Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo, thu phí hợp đồng vay giả
Càng gần cuối năm, các thủ đoạn lừa đảo người vay tiền để chiếm đoạt phí, tài sản...từ các đối tượng tội phạm càng tinh vi, phức tạp.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết thời gian gần đây có tiếp nhận thông tin phản ánh từ khách hàng về việc một số đối tượng làm giả hợp đồng vay để thực hiện các hành vi lừa đảo, thu phí làm hồ sơ/ hợp đồng vay nhằm chiếm đoạt tiền khách hàng.
OCB đã tiếp nhận phản hồi của khách hàng về hiện tượng xuất hiện các đối lượng lợi dụng lòng tin để thực hiện hành vi lừa đảo (ảnh: Giao dịch tại OCB) |
Theo đó, lợi dụng tâm lý cần vay tiền của người dân trong thời điểm cuối năm, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng thủ đoạn giả mạo các hợp đồng vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp cùng các thông tin về ban lãnh đạo ngân hàng đứng tên trên hợp đồng vay. Từ đó, lợi dụng lòng tin của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo: thu phí làm hồ sơ (hoặc) phí nhận hợp đồng vay…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu OCB.
Các đối tượng này đã tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay qua các kênh Facebook, mạng xã hội của các ngân hàng, công ty tài chính…Sau đó, từng bước tiếp cận, tư vấn, chào mời và thực hiện các hành vi lừa đảo. Hồ sơ giả mạo được mô phỏng các điều khoản theo mẫu hợp đồng vay tại OCB. Tuy nhiên, các thông tin về người đứng tên đại diện của ngân hàng đều sai lệch. Khách hàng sau khi cung cấp các thông tin sẽ được yêu cầu thanh toán theo dạng COD (giao hàng thu tiền) thông qua shipper (người giao hàng)/ bưu điện với chi phí từ 1.500.000-2.500.000 để nhận hợp đồng vay.
OCB khuyến nghị khách hàng cá nhân, tổ chức cần: Cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên OCB để tiếp thị và hướng dẫn thực hiện các khoản vay tín chấp không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thanh toán trước các khoản phí mở hồ sơ, nhận hợp đồng hay giải ngân tiền; Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép; Khách hàng không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email; Khách hàng tuyệt đối không nạp tiền/ chuyển khoản/ thanh toán tiền cho người lạ khi có dấu hiệu nghi vấn; OCB khẳng định, hồ sơ vay được thực hiện đầy đủ theo quy trình và tuân thủ đúng pháp luật. Ngân hàng không yêu cầu nạp tiền/ chuyển khoản/ thanh toán hay thu bất kỳ loại phí nào của khách hàng trong quá trình xem xét và đánh giá khoản vay.
Mẫu hợp đồng vay mạo danh OCB do khách hàng cung cấp |
Trong trường hợp khách hàng nhận thấy có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, ngân hàng khuyến nghị khách hàng cần liên hệ ngay với số điện thoại hotline hoặc đến điểm giao dịch ngân hàng gần nhất để được hỗ trợ.
Trước OCB, cũng đã xuất hiện nhiều tình huống lợi dụng sự mất cảnh giác của khách hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch mạo danh trên không gian mạng hoặc thậm chí qua các tình huống hồ sơ vay trực tiếp, nộp phí nhận tiền vay ưu đãi...
Gần nhất, nhiều người đã bị sập bẫy khi trả tiền "phí bảo hiểm" lên đến trên 1 triệu đồng/ kiện nhằm nhận bưu kiện có chứa mã ID cho các khoản vay ưu đãi không lãi suất, không thủ tục. Sau khi đóng phí thì khách hàng không thể liên lạc lại với đối tượng đã liên hệ mạo danh cho vay qua số điện thoại đã trao đổi, giao dịch trước đó. Đây cũng là một hình thức biến tướng lừa đảo mạo danh cho vay đánh vào tâm lý của người có nhu cầu vay nhanh các khoản tín dụng tiêu dùng giá trị vừa, nhỏ, mong muốn có lãi suất thấp để chi dùng cho dịp cuối năm.
VPBank hồi cuối tháng 12/2020 cũng đã phải cảnh báo khách hàng về các chiêu thức lừa đảo giả danh nhân viên của VPBank như gọi điện thoại, nhắn tin mời mở thẻ, cấp khoản vay sau đó yêu cầu đóng phí bảo hiểm thẻ qua dịch vụ bưu điện nhằm chiếm đoạt tiền khách hàng trái phép gọi mời khách hàng tham dự hội thảo, mua sản phẩm liên kết với các đối tác….nhằm lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng dành cho ngân hàng...
Theo enternews.vn