Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Sai phạm đến đâu, xử lý đến đó
(Petrotimes) - Sáng 28/8/2012, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã có buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu giao lưu với bạn đọc
Chủ đề của buổi giao lưu trực tuyến tập trung vào các nội dung: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; việc triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Bên cạnh đó, Thượng tướng cũng đã trả lời các câu hỏi xoay quanh các vấn đề, các vụ việc nóng hổi đang diễn ra hiện nay như vụ bắt giam ông Nguyễn Đức Kiên, việc xử lý các xe ô tô công vi phạm giao thông, xử lý cán bộ công an vi phạm kỷ luật, nhận hối lộ, mãi lộ... Dưới đây là một số câu trả lời của Trung tướng tại buổi giao lưu.
PV: Bạn đọc ở Long Biên, Hà Nội hỏi: chúng tôi không có nghiệp vụ công an nhưng chúng tôi cũng phát hiện được nhiều trường hợp mua bơm, kim tiêm để chích hút, hoặc nhiều ổ hoạt động mại dâm trá hình dưới hình thức nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn. Sao không thấy công an phường, công an khu vực nắm, xử lý? Xin đồng chí Thứ trưởng cho biết việc xử lý công an địa bàn ở đó như thế nào?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Như câu trước tôi đã nói, tội phạm hoạt động không phải trên trời, dưới biển, mà ở ngay làng, xã, phường, thôn, làng. Nếu chính quyền, công an địa phương không phát hiện được, chỉ có thể do 2 lý do: vô trách nhiệm, không phát hiện được; phát hiện nhưng không xử lý. Cả 2 trường hợp đều đáng trách.
Đúng như bạn phản ánh, qua tin của quần chúng, chúng tôi phát hiện rất nhiều vụ về cờ bạc, mại dâm. Tuy nhiên, việc xử lý nặng nhẹ do pháp luật quy định, khó khăn trong xử lý, ví dụ về tội phạm mại dâm chỉ có thể giáo dục, phạt, và tha về, ít khi đưa ra toà. Chỉ xử lý được nếu dẫn dắt, môi giới mại dâm.
Đối với cán bộ cơ sở, chúng tôi cho rằng cần hết sức chú ý, đặc biệt với CA phường, xã, chúng tôi luôn đề cao trách nhiệm của lực lượng này. Nếu có sai phạm, vi phạm xảy ra trên địa bàn họ quản lý, nếu có hiện tượng bao che, sẽ phải xử lý kỷ luật trách nhiệm, chịu kỷ luật nghiêm, thậm chí nếu vi phạm nặng, chúng tôi xử lý theo quy định của pháp luật.
PV: Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ tham nhũng nghiêm trọng, hầu hết là do người dân tố cáo. Hiện nay, Bộ Công an có những biện pháp gì để bảo vệ người tố cáo và khuyến khích tố cáo tội phạm?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Có thể nói tham nhũng là loại tội phạm được nhân dân chú ý, quan tâm. BCĐ Trung ương về Phòng chống tham nhũng duy trì đều các hoạt động, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo luôn chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, đặc biệt là đối với các vụ án lớn. Thực tế, trong những năm qua, chúng ta đã khám phá và xử lý rất nhiều vụ tham nhũng. Nhiều người chưa có thông tin để đánh giá đúng tình hình, nên cho là chúng ta xử lý được ít vụ tham nhũng. Thực tế số vụ tham nhũng bị phát hiện rất lớn. Ngay cả các địa phương cũng đang tập trung khám phá các vụ tham nhũng. Vừa qua, nhiều vụ bị phát hiện, xử lý: Vụ Vinashin, Vinalines...
Phải nhìn nhận khách quan, cả phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm tham nhũng chúng ta đều làm có kết quả. Tuy nhiên, so với đòi hỏi của nhân dân là chưa đáp ứng được.
Sắp tới, Ban Chỉ đạo có thể có sự thay đổi, sửa luật PCTN để phát huy hiệu quả PCTN trong toàn dân.
Trong ngành công an, Đảng ủy CA Trung ương và lãnh đạo Bộ rất quan tâm công tác PCTN, có lực lượng chuyên trách đấu tranh PCTN trong ngành. Lực lượng này đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Hiện nay, chúng tôi đã chỉ đạo toàn ngành làm một số việc sau:
Công an các địa phương rà lại các vụ án tham nhũng trong thời gian qua, thúc đẩy làm kiên quyết các vụ còn tồn tại và đang làm để kết thúc trong thời gian sớm. Đây là việc làm rất cần thiết.
Tăng cường công tác nắm tình hình. Đúng là có thực tế từ trước đến nay, chống tham nhũng được phát hiện chủ yếu qua đơn thư, báo chí, còn từ công tác đấu tranh phòng ngừa, từ chi bộ, từ phê bình và tự phê bình thì còn ít. Cần tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa, nắm tình hình, nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm, tiếp tục làm để xử lý tham nhũng.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành. Một vụ việc xảy ra sẽ liên quan đến nhiều ngành, nếu trong từng vụ việc cụ thể có ý kiến khác nhau sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết, xử lý. Chúng tôi cùng nội chính, toà án, tư pháp phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vụ việc. Đã phát hiện phải nhanh chóng điều tra, đưa ra xét xử. Các biện pháp phòng ngừa khác như kê khai tài sản… do các cơ quan thanh tra làm.
PV: Một số ý kiến bạn đọc cho rằng, hiện nay người dân “ngại” tham gia tố giác tội phạm, kể cả khi thấy các hành vi phạm tội quả tang như: Móc túi trên xe ô tô buýt, trộm nhà dân, đánh bạc trái phép, các hành vi mãi lộ trên đường… vì sợ bị liên lụy, sợ bị trả thù. Vậy, quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào? Làm thế nào để chúng ta thật sự xây dựng được “thế trận lòng dân”, huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Thực tế hiện nay, bên cạnh những tấm gương, điển hình tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, vẫn có hiện tượng người dân ngại tham gia tố giác, tấn công truy bắt tội phạm vì sợ bị liên lụy, sợ bị trả thù, thậm chí ở một số nơi còn có những cán bộ, đảng viên thờ ơ, bàng quan, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vô cảm trước những tiêu cực, cái xấu trong xã hội, đúng như bạn phản ánh.
Công tác phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh trật tự không chỉ riêng là trách nhiệm của ngành Công an mà đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, gắn trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác này, công tác này mới có thể đạt kết quả tốt. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân đều có trách nhiệm cùng tham gia tố giác tội phạm.
Chúng tôi kiến nghị một số giải pháp sau đây:
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Hàng năm, Lực lượng CA lấy ngày 19-8 là ngày truyền thống lực lượng, cũng là ngày vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc. Chúng tôi tổ chức Hội nghị Điển hình tiên tiến tố giác tội phạm để biểu dương, khuyến khích các cá nhân tham gia tố giác tội phạm. Từ đó động viên toàn dân tham gia tố giác, phòng chống tội phạm.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bảo vệ người tố giác. Có chế độ chính sách thỏa đáng đối với người dân bị thương, bị hy sinh hoặc bị thiệt hại về vật chất khi tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt xung kích của lực lượng CAND trong phòng, chống tội phạm, lực lượng Công an phải thực sự là chỗ dựa, phải được nhân dân tin yêu, tích cực cộng tác giúp đỡ trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự.
Tôi thường nói với anh em trong ngành: Tội phạm không hoạt động trên trời, dưới biển, mà hoạt động ở làng, xã, phường, bản. Nếu chính quyền, công an địa phương không phát hiện được, chỉ có thể do 2 lý do: vô trách nhiệm, không phát hiện được; phát hiện nhưng không xử lý. Cả 2 trường hợp đều đáng trách. Chúng ta phải củng cố cán bộ cốt cán ở cơ sở để nhân dân tin tưởng, cùng tham gia tố giác, bắt tội phạm. Tạo thành phong trào quần chúng để nhân dân tự giác chấp hành.
PV: Bạn Tuấn Tú (Nghệ An) đưa ra bình luận, hiện nay một trong những nguyên nhân khiến người dân “ngại” tham gia tố giác tội phạm, kể cả khi thấy các hành vi phạm tội quả tang là do chưa có cơ chế bảo vệ người tố giác mặc dù chủ trương đã có. Vậy chủ trương đó bao giờ được hiện thực hóa, thưa ông?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Chủ trương có rồi, chúng tôi sẽ xây dựng các cơ chế cụ thể. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, phải khi nào đồng tình, thống nhất thì mới triển khai thực hiện được. Bộ Công an tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện các chính sách cho phù hợp với thực tế.
PV: Theo quy định của ngành CA, thì Công an phường, công an cấp đội nhiều người phải về hưu khi chưa đến 50 tuổi, trong khi tuổi này họ đang có đủ độ chín chắn về kinh nghiệm sống cũng như hiểu dân, hiểu công việc của mình mà những yếu tố đó là rất cần có ở cán bộ CA cơ sở. Ông có thấy rằng, tuổi hưu của cán bộ CA như vậy là quá sớm, gây lãng phí đáng tiếc cho lực lượng CA?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Vấn đề này Đảng uỷ Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ cũng đang xem xét và thấy vấn đề. Nhưng căn cứ vào tình hình các chế độ chính sách đặt ra căn cứ vào nhiều yếu tố, chứ không chỉ vì vấn đề tuổi. Đối với lực lượng công an cũng quy định vấn đề này rất rõ. Tuổi lớn thì kinh nghiệm tốt, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ, nhưng phải đáp ứng yêu cầu tiêu chí về bằng cấp, năng lực trình độ.
Chúng tôi cũng đã và sẽ cân nhắc, xem xét vấn đề này. Chủ trương của Bộ, những đồng chí tốt nghiệp PTTH trước đây 50 tuổi về hưu, nhưng nếu đồng chí nào còn sức khoẻ, có năng lực và điều kiện phục vụ thì có thể kéo dài đến 53 tuổi. Đây cũng là yêu cầu khách quan.
Trong tình hình biên chế hiện nay, Đảng uỷ Công an Trung ương cũng xem xét vấn đề này để có thể kéo dài thời gian phục vụ của anh em công an khi anh em còn sức khoẻ và tự nguyện phục vụ.
Về chủ trương kéo dài thời gian làm việc của cán bộ đã tốt nghiệp THPT đã được thực hiện từ năm ngoái. Sắp tới chúng tôi nghiên cứu chủ trương những cán bộ đại học không giữ chức vụ thì có thể được kéo dài hơn một vài năm nữa.
Đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công an tham dự cuộc giao lưu
PV: Hiện nay, cơ quan điều tra bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Nếu trong quá trình điều tra, phát hiện sai phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì Bộ Công an có công khai xét xử?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Vụ án Nguyễn Đức Kiên đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp nội dung cụ thể. Nhưng theo nguyên tắc, căn cứ vào mức độ vi phạm, tội đến đâu xử đến đó theo đúng pháp luật. Chúng tôi không chịu bất cứ một sức ép nào. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực điều tra, xử lý và khi nào tòa xử công khai thì toàn dân sẽ nắm được.
PV: Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới có đặt ra mục đích: “Trong thời gian tới, công tác phòng, chống tội phạm phải kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, nhất là các tội phạm nghiêm trọng, tội phạm mới”, vậy xin đồng chí Thứ trưởng Thường trực cho biết sau gần 2 năm triển khai Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, có những loại tội phạm nào đã được kiềm chế? Bài học kinh nghiệm gì cần được rút ra?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị là một chủ trương chiến lược, thể hiện quyết tâm của Đảng trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự. Sau gần hai năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò tham mưu nòng cốt của lực lượng Công an, sự tham gia, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, tình hình tội phạm đã được kiềm chế và từng bước kéo giảm; riêng năm đầu triển khai thực hiện đã kiềm chế làm giảm 4,2% số vụ phạm pháp hình sự; 06 tháng đầu năm 2012 giảm 2,57% so với cùng kỳ năm 2011. Một số loại tội phạm nghiêm trọng giảm như: Cướp giật giảm 11,7%; lừa đảo giảm 3,5%; hiếp dâm giảm 2,3%; trộm cắp tài sản giảm 13,5%...
* Về một số bài học kinh nghiệm rút ra sau 02 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị:
Một là, công tác phòng, chống tội phạm chỉ đạt hiệu quả cao khi phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò tham mưu, hướng dẫn và nòng cốt thực hiện của lực lượng công an và sự ủng hộ, tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể cùng các tầng lớp nhân dân.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, Đảng viên. Phát huy tinh thần làm chủ và vai trò to lớn của nhân dân trong phòng, chống tội phạm, nhất là trong phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.
Ba là, lực lượng Công an vừa phải làm tốt chức năng thường trực, tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, vừa là lực lượng nòng cốt, xung kích trong tấn công, trấn áp tội phạm, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.
Bốn là, quá trình triển khai thực hiện cần lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác; chỉ đạo sâu sát, kịp thời, chọn vấn đề đột phá, điểm đột phá là rất quan trọng, từ đó chỉ đạo giải quyết, tạo sự chuyển biến cơ bản. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc.
PV: Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm khủng bố hiện nay, đặc biệt từ đầu năm đến nay ở nước ta đã có một số đối tượng xấu đặt mìn ở nhà lãnh đạo trong ngành Công an, lãnh đạo Bộ Công an đưa ra nhận định nào và đưa ra phương án nào tăng cường công tác chống khủng bố, ngăn ngừa tội phạm này?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Trong tình hình hiện nay, tình hình khủng bố quốc tế diễn ra phức tạp ở hầu hết các châu lục. Theo số liệu chúng tôi nắm được, từ năm 2011 đã có trên 5000 vụ khủng bố làm 86 nghìn người bị thương. Để đối phó với tình hình này, hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ban hành luật và triển khai hoạt động chống khủng bố, hợp tác chống khủng bố. Các nước xung quanh ta có Thái Lan, Inđônêxia cũng đã xảy ra khủng bố. Ở nước ta chưa có các vụ này nhưng có vụ việc mang tính quốc tế.
Thứ nhất, một số đối tượng từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam mang vũ khí, mang mìn với mục đích phá hoại. Bộ Công an đã theo dõi và bắt giữ xử lý 4 vụ, 48 đối tượng này.
Thứ hai, việc tung các tin nhắn các đối tượng khủng bố như các chuyến bay đã phải hoãn vì có đe dọa ném bom.
Thứ ba, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ khí tự tạo, trong 10 năm nay chúng tôi đã phát hiện gần 200 vụ trả thù cá nhân. Một số vụ đang trong quá trình điều tra chưa có kết luận cụ thể.
Về vụ đặt mìn tại nhà Giám đốc công an Khánh Hòa rõ ràng là vụ trả thù cá nhân. Do đối tượng là một giám đốc doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn vì tư thù đã gây ra hành động đó. Một số vụ khác chúng tôi cũng đang điều tra làm rõ.
Nói như vậy để thấy ở nước ta chưa có vụ nào xảy ra mang tính quốc tế nhưng nguy cơ về khủng bố vẫn phải đặt ra để chủ động phòng ngừa đối phó.
Cho đến nay Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam có 3 điều: Điều 84, Điều 230A, điều 230B về phòng chống tội khủng bố. Tính đến thời điểm này chúng ta cũng đã ký 6 điều ước quốc tế liên quan đến điều luật khủng bố. Nếu ai vi phạm những điều ước trên gọi là tội phạm khủng bố. Vì thế, lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an cũng rất quan tâm đến công tác chống khủng bố.
Bộ Công an cùng các cấp ngành địa phương cũng đang tổ chức diễn tập các phương án diễn tập khủng bố. Nguy cơ khủng bố đối với Việt Nam không thể ngoại trừ nên chúng ta phải có những chủ động phòng chống hiệu quả.
Toàn cảnh buổi giao lưu
PV: Hiện nay đang trong mùa bão lũ, công tác cứu hộ, cứu nạn của ngành Công an được triển khai như thế nào nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Chúng tôi có Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và đối phó với nước biển dâng do đồng chí Thứ trưởng Thường trực làm Trưởng ban lãnh đạo các bộ phận triển khai. Khi có dự báo về bão lụt, cứu hộ cứu nạn, chúng tôi kịp thời thông báo và huy động lực lượng cùng địa phương giải quyết. Trong các trận bão vừa qua, lực lượng công an cùng lực lượng khác huy động tối đa lực lượng và phương tiện tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả bão lụt, được nhân dân và chính quyền địa phương ghi nhận.
Các vụ bão lụt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng tôi đều chỉ đạo cảnh sát cơ động giúp dân khắc phục hậu quả, có nơi một đại đội, 2 đại đội. Hàng năm dành một phần kinh phí giúp địa phương hành phòng chống lụt bão, sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ.
Công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão trong ngành Công an được chuẩn bị kỹ, sẵn sàng chi viện sức người, phương tiện giúp địa phương phòng chống lụt bão.
PV: Thưa đồng chí Thượng tướng, trong một số văn bản có ghi thuật ngữ tội phạm xã hội đen, xin đồng chí cho biết, “xã hội đen” là như thế nào? Ở Việt Nam đã có hay chưa? Gần đây đã xuất hiện hiện tượng dùng vũ khí nóng, đó có phải là “xã hội đen không?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: “Xã hội đen” ám chỉ hoạt động của tội phạm có tổ chức nhưng manh động, ngang ngược, nguy hiểm. Thực tế luật lệ không ai gọi như vậy, đây là thuật ngữ chủ yếu dùng trong cách gọi của xã hội, trong quá trình công tác của ngành Công an chúng tôi đặc biệt tập trung vào loại tội phạm này, đã và đang rà soát lại các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, manh động.
Trong thực tế, có nhiều vụ án như thế này như: Năm Cam, Khánh Trắng, Phúc Bồ…Hiện chúng tôi đang yêu cầu các địa phương rà soát lại loại hình tội phạm này để tập trung triệt phá.
PV:Thưa Thượng tướng, ông có nói là vi phạm trong lực lượng CAND hàng năm là 1%, con số cụ thể đó là bao nhiêu?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Tỷ lệ 1% vi phạm trong lực lượng là mục tiêu tối đa của chúng tôi, tuy nhiêu, nếu tỷ lệ đó càng thấp thì càng tốt. Đơn cử như năm 2011 vừa qua, tỷ lệ đó chỉ chiếm 0.3%, còn con số cụ thể hàng năm có thay đổi, có năm 0,2%, có năm 0,3%, cao nhất có năm 0,5%. Mục tiêu phấn đấu của chúng tôi là tỷ lệ vi phạm kỷ luật hàng năm dưới 1% trên tổng số cán bộ công chức toàn ngành.
Trong thực tế, lực lượng nào cũng vậy, có tốt, có xấu, có người vi phạm, nhưng chỉ 1 người vi phạm sẽ làm ảnh hưởng đến toàn ngành. Quan điểm của chúng tôi là đã vi phạm thì phải xử lý và xử lý thật nghiêm. Đơn cử như vừa qua ở Thanh Hóa, cán bộ cảnh CSGT nhận hối lộ 5 triệu đồng cũng đã bị khởi tố, đồng thời đồng chí lãnh đạo bị kỷ luật, đồng chí Trưởng phòng cũng đã bị điều chuyển công tác.
PV: Hiện nay nhiều ô tô công vi phạm Luật giao thông, trong đó có nhiều xe biển 80B, quan điểm xử lý của Bộ Công an như thế nào?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Quan điểm của Bộ Công an là ai vi phạm, xe nào vi phạm đều xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ xe mang biển 80B, 80A, 31B hay là các loại xe công.
Đối với trường hợp ưu tiên thì rõ ràng đã có xe dẫn đường và lực lượng công an bảo vệ, còn tất cả các xe lưu thông đều phải chấp hành theo đúng pháp luật, ai vi phạm đến đâu, xử lý đến đó.
PV: Có bao giờ đồng chí Thứ trưởng Thường trực đi “vi hành” hay không? Và nếu gặp CSGT vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Tôi thường xuyên đi công tác. Trên đường, tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo Bộ khác cũng thế, thường xuyên để ý, theo dõi CSGT, nếu có vụ việc gì phức tạp, chúng tôi sẽ dừng lại, cùng công an các tỉnh xử lý, giải quyết.
Ví dụ, một lần về Nam Định, trên đường đi, một CSGT không biết xe tôi, tuýt còi dừng xe kiểm tra. Tôi dừng lại, hỏi: “ Xe có vi phạm gì mà dừng lại kiểm tra?”.
Đồng chí CSGT đó trả lời: “Chúng tôi làm nhiệm vụ thường xuyên, nếu thấy cần thiết thì dừng xe lại kiểm tra”.
Tôi cho đó là việc làm đúng, và khẳng định: “Đây là việc làm đúng, các đồng chí cần phát huy tinh thần trách nhiệm, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông”.
Không riêng tôi, các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục, Vụ, nếu đang đi trên đường, phát hiện có tiêu cực, vi phạm trong trật tự ATGT, sẽ dừng lại xử lý.
PV: Nhân đồng chí Thứ trưởng Thường trực có nói đến vi phạm về trật tự ATGT đây là đề tài được nhiều bạn đọc quan tâm, gửi về nhiều câu hỏi, trong đó có câu hỏi của một độc giả: Nhà cháu cách thủ đô Hà Nội 100 km, hè vừa qua cháu được lên Hà Nội, đi qua Tp.Phủ Lý, thấy có nhiều ô tô tải, ô tô khách được các đồng chí CSGT vẫy vào, sau đó, lái xe hoặc lơ xe chạy vào gặp, rồi lại đi ngay, vậy như thế là thế nào hả bác? Liệu ngành Công an có nên công khai thủ tục kiểm tra xe ở ngay nơi công cộng hay nơi dừng đỗ xe nơi có cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ được không ạ?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Từ lâu những vi phạm trong ngành CSGT được quan tâm không những trong tầng lớp nhân dân mà cả trong cán bộ, đảng viên. Nhân đây, tôi cũng xin báo cáo cụ thể:
CSGT hoạt động trong điều kiện rất vất vả, phần lớn anh em hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ năm 2010 đến tháng 6/2012: đã có gần 100.000 lượt CSGT không nhận hối lộ với số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Có nhiều đồng chí dũng cảm truy bắt tội phạm, nhiều đồng chí hy sinh, đổ máu vì trật tự ATGT. Chúng ta phải thấy, phải ghi nhận điều đó .
Bộ Công An cũng triển khai nhiều biện pháp kiên quyết, quyết liệt có nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động công tác cán bộ của ngành CSGT, nếu phát hiện có sai phạm lập tức điều chuyển công tác.
Chúng tôi cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra đặc biệt, để phát hiện và phòng ngừa tiêu cực, thậm chí có xây dựng quy trình cụ thể, không phải có hiện tượng như cháu vừa nêu. Cũng phải thừa nhận, có những vi phạm về quy trình. Chúng tôi vẫn làm và làm cương quyết để xử lý các vi phạm bằng nhiều hình thức: hành chính kỷ luật, thậm chí điều chuyển công tác và xử lý theo quy định của pháp luật.
Phải khẳng định, bên cạnh những thành tích, những chiến công vẫn có tiêu cực, nhưng đến mức nguy hiểm, báo động thì không có, rất mong bạn đọc và nhân dân đánh giá công minh giữa công và tội để có cái nhìn khách quan hơn. Sắp tới, ngành sẽ triển khai một số biện pháp chấn chỉnh:
Một là, thành lập đội thanh tra, đi kiểm tra các chốt, tuyến, làm sao để phòng ngừa các tiêu cực, các vi phạm. Bố trí cán bộ tuần tra đã qua tập huấn và cấp giấy chứng nhận tuần tra CSGT, nghĩa là cán bộ phải đảm bảo có năng lực, trình độ học vấn và phẩm chất đạo đức mới được tham gia tuần tra, kiểm tra. Làm như thế để củng cố và nâng cao chất lượng.
Hai là, tiến hành kiện toàn lực lượng cảnh sát giao thông. Bộ vừa thành lập trường Trung cấp cảnh sát giao thông. Trước đây, trong hệ thống đào tạo của ngành chỉ có một khoa đào tạo hơn 100 học viên/ năm. Năm nay là khóa đầu tiên cố gắng tuyển sinh để có một lực lượng cảnh sát giao thông được đào tạo bài bản, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Ba là, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ CSGT từ cấp đội đến cấp phòng.
Bốn là, tổ chức giáo dục bồi dưỡng chính trị, tư tưởng.
Chúng tôi khuyến khích bạn đọc và nhân dân phát hiện, phản ánh kịp thời những vi phạm của CSGT để ngành kịp thời xử lý
PV: Thời gian vừa qua, các vụ án ma túy lớn được phát hiện nhiều, trong đó những đối tượng sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt gây khó khăn cho lực lượng CAND, thậm chí có chiến sĩ đã bị thương và hi sinh. Xin Thứ trưởng cho biết, ngành đã triển khai những biện pháp nào để phòng chống tội phạm ma túy hiệu quả và bảo vệ các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Xin đồng chí cho biết, một số vụ án ma túy lớn gần đây?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Đúng là tình hình tội phạm ma túy rất nguy hiểm, luôn luôn là nỗi bức xúc, lo lắng của toàn thể nhân dân. Hiện nay, những vụ án ma túy không giảm, con số phát hiện hàng năm đều tăng, chứng tỏ tình hình phức tạp.
Đặc biệt những năm gần đây, loại tội phạm này đang diễn biến phức tạp do tội phạm từ bên ngoài vào, đã có hiện tượng tự chế ma túy từ trong nội địa. Ma túy vận chuyển theo tuyến từ Sơn La, Mộc Châu rất nhiều. Qua nghiên cứu cho thấy, đây là tuyến đường đến Tam Giác Vàng ngắn nhất.
Đặc biệt có hiện tượng, nhân dân hai bên biên giới có quan hệ thân thuộc, có hiện tượng lấy hàng trước trả tiền sau, bên lấy hàng nếu không bán được thì hồi lại, mỗi bên chịu 50-50, cộng với lãi cao nên đã kích thích nhiều người tham gia buôn bán. Tháng 6/2012, chúng ta đã bắt vụ buôn bán 80 bánh heroin, 800 viên ma túy và 5 khẩu súng. Đáng chú ý đã có nhiều vụ chống trả quyết liệt như vụ Hang Kia, Hòa Bình, có chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình trấn áp tội phạm.
Để ngăn ngừa và phòng chống tội phạm ma túy hiệu quả:
Thứ nhất, chúng ta đã triển khai chương trình quốc gia phòng chống ma túy ở các cấp, các ngành, trong đó quan trọng là phát động phong trào quần chúng. Thực tế, chúng ta đã triển khai rất quyết liệt nhưng tình hình không giảm, hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện vẫn cao. Các vụ vi phạm về ma túy ngày càng lớn, do đó nhất thiết phải dựa vào quần chúng nhân dân. Chỉ có quần chúng ở cơ sở mới phát hiện và phòng chống hiệu quả, minh chứng là các vụ ma túy được phát hiện, ngăn ngừa thời gian qua qua đều từ nguồn tin của nhân dân.
Thứ hai, tổ chức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như biên phòng, hải quan để kiểm soát chặt chẽ nguồn ma túy từ biên giới vào trong nước, ngăn chặn không cho vào nước ta.
Thứ ba, rà soát lại các vụ án ma túy để tập trung điều tra, sớm đưa ra xét xử, xử lý nghiêm loại tội phạm này để tăng cường biện pháp phòng chống ma túy.
PV: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) có nhận định: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng”, vậy công tác xây dựng Đảng của ngành Công an có những hạn chế như trên hay không? Công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của Đảng ủy Công an Trung ương được thực hiện như thế nào?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Thưa các bạn, chúng tôi luôn luôn coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành Công an. Hệ thống tổ chức Đảng của CAND như sau: các đảng bộ cơ quan trực thuộc Đảng uỷ Công an Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc cấp uỷ các tỉnh, thành phố, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng các tỉnh, thành phố.
Đối với Đảng uỷ Công an Trung ương, chúng tôi luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Công an. Hiện nay, chúng tôi triển khai công tác xây dựng Đảng theo quyết định của Bộ Chính trị về tổ chức Đảng trong lực lượng CAND.
Trong công tác xây dựng Đảng, chúng tôi coi trọng công tác kiểm tra, đặc biệt khi có dấu hiệu vi phạm. Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan kiểm tra của Đảng uỷ Công an Trung ương hoạt động rất tích cực, đã xử lý nhiều vụ việc, góp phần vào sự trong sạch vững mạnh của lực lượng CAND.
Ví dụ, từ năm 2010 đến nay, đã tiến hành kiểm tra 113 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, qua kiểm tra đã phát hiện 45 trường hợp vi phạm, trong đó có 22 trường hợp phải thi hành kỷ luật.
Có thể nói, bất kỳ trường hợp nào, ở cương vị công tác nào, nếu có dấu hiệu vi phạm chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, nếu có vi phạm sẽ xử lý kỷ luật. Quan điểm là kiểm tra khi có vấn đề, có vi phạm phải xử lý nghiêm.
Hiện tượng vi phạm, suy thoái về tư tưởng trong ngành Công an, tôi khẳng định là không có, nhưng vi phạm về phẩm chất, đạo đức, tư cách là có. Quan điểm của chúng tôi là, cố gắng phát hiện, đã phát hiện là phải xử lý nghiêm, bất cứ ở cương vị nào, nhằm xây dựng lực lượng công an ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Câu hỏi của bạn có đề cập đến việc các văn bản của Bộ Công an có nhiều văn bản có dấu MẬT quá. Tôi khẳng định, những tài liệu đóng dấu MẬT và TUYỆT MẬT đều theo quy định của pháp luật. Vấn đề quan trọng là cơ chế làm thế nào để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và trách nhiệm người phát ngôn của Bộ Công an cho cơ quan báo chí.
Hiện nay, Bộ Công an đã có trang thông tin điện tử, có đưa các bài về hoạt động của ngành và các vụ án... vì vậy bạn đọc có nhu cầu thông tin sâu xin mời đến Trung tâm Thông tin của Bộ Công an, chúng tôi có thể cung cấp thông tin đầy đủ theo quy định.
PV: Một bạn đọc ở Hà Nội hỏi, hiện nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng rất cao, nhưng do việc giữ bí mật trong quá trình điều tra của cơ quan Công an nên có nhiều văn bản đóng dấu MẬT. Cơ chế người phát ngôn trong toàn lực lượng công an dường như chưa phát huy hiệu quả? Xin ông cho biết về vấn đề này?
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Câu hỏi của bạn có đề cập đến việc các văn bản của Bộ Công an có nhiều văn bản có dấu MẬT quá. Tôi khẳng định, những tài liệu đóng dấu MẬT và TUYỆT MẬT đều theo quy định của pháp luật. Vấn đề quan trọng là cơ chế làm thế nào để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và trách nhiệm người phát ngôn của Bộ Công an cho cơ quan báo chí.
Hiện nay, Bộ Công an đã có trang thông tin điện tử, có đưa các bài về hoạt động của ngành và các vụ án... vì vậy bạn đọc có nhu cầu thông tin sâu xin mời đến Trung tâm Thông tin của Bộ Công an, chúng tôi có thể cung cấp thông tin đầy đủ theo quy định.
Phương Linh