Xăng dầu lại tăng giá: Giải cứu doanh nghiệp thế nào đây?
(Petrotimes) - Nền kinh tế chưa “bắt nhịp” được với lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu thêm 1.100 đồng/lít ngày 13/8 thì đã bị dội một gáo nước lạnh bằng quyết định điều chỉnh giá xăng dầu thêm 650 đồng/lít vào chiều 28/8.
Sức mua của người dân yếu là một trong nhiều nguyên nhân khiến hàng tồn kho tăng cao.
Với mục tiêu giảm thiểu những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, chủ trương giãn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5 của Chính phủ đã được Bộ Tài chính thực hiện rất quyết liệt.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2012, ngành tài chính đã thực hiện gia hạn số thuế phải nộp cho khoảng 208.250 lượt doanh nghiệp với tổng số tiền gia hạn xấp xỉ 10.000 tỉ đồng. Ngoài ra, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, ngành cũng đã giải quyết gia hạn nợ thuế cho khoảng 8.260 doanh nghiệp với tổng số thuế được gia hạn là 347,5 tỉ đồng.
Như vậy, cùng với việc giảm thuế đất và chủ trương miễn thuế buôn bài năm 2012, tính đến thời điểm này, ngành tài chính đã thực hiện miễn, giảm và giãn thuế cho các doanh nghiệp lên tới gần 11.000 tỉ đồng. Đây có thể xem là con số đầy “nỗ lực” và “cố gắng” của ngành tài chính trong bối cảnh nhiều khoản thu ngân sách dự kiến trong năm đều giảm.
Và theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhiều lần khẳng định trên báo chí thì chủ trương miễn, giảm và giãn thuế chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, giảm bớt những khó khăn trong bối cảnh hàng tồn kho vẫn đang duy trì ở mức cao như hiện nay.
Những nỗ lực trên của ngành tài chính trong suốt thời gian qua giường như bước đầu đã mang lại kết quả lạc quan, điều này được thể hiện khá rõ tại bản báo cáo của Tổng cục Thuế về tình hình hoạt động của doanh nghiệp tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012. Theo đó, chỉ tính riêng trong 7 đã có 937 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp có lãi trước thuế cũng đã tăng so với quý I/2012 là 2,5%.
Những kết quả trên có thể xem là tích cực, đáng vui mừng trong bối cảnh nền kinh tế đang bị “bí bách” đầu ra như hiện nay. Tuy nhiên, với những diễn biến đầy bất lợi như giá điện, gas và đặc biệt là mặt hàng xăng dầu liên tục tăng giá khiến nỗ lực giải cứu doanh nghiệp lại lâm vào thế bí. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một lần nữa lại bị đẩy vào thế khó và bài toán làm sao giải cứu doanh nghiệp đang xuất hiện một tình tiết mới đầy khó khăn.
Xăng tăng giá khiến nỗ lực giảm giá thành sản phẩm của doanh nghiệp lầm vào bế tắc.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì một trong những vấn đề vướng mắc được xem là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trì trệ, ế ẩm và lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng cao là sức mua của người dân đang rất yếu. Và trong bối cảnh chi phí đầu vào của doanh nghiệp tiếp tục bị đẩy lên thì đồng nghĩa với việc nỗ lực giảm giá thành sản phẩm của doanh nghiệp là bất khả kháng. Giá sản phẩm không thể giảm, khả năng chi trả tiêu dùng của người dân yếu thì lượng hàng tồn kho tăng là hệ quả tất yếu.
Nói như vậy để thấy rằng, trong khi cả nền kinh tế đang tìm mọi cách để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và bước đầu đã có những tín hiệu lạc quan đã và đang bị quyết định điều chỉnh giá xăng dầu thời gian gần đây xóa bỏ hoàn toàn. Giải cứu doanh nghiệp là mệnh lệnh của nền kinh tế và giải quyết đầu ra cho sản phẩm là con đường sống còn với doanh nghiệp nhưng giải cứu sao đây khi giá nguyên liệu đầu vào cứ tăng, thậm chí là tăng mạnh.
Chi phí đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp buộc phải giảm giá thành sản phẩm để kích sức tiêu dùng là bài toán không có lời giải. Doanh nghiệp Việt đang lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, sống cũng khổ mà chết cũng chẳng xong!
Khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp như vậy là không hề nhỏ nhưng khó khăn, thách thức đó giường như lại đang tăng lên gấp bội. Giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dự kiến là sẽ lại tăng theo kiểu “tát nước theo mưa” trong thời gian tới càng khiến khả năng tiêu dùng của người dân thêm phần kiệt quệ.
Túi tiền của người dân đang phải đối diện với nguy cơ thủng đáy thì lấy đâu ra tiền mà mua sắm, tiêu dùng. Viễn cảnh này giờ có vẻ như đang dần trở thành hiện thực khi mà chủ trương tăng lương cơ bản tại các doanh nghiệp sản xuất đang được cân nhắc lìu lại. Lương không tăng cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân không tăng.
Qua đó để thấy rằng, dòng tiền mà Nhà nước đã dành ra để ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kích cầu sản xuất đã bất thành. Tiền miễn, giảm hay giãn thuế thực chất sẽ là con số không vì khoản tiền đó lại đang phải bù đắp vào các khoản chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Từ đó để thấy rằng, giải cứu doanh nghiệp tiếp tục là thách thức với nền kinh tế Việt Nam. Và chừng nào chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các chủ trương và hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” còn diễn ra thì mọi nỗ lực vẫn sẽ không đem lại kết quả. Thậm chí, căn bệnh trì trệ, ế ẩm, hàng tồn kho tăng cao sẽ ngày một thêm trầm trọng!
Thanh Ngọc