Các ngành sản xuất trong nước cần chủ động tiếp cận Công nghiệp 4.0
Khả năng nâng cấp công nghệ của các ngành sản xuất trong nước là chủ đề trọng tâm của một hội thảo quốc tế diễn ra gần đây.
Hội thảo trực tuyến “Hướng tới Sản xuất 4.0” kết nối công ty kỹ thuật và sản xuất máy móc công nghệ cao của Áo với các nhà sản xuất Việt Nam đang có nhu cầu tăng cao năng lực cạnh tranh và cắt giảm chi phí. |
Hội thảo trực tuyến Hướng tới Sản xuất 4.0 do Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số (CODE) thuộc Đại học RMIT và ADVANTAGE AUSTRIA (Thương vụ Đại sứ quán Áo) tổ chức đã kết nối các cơ quan chính phủ, các trường đại học và doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với đối tác quốc tế bao gồm các doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ công nghiệp đến từ Áo - một trong những quốc gia tiên phong trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Phó giáo sư Jerry Watkins, người chịu trách nhiệm quản lý Trung tâm Xuất sắc kỹ thuật số tại Đại học RMIT, cho biết hội thảo diễn ra vào thời điểm hết sức thích hợp giúp các nhà sản xuất trong nước lên kế hoạch đầu tư công nghệ trong thời gian tới khi thị trường toàn cầu tiếp tục quá trình phục hồi.
Ông nói: “Một trong những cơ hội lớn nhất mà Việt Nam nên nắm bắt là nâng cao năng lực của ngành sản xuất bằng cách sử dụng các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật”.
“Chúng ta chứng kiến VinFast đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực robot và tự động hóa - tín hiệu rõ ràng về cơ hội hiển hiện cho những nhà sản xuất trong nước sẵn lòng đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo”. - Phó giáo sư Jerry Watkins cho biết thêm.
Sản xuất 4.0 là xu hướng của tương lai. |
Theo Tham tán thương mại Áo ông Dietmar Schwank, một trong những mục tiêu của hội thảo Hướng tới Sản xuất 4.0 là kết nối các công ty kỹ thuật và sản xuất máy móc công nghệ cao của Áo với các nhà sản xuất Việt Nam đang có nhu cầu tăng cao năng lực cạnh tranh và cắt giảm chi phí.
Chuyên gia về sản xuất thông minh, công nghệ robot và học máy đến từ các doanh nghiệp hàng đầu của Áo như Bruker Alicona, Greiner Extrusion, RÜBIG Plant Engineering và WFL Millturn Technologies đã giới thiệu những công nghệ tiên tiến và thảo luận về cách ứng dụng những công nghệ này vào các ngành sản xuất ở Việt Nam.
Một ví dụ trong số đó là Active Compliant Technology (Công nghệ tuân thủ chủ động) được cấp bằng sáng chế của FerRobotics. Đây là công nghệ tối ưu hóa độ nhạy và tính linh hoạt của các robot công nghiệp sử dụng trong sản xuất ô tô, gia công kim loại, đóng tàu, sản xuất đồ nội thất, v.v.
Ông Thomas Konrad, Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FerRobotics, cho biết: “Chúng tôi coi Việt Nam là thị trường tiềm năng hàng đầu một phần là vì triển vọng phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam và Áo nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU”.
“Nhưng hơn thế nữa, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sôi động tại nước này cùng vị thế là một trung tâm sản xuất của cả khu vực cho thấy Việt Nam đang chuyển đổi căn bản sang Sản xuất 4.0, điều mà chúng tôi mong muốn được dự phần vào” - ông nói thêm.
Diễn giả khách mời Nguyễn Ánh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương - nhận xét rằng mặc dù các doanh nghiệp sản xuất trong nước hết sức mong mỏi được đảm nhận nhiều vai trò mang lại giá trị gia tăng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều đơn vị vẫn chưa sẵn sàng do thiếu năng lực quản lý chuyển đổi, năng lực kỹ thuật số hay năng lực công nghệ.
“Quan trọng là doanh nghiệp cần xác định xem hiện tại họ đang thiếu năng lực gì, và tìm nhân lực cũng như công cụ phù hợp để lấp đầy những khoảng trống đó. Doanh nghiệp thường không thể làm việc này một mình và đó là lý do tại sao mạng lưới đối tác quốc tế, tư vấn và chia sẻ kiến thức rất quan trọng”, ông Dương nhận định.
Theo enternews.vn