Giá vàng hôm nay 24/1: Thời cơ bắt đáy giá vàng
(PetroTimes) - Giá vàng hôm nay ghi nhận 2 nhân tố có thể “kích nổ” giá kim loại quý trong thời gian tới là việc Mỹ tăng mạnh nguồn cung tiền ra thị trường cộng với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp tại nhiều quốc gia.
Trong tuần giao dịch từ 18 – 23/1, thị trường ghi nhận sự biến động mạnh của kim loại quý trước những biến động của đồng USD và diễn biến xung quanh lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Joe Biden. Có thời điểm, giá vàng đã tăng vọt, hướng mốc 1.900 USD/Ounce nhưng ngay sau đó lại trượt sâu về đáy 2 tháng.
Ảnh minh hoạ |
Khởi đầu tuần giao dịch, giá vàng thế giới tiếp tục xu hướng giảm nhẹ sau khi lao dốc mạnh trong tuần giao dịch trước đó trong bối cảnh giới đầu tư tiếp tục đặt kỳ vọng vào triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Việc các nước tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm vắc-xin Covid-19 trên diện rộng cũng làm tăng kỳ vọng ngăn chặn dịch bệnh càng củng cố thêm triển vọng phục hồi kinh tế.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 18/1, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.826,62 USD/Ounce, trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 3/2021 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.830,6 USD/Ounce.
Nhưng trong những phiên giao dịch sau đó, giá vàng liên tục tăng mạnh trước diễn biến của dịch Covid-19, tâm lý bắt đáy của nhà đầu tư và đặc biệt là thông tin về gói hỗ trợ mới trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ.
Giá vàng ngày 19/1 ghi nhận giá vàng thế giới tăng mạnh bởi tâm lý bắt đáy khi giá kim loại quý xuống thấp cộng với lo ngại về diễn biến của dịch Covid-19 sẽ tạo tác động mạnh đến các hoạt động kinh tế.
Xu hướng nắm giữ tài sản an toàn, trong đó có vàng, càng được thúc đẩy khi thị trường chứng khoán tại nhiều quốc gia đi xuống trước lo ngại diễn biến của dịch Covid-19 đang buộc nhiều nước phải tái thiết lập, duy trì các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội.
Giá vàng thế giới cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng mạnh ở một số quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, khi các nước này bước vào dịp Tết Nguyên đán 2020.
Đồng USD treo ở mức thấp cũng là nhân tố hỗ trợ giá vàng tuần qua.
Bà Janet Yellen, người được đề cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, được cho là đã đề cập với Thượng viện Mỹ việc chính phủ phải có “hành đồng lớn” với gói cứu trợ Covid-19 lớn để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế thì việc nước Mỹ có thêm các gói hỗ trợ mởi lại là “con dao hai lưỡi” khi nó có thể đẩy lạm phát và nợ chính phủ tăng cao. Chính lo ngại này đã đẩy đồng USD có nguy cơ suy yếu kéo dài, và điều này đã tạo đà cho giá vàng ngày 21/1 tăng mạnh.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia bất chấp các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Thậm chí, trong diễn biến mới nhất, biến thể virus SARS-CoV-2 được ghi nhận đã lây lan ra 50 nước và biến thể xuất hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện ở 23 nước.
Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp tục triển khai các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội trước diễn biến của dịch Covid-19, điều này làm gia tăng các lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 21/1, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.871,67 USD/Ounce, trong khi giá vàng thế giới giao tháng 3/2021 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.871,9 USD/Ounce.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, trong bối cảnh triển vọng phục hồi kinh tế được củng cố bởi một loạt dữ liệu tích cực từ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới giới, giá vàng đã quay đầu giảm mạnh.
Tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2020 của Trung Quốc đạt mức 6,5%, cao hơn nhiều mức tăng 4,9% trong quý trước đó.
Kinh tế Mỹ ghi nhận số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước là 900 ngàn, thấp hơn con số dự báo 910 ngàn được đưa ra trước đó.
Chốt tuần giao dịch, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.854,02 USD/Ounce, trong khi giá vàng thế giới giao tháng 4/2021 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.859,2 USD/Ounce.
Tại thị trường trong nước, theo diễn biến của giá vàng thế giới, giá vàng SJC trong nước tuần qua cũng biến động mạnh và khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh.
Cụ thể, khép tuần giao dịch, giá vàng 9999 niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 55,85 – 56,40 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Trong khi đó, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 55,80 – 56,30 triệu đồng/lượng.
Còn tại Phú Quý SJC, giá vàng 9999 được niêm yết tại Hà Nội ở mức 55,90 – 56,30 triệu đồng/lượng.
Mặc dù khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh nhưng theo giới phân tích, thị trường vàng tuần qua vẫn ghi nhận những tín hiệu lạc quan. Tính chung trong tuần giao dịch, giá vàng vẫn tăng mạnh bởi lo ngại dịch Covid-19 và tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước những rủi ro xung quanh gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ.
Ngoài ra, ngay trong ngày nhậm chức Tổng thống Mỹ, gần 20 sắc lệnh liên quan đến phát triển kinh tế, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, tham gia trở lại các hiệp ước thoả thuận hạt nhân, chính sách người nhập cư… đã được ông Joe Biden ký ban hành, trong đó có nhiều chính sách đi ngược lại với thời ông Donald Trump. Giới đầu tư lo ngại điều này có thể kéo theo những bất ổn không nhỏ trong lòng nước Mỹ, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi kinh tế của quốc gia này.
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp buộc nhiều quốc gia phải tăng cường các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội cũng là nhân tố tiềm ẩn rủi ro đối với các hoạt động kinh tế, đồng thời cũng có thể thúc đẩy giá vàng tăng mạnh.
Việc một lượng lớn tiền mặt được bơm vào nền kinh tế sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng ở chiều hướng ngược lại nó cũng có thể đẩy lạm phát tăng cao, nợ chính phủ gia tăng và đây chính là môi trường lý tưởng cho kim loại quý tăng giá.
Minh Ngọc