Ngành sân bay có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2022
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, thị trường nội địa có thể vẫn là nguồn thu chính của ngành sân bay, ít nhất cho đến hết tháng 6/2021.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, thị trường nội địa có thể vẫn là nguồn thu chính của ngành sân bay, ít nhất cho đến hết tháng 6/2021 |
Đó là nhận định được nhóm phân tích CTCK SSI đưa ra tại báo cáo mới nhất về triển vọng ngành sân bay năm 2021.
Ngành hàng không thụt lùi 5 năm
Theo SSI Research, sản lượng ngành sân bay ước tính sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2022, khi hoạt động du lịch dần bình thường trở lại. Hiện nay, tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới khiến tốc độ phục hồi thị trường quốc tế là chưa thể dự báo. Trong khi Chính phủ Việt Nam vẫn giữ nguyên chính sách thắt chặt biên giới và yêu cầu cách ly nghiêm ngặt đến hết tháng 6 năm 2021.
Tuy nhiên, hiệu quả của vắc xin sẽ là yếu tố quyết định cho việc nới lỏng chính sách bảo hộ và nối lại hoạt động du lịch quốc tế. SSI ước tính sản lượng khách quốc tế sẽ đạt 12 triệu lượt khách vào năm 2021, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với 34% mức trước COVID.
Như vậy, thị trường nội địa vẫn là nguồn thu chính của ngành, ít nhất cho đến hết tháng 6 năm nay do nhu cầu công tác hay du lịch của người dân đều phục hồi mạnh mẽ. Phân khúc này ước đạt sẽ phục hồi về mức trước COVID là 73 triệu lượt khách vào năm 2021, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, vận chuyển hàng hóa có thể tăng chậm, nhưng có khả năng khôi phục từ nửa cuối năm, khi các chuyến bay quốc tế phục hồi và các hãng hàng không chuyển một phần đội bay sang vận chuyển hàng hóa để tận dụng giá vận chuyển hàng không cao vào thời điểm hiện tại.
Mặt khác, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã chấp thuận đưa B737 Max vào hoạt động thương mại từ năm 2021 sau một năm tạm ngừng. Quyết định này giúp tăng công suất của nhiều hãng hàng không trong vài năm tới vì B737 Max chiếm 80% đơn hàng của Boeing hiện tại. Sau khi ngừng hoạt động trên toàn cầu từ tháng 3/2019 do hai vụ tai nạn liên quan đến hệ thống MCAS bị lỗi, ngành hàng không toàn cầu phải đối mặt với tình trạng giảm công suất. Trong 11 tháng đầu năm 2020, Boeing chỉ bàn giao 118 chiếc máy bay mới, bằng khoảng 30% so với số lượng bàn giao năm trước.
Trước đó, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, lượng hành khách qua sân bay năm 2020 giảm 43% so với cùng kỳ còn 66 triệu lượt khách. Như vậy, đại dịch COVID-19 đã kéo sản lượng hành khách trở lại mức năm 2015 và ngăn chặn đà tăng trưởng của ngành.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, lượng hành khách qua sân bay năm 2020 giảm 43% so với cùng kỳ còn 66 triệu lượt khách (Nguồn: SSI) |
ACV có triển vọng bật lại, nhưng vẫn thấp so với lúc bình thường
Các yếu tố bất lợi của năm 2020 đã đưa doanh thu và lợi nhuận toàn ngành giảm mạnh, do giá bán trung bình và tỷ suất lợi nhuận của các dịch vụ cho khách quốc tế cao hơn nhiều so với khách nội địa. Ngay cả Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UpCOM:ACV) - công ty lớn nhất trong ngành cũng có doanh thu và lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 55% và 77% so với cùng kỳ.
Mới đây, ACV đã được Chính phủ cho phép là nhà đầu tư, khai thác nhà ga và khu bay của Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Giai đoạn 1, với tổng công suất 25 triệu lượt khách/ năm. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề công suất tại sân bay Tân Sơn Nhất, nơi khó có thể mở rộng do vị trí nằm trong trung tâm TP.HCM. Sân bay Long Thành được khởi công vào tháng 1/2021, ước tính hoàn thành vào cuối năm 2025 và có thể bắt đầu hoạt động từ năm 2026.
“Triển vọng tăng trưởng sẽ bật tăng từ mức thấp vào năm 2020, cho thấy bức tranh phục hồi. Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của ACV sẽ tăng 250% so với cùng kỳ trong năm 2021 lên 4,7 nghìn tỷ đồng, vẫn thấp hơn 42% so với năm 2019”, SSI nhận định.
Trên thị trường chứng khoán, ACV vẫn đang là cổ phiếu được ưa thích với nhiều triển vọng phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên sẽ không loại trừ rủi ro về một làn sóng bùng phát COVID-19 mới vào năm 2021 có thể cản trở du lịch trong nước phục hồi. Đồng thời, sân bay Long Thành có vốn đầu tư lớn, lên đến 99 nghìn tỷ đồng có thể làm tăng đòn bẩy và tạo áp lực lên lợi nhuận của ACV trong vài năm tới.
Theo enternews.vn