Chuyên gia: Nền kinh tế sẽ đi sâu vào hồi phục và làm sao tránh "va đập"
Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, nền kinh tế phải đối mặt với giai đoạn bất định và rủi ro. Sự bất định và rủi ro ở nhiều loại hình, có thể thiên tai, có thể là dịch bệnh...
Ông Võ Trí Thành cho rằng sức chống chịu và vượt khó của doanh nhân là một trong các yếu tố quyết định cho thành tích năm 2020. |
Tại tọa đàm "Kinh tế 2021- Xu hướng chủ đạo và thách thức cho SMEs" vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đều nhận định 2021 sẽ là một năm còn nhiều khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp.
Theo TS. Võ Trí Thành, năm 2020 vừa qua có thể gói gọn ở hai từ 'Covid-19" và "vượt khó". Trong đó, sức chống chịu và vượt khó của doanh nhân là một trong các yếu tố quyết định cho thành tích năm 2020.
Nói về kết quả tăng trưởng năm 2020, ông Thành cho rằng dù kém nhất trong nhiều năm nay nhưng vẫn là "điểm sáng" trong bầu trời tương đối "ảm đạm" của kinh tế thế giới.
"Doanh nghiệp có nhiều cách để vượt khó, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ có những cách làm truyền thống như giảm chi phí, chuyển đổi sản phẩm, thị trường, thay đổi cách quản trị, thậm chí "ngủ đông"... Cũng có những cách làm tạo bất ngờ", ông Thành nhận xét.
Bước sang năm 2021, ông Võ Trí Thành cho rằng hai từ phổ biến nhất sẽ là "hồi phục, phục hồi". Năm nay, New Zealand đăng cai APEC. Trong đó, 3 chủ đề quan trọng được đưa ra: Hồi phục, tái cơ cấu kinh tế; phục hồi gắn với tăng trưởng xanh; phục hồi gắn liền với đổi mới sáng tạo đặc biệt là chuyển đối sổ...
Ông Thành cho biết, doanh nghiệp phải nhận thức được những sự thay đổi trong lối sống mới, cách tiêu dùng mới, nhu cầu về "xanh", "an toàn", "nhân văn"...
Trong đó, một xu hướng nổi rõ lên là vấn đề về chuyển đổi số và câu chuyện về "va đập". Theo ông Thành, "va đập" ở đây bao gồm cả hội nhập, những vấn đề phải đối mặt như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cực đoan, bảo hộ thương mại...
"Chúng ta đang phải đối mặt với giai đoạn bất định và rủi ro. Không chỉ về tần suất mà cả về loại hình. Có thể thiên tai, có thể là dịch bệnh, có thể là tài chính, có thể là địa chính trí... Năm 2021 đi sâu vào phục hồi, nhưng đó là sự phục hồi không đồng đều vì phụ thuộc vào mức độ khống chế dịch", ông Thành chia sẻ.
Ông Thành cũng cho biết, dù vậy các doanh nghiệp vẫn đứng trước nhiều cơ hội trước sự chuyển dịch thương mại đầu tư, chuỗi cung ứng.
"Có rất nhiều nhà đầu tư tìm hiểu Việt Nam. Chúng ta có nền kinh tế vĩ mô ổn định, hệ thống tài chính vững. Nếu nói kinh doanh bây giờ, tôi cho rằng chỉ có mấy từ, đó là cơ hội, thứ 2 là lợi thế của mình đâu, thứ 3 là kết nối. Có câu rất hay vốn xã hội quan trọng hơn vốn tiền bạc. Thứ 4 là đổi mới sáng tạo, thứ 5 quản trị rủi ro, sự bất định", vị chuyên gia nhiều kinh nghiệm lưu ý các doanh nghiệp.
Nhìn chung thách thức năm 2021 còn nhiều song ông Thành hy vọng doanh nghiệp tiếp tục vượt khó. Đặc biệt đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Thành cho rằng họ có lợi thế về sự linh hoạt, tốc độ, sự chuyển đổi...
Chuyển đổi số là yếu tố sống còn
Có mặt tại tọa đàm, chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa cũng cho biết, năm 2020 rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng kép. Covid-19 đã tạo ra nỗi lo sợ đối với nhà đầu tư.
Tuy nhiên khi chứng kiến sự khốc liệt tại một số doanh nghiệp du lịch tại Nha Trang, Đà Nẵng… thì theo ông Hòa, mới thấy được sự xoay sở của người Việt Nam "khủng khiếp" như thế nào.
"Các bạn phải định vị lại mình là ai? Khó khăn khiến năng lực cốt lõi lộ rõ. Khi lợi nhuận tăng cao làm chúng ta mờ mắt, đến khi Covid-19 ập đến thì như một sự sàng lọc", ông Thái Hòa nói.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa: Khi lợi nhuận tăng cao làm chúng ta mờ mắt, đến khi Covid-19 ập đến thì như một sự sàng lọc. |
Khi đề cập đến triển vọng 2021, ông Hòa nhắc nhiều đến vấn đề chuyển đổi số. Vị chuyên gia này cám ơn Thủ tướng đã quyết định ký quyết định về chuyển đổi số, toàn diện, chi tiết.
"Doanh nghiệp đang chuyển đổi mạnh mẽ. Nhiều người nói, một làng như Đồng Kỵ thì chuyển đổi số như thế nào? Giờ thì họ có một cuối năm tăng trưởng tốt vì nhờ quảng cáo online. Chúng ta có niềm tin chuyển đổi số giúp chúng ta tốt hơn", ông Hòa chia sẻ.
Khi bàn về những thách thức năm 2021, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng lưu ý một số vấn đề như sự thay đổi thói quen, cách kinh doanh của thế giới.
Nếu như trước kia ưu tiên số một là giá rẻ, đặt chuỗi cung ứng ở Trung Quốc thì nay đã có sự dịch chuyển. "Chúng ta phải chấp nhận sự thay đổi. Sự thay đổi đó là điều mà đúng ngày hông qua đúng, chưa chắc đúng ngày hôm nay", TS Doanh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia lưu ý doanh nghiệp cần trang bị năng lực cập nhật tình hình, thay đổi linh hoạt, đồng thời lưu ý đặc biệt đến quá trình chuyển đổi số. "Để làm sao người mua hàng từ Nhật Bản có thể biết các bạn đánh bắt, chế biến thủy sản thế nào. Thậm chí bật lên có thể thấy các bạn chăm sóc trái cây thế nào…", ông Doanh nói.
Theo Dân trí