên của hãng hàng không Vietnam Airline.
Đại diện quận Tân Bình, địa phương phát hiện ca bệnh cho biết: "Bệnh nhân là Đinh Quyết Th. sinh sống tại tầng 15 chung cư Carillon (171 Hoàng Hoa Thám, phường 13 quận Tân Bình). Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với ca bệnh 1979, được lấy mẫu xét nghiệm ngày 8/2. Cùng với bệnh nhân, 3 người thân đã chuyển đến trung tâm cách ly tập trung".
Cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch diễn ra tại UBND TPHCM |
HCDC đã khoanh vùng lấy 95 mẫu gộp xét nghiệm (95 mẫu gộp tương đương 369 mẫu đơn) của những người tiếp xúc hiện đang chờ kết quả. Chính quyền địa phương đã tiến hành khoanh vùng toàn bộ lô F của chung cư với 40 hộ. Chiều 9/2 mẫu xét nghiệm của 3 ca trong gia đình bệnh nhân đã cho kết quả âm tính.
Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM, báo cáo của BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật cho biết: "Cập nhật kết quả xét nghiệm đến 15h00 ngày 9/2 thành phố ghi nhận 30 ca nhiễm. Bên cạnh đó còn 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính vào sáng cùng ngày liên quan đến nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất đang chờ Bộ Y tế công bố. Thành phố đã khẩn trương tổ chức điều tra, truy vết người tiếp xúc với các ca bệnh Covid-19 mới phát hiện trong cộng đồng, khoanh vùng dập dịch triệt để tại những địa điểm liên quan".
Công tác điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc đang được xử lý triệt để |
Các bước tiến hành mở rộng lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cộng đồng đến 15 giờ ngày 9/2 cho thấy có 1.324 trường hợp tiếp xúc gần F1 trong đó 926 âm tính, 398 mẫu đang chờ kết quả; 369 F2 trong đó 53 âm tính, 316 chờ kết quả. Ngoài ra, ngành y tế đã thực hiện 5.851 mẫu giám sát cộng đồng trong đó 3.024 mẫu âm tính, 2.827 mẫu đang chờ kết quả. Lấy mẫu tầm soát cho toàn bộ 1.932 nhân viên của Bệnh viện Quân y 175, tất cả đều âm tính.
Để đánh giá lại nguy cơ của nhân viên làm việc tại Công ty VIAGS, công ty phục vụ mặt đất tại sân bay có 6 trường hợp bệnh, thành phố đã lấy lại mẫu xét nghiệm lần 2 cho 1.600 trường hợp trong đó 1.400 âm tính, 200 đang chờ kết quả. Tiến hành xét nghiệm lần 2 các nhân viên làm việc trong nhà ga có tiếp xúc với hành khách, thực hiện trước 24h, các ca có xét nghiệm âm tính mới thực hiện nhiệm vụ trong ngày hôm sau.
Thành phố đã kích hoạt hệ thống y tế trên toàn thành tập trung vào hoạt động phòng chống dịch |
Báo cáo nhanh của các quận huyện đang có ca bệnh trong cộng đồng cho thấy, những khu vực đang được phong tỏa đã kiểm soát nghiêm ngặt về an ninh trật tự, người dân chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế trong các hoạt động chống dịch.
Về cơ bản, tình hình dịch bệnh đã bước đầu được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cơ bản được ngăn chặn. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm của tất cả các trường hợp trong các khu vực phong tỏa, những mẫu xét nghiệm đã có kết quả đều âm tính.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố cần thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo chống dịch của Bộ Y tế là giám sát rộng, phong tỏa hẹp. Sau khi có kết quả xét nghiệm của những trường hợp cần giám sát nguy cơ, thành phố đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ đánh giá lại yếu tố nguy cơ, xem xét phương án thu hẹp các địa điểm đang bị phong tỏa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm để hạn chế tối đa những tác động đến đời sống của người dân.
Một phần mẫu xét nghiệm được lấy tại các khu vực đang phong tỏa đã có kết quả âm tính |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh: "Tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ cao khó kiểm soát nên tất cả các đơn vị phải tập trung cao độ. Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM xác định năm nay chúng tôi không có Tết… những người đứng đầu các quận huyện không được rời địa bàn quản lý trong những ngày Tết".
Bên cạnh đó, ông đề nghị ngành y tế thành phố tập trung truy vết các trường hợp tiếp xúc, đẩy mạnh xét nghiệm, không được phép chủ quan mà phải thực hiện phương án phòng chống dịch quyết liệt, thần tốc, nhưng hiệu quả cao nhất.
Theo Dân trí