Kinh tế giao thông sẽ là điểm sáng trong phát triển đô thị
Kinh tế giao thông là một trong những lĩnh vực có tiềm năng rất lớn, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của các đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Trao đổi với PV, Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Nếu khai thác một cách hiệu quả, hợp lý, kinh tế giao thông sẽ là điểm sáng nổi bật trong phát triển đô thị”.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế giao thông đối với các đô thị?
- Kinh tế giao thông có thể hiểu là khai thác hiệu quả kinh tế từ mạng lưới hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông vốn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào, được ví như mạch máu của mỗi cơ thể. Việc khai thác hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng giao thông trong các đô thị nói riêng, mang lại rất nhiều nguồn lợi cho nền kinh tế. Trong đó, có nguồn lợi lượng hóa được và cũng có những nguồn lợi chưa thể lượng hóa được. Nếu khai thác một cách hiệu quả, hợp lý, kinh tế giao thông sẽ là điểm sáng nổi bật trong phát triển đô thị.
Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. |
Vậy có thể khái quát các nguồn lợi kinh tế giao thông như thế nào?
- Có thể chia nguồn lợi từ kinh tế giao thông theo hai hình thức thu: Trực tiếp và gián tiếp. Nguồn lợi trực tiếp là thu phí kinh doanh khai thác, sử dụng hạ tầng giao thông như phí đường bộ; phí trông giữ phương tiện; thuê sân bãi, kho bãi; chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác sử dụng có thời hạn. Hay lồng ghép các dịch vụ khai thác, kinh doanh thương mại trên và trong các công trình hạ tầng giao thông để tạo nguồn thu như tích hợp kinh doanh dịch vụ thương mại tại các đầu mối giao thông (hình thức TOD); quảng cáo kết hợp tuyên truyền tại các đầu mối giao thông; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, quản lý điều hành giao thông thông minh, trong đó có việc xử phạt nguội, quản lý vận hành tránh thất thoát…
Nguồn lợi gián tiếp đến từ việc đánh thức và tăng giá trị đất đai. Ví dụ như hệ quả tăng giá đất trong khu vực có hạ tầng giao thông phát triển; đấu giá đất hai bên đường; gắn kết các khu vực dân cư, đô thị… Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết, quan trọng cho việc phát triển các loại hình vận tải hàng hóa, hành khách. Giảm UTGT, kết nối giao thông thuận lợi sẽ tạo được môi trường hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư. Hay giảm thiểu thời gian chi phí vận tải nhờ có mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông phát triển cũng là một nguồn lợi làm nên kinh tế giao thông.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm khai thác kinh tế giao thông từ các đô thị lớn trên thế giới?
- Nguồn thu từ hạ tầng giao thông về cơ bản là sử dụng để tái đầu tư cho chính nó. Do vậy, việc hạn chế về nguồn thu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì chính hoạt động thường xuyên cũng như phát triển thêm mạng lưới hạ tầng giao thông. Việc khai thác sử dụng hạ tầng giao thông để tạo nguồn thu đã được nhiều đô thị trên thế giới nghiên cứu thực hiện có hiệu quả từ sớm; và là bài học kinh nghiệm quan trọng đối với chúng ta.
Nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực đã biết tận dụng nguồn lực tài chính từ thu phí phương tiện đi vào khu vực nội đô một cách linh hoạt; đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác - công tư; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hạ tầng giao thông. Mô hình TOD tại các khu vực đầu mối giao thông cũng được khai thác triệt để, thành công, qua đó đem lại nguồn lực kinh tế nổi bật cho các đô thị.
Trên thực tế, việc khai thác kinh tế giao thông ở Hà Nội và các đô thị lớn hiện nay có được như kỳ vọng không thưa ông?
- Thời gian qua, việc khai thác nguồn lợi kinh tế giao thông ở Hà Nội và các đô thị lớn trên cả nước đã được quan tâm bằng nhiều hình thức như xã hội hóa đầu tư, quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển đô thị song hành cùng với mạng lưới hạ tầng giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng; đấu giá quyền sử dụng đất hai bên các tuyến đường mới được đầu tư... Và những gì mà các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, đã làm được đến nay là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của kinh tế giao thông, và vẫn còn một số tồn tại, bất cập.
Nhiều đô thị mới chỉ chú trọng vào việc khai thác nguồn thu từ hạ tầng giao thông đường bộ. Còn đường sắt, đường thủy, hàng không chưa được quan tâm đúng mức. Việc quản lý, khai thác vẫn còn để xảy ra thất thoát, lãng phí, đã được các cơ quan thanh tra, kiểm tra chỉ ra trên các tuyến đường giao thông thực hiện theo hình thức BOT chẳng hạn. Cơ chế chính sách trong quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông còn một số bấp cập gây khó khăn không nhỏ. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng mới chỉ ở bước đầu hoặc thí điểm.
Đặc biệt, nhiều công trình hạ tầng giao thông hình thành nhưng quỹ đất hai bên đường chưa được khai thác sử dụng hiệu quả, thậm chí bỏ không trong một thời gian khá dài, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách. Chưa có mô hình TOD tích hợp quy mô lớn tại các đầu mối giao thông gồm: nhà ga; bến xe, bến tàu...
Để đánh thức tiềm năng sinh lời từ hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, trước hết cần tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách trong đầu tư, quản lý khai thác hạ tầng giao thông theo hướng tăng cường xã hội hóa, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia, tăng cường công tác phân cấp, có chính sách đặc thù cho các khu vực đặc thù. Tiếp đó phải có chiến lược đầu tư, phát triển đồng bộ và hài hòa hạ tầng đường thủy, đường bộ, đường sắt, hàng không phù hợp với điều kiện và thế mạnh của từng địa phương, từng đô thị. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác hạ tầng giao thông, nhất là với việc quản lý, giám sát thu phí và xử phạt các vi phạm về giao thông.
Bên cạnh đó, cần khai thác sử dụng có hiệu quả quỹ đất tại các đầu mối giao thông lớn (nhà ga; bến xe; bến tàu; cảng…). Tích hợp các loại hình giao thông, lồng ghép các hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại, trông giữ phương tiện tại các đầu mối giao thông này. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch, nhằm thiết lập cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện, ưu việt, như vậy mới có thể đánh thức tiềm năng và thu được càng nhiều lợi ích từ việc khai thác, sử dụng hạ tầng giao thông. Tôi tin tưởng rằng, với nhận thức đầy đủ, trách nhiệm và cố gắng của từng địa phương, từng đô thị, thời gian tới kinh tế giao thông sẽ là điểm sáng nổi bật, góp phần tích cực vào phát triển các đô thị hiện đại, bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kinh tế & Đô thị