Trung Quốc liên tục "siết" hàng nhập, nông-lâm-thủy sản Việt Nam gặp khó
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian gần đây Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... khiến xuất khẩu nông-lâm-thủy sản gặp khó.
Trong báo cáo tháng 1 vừa được công bố, Bộ Công Thương cho biết xuất, nhập khẩu hàng hóa trong kỳ này đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm điện thoại di động phiên bản mới S21.
Nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản gặp khó khi Trung Quốc thắt chặt việc nhập khẩu, tăng cường kiểm dịch. |
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2021 ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,4 tỷ USD, tăng 41% . Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1 ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Đáng lưu ý, trong khi xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục tăng mạnh thì kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,03 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng 12/2020.
Trong nhóm này, mức giảm chủ yếu do rau quả, cà phê và gạo với mức giảm lần lượt là 7,63%; 12,6% và 20,2%. Còn lại các mặt hàng khác đều có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6%; cao su đạt 321 triệu USD, tăng 142,2%; hạt điều đạt 268 triệu USD, tăng 51,7%; hạt tiêu đạt 51 triệu USD, tăng 42,4%.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác... khiến xuất khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy sản sang thị trường này gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo tiến hành kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường do lo ngại dịch Covid-19 dễ lây lan qua biên giới khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa Đông và mùa Xuân.
Bên cạnh đó, Chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc (địa phương có biên giới giáp với 4 tỉnh Việt Nam là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang) cũng đã đưa ra một số yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh.
Bộ Công Thương cho biết đã thông báo và khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng của hàng hóa; đồng thời tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm, góp phần giúp quá trình thông quan diễn ra thuận lợi hơn.
Bộ Công Thương cũng khẳng định đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành của Việt Nam để trao đổi với phía Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Cũng trong tháng 1, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia ra thông báo dừng nhập khẩu 4 loại cá da trơn như: cá tra, cá bớp, cá trê và cá lóc từ các nước láng giềng chung biên giới với Campuchia (trong đó có Việt Nam) nhằm bảo vệ thị trường cho các hộ nuôi cá của Campuchia.
Bước đầu, Bộ Công Thương cho biết nhiều lô hàng cá da trơn xuất khẩu sang Campuchia qua cửa khẩu Khánh Bình (tỉnh An Giang) không được thông quan, phải quay trở lại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Việt Nam xuất khẩu khoảng 60 triệu USD/năm giá trị thủy sản sang Campuchia. Tuy Campuchia không phải là thị trường lớn đối với thủy sản của Việt Nam nhưng nhu cầu nhập khẩu của thị trường tương đối ổn định, đóng góp tốt cho việc phát triển thương mại ở khu vực biên giới, tạo công ăn việc làm và thu nhập nhất định cho người dân.
Theo Dân trí