Làm sao để dân buôn online hạn chế được "bom hàng"?
Đặt hàng hóa trên mạng nhưng không nhận, đưa ra các địa chỉ "ảo", người mua "ảo"… Việc "bom hàng" đã xảy ra như cơm bữa khiến dân buôn online "điêu đứng" nhiều phen.
Giới kinh doanh online sợ nhất là tình trạng khách mua hàng nhưng không nhận (hay còn gọi là "bom hàng"). Ảnh: Đ.V |
Trong buổi giới thiệu về Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) cho biết, hiện nay, các sàn TMĐT đang có khoảng 200.000 đơn hàng/ngày. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn chưa "mặn mà" tham gia vào các sàn TMĐT bởi nhiều lý do.
Nguyên nhân một phần là do áp lực cạnh tranh của các gian hàng trên sàn TMĐT hiện nay rất lớn. Các gian hàng phải trả tiền cho sàn để được sàn hỗ trợ, phát triển kinh doanh. Điều này đã khiến một bộ phận doanh nghiệp đứng ngoài "cuộc chơi".
Theo ông Dũng, khi tham gia vào Sàn Thương mại điện tử HVNCLC thì tất cả các doanh nghiệp đều có quyền lợi cụ thể. Điển hình như việc các doanh nghiệp được "xác thực" là hàng Việt Nam chất lượng cao và cùng tham gia vào các hoạt động quảng bá của sàn để tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới. Người mua sẽ lựa chọn được những sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng rõ ràng.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Vecom chia sẻ thông tin. |
Theo ông Dũng, ông đi đến nhiều tỉnh thành ở Việt Nam và ông phát hiện tại nhiều địa phương có những sản phẩm không bao giờ xuất hiện trên sàn TMĐT. Lý do là người dân, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm rồi bán cho các "đầu nậu" ở TPHCM. Các đầu nậu này chỉ chọn những sản phẩm dễ bán, lời cao. Trong khi đó, một số sản phẩm thật sự chất lượng nhưng biên độ lợi nhuận thấp thì các đầu nậu không bán. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp HVNCLC phát huy thế mạnh của mình, đó chính là những sản phẩm chất lượng.
Hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ có "sân chơi" riêng. |
Về vấn đề "bom hàng" trên các sàn TMĐT, Phó Chủ tịch Vecom cho rằng, "bom hàng" nảy sinh từ việc thiếu ý thức của một bộ phận khách hàng. Những người này chỉ thích làm những việc tào lao, "ngông cuồng".
Việc "bom hàng" cũng bắt nguồn từ các đối thủ cạnh tranh của gian hàng trên sàn TMĐT, mạng xã hội.
Để hạn chế được việc "bom hàng" thì các gian hàng có thể xác thực bằng nhiều lớp như gọi điện, nhắn tin hoặc hai bên có thể chuyển khoản qua lại 1.000 đồng để làm tin. Khi dùng tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử để xác thực giao dịch sẽ hạn chế rất nhiều được việc "bom hàng".
"Gian hàng có thể yêu cầu khách hàng chuyển khoản 10.000 đồng, sau đó gian hàng chuyển khoản lại cho khách 10.000 đồng. Các bên đều có những tài khoản rõ ràng như vậy thì chuyện "bom hàng" sẽ được hạn chế. Từ đó, các gian hàng sẽ lọc ra được những khách hàng uy tín cho gian hàng của mình", ông Dũng nói.
Các Shipper cũng rất ngán ngẩm với việc "bom hàng". |
Theo ông Dũng, hiện nay, các sàn TMĐT đánh giá việc "bom hàng" chiếm 2% rủi ro và các gian hàng cũng cần thích ứng với rủi ro này. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần tập trung cho chất lượng sản phẩm, phải làm sao để sản phẩm đó luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn khi mua sắm.
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Kiều Anh - chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh quần áo online trên sàn TMĐT cho biết, chị đã nhiều lần "dở khóc, dở cười" vì bị "bom hàng".
"Khách đặt quần áo để giao về các tỉnh nhưng địa chỉ thì không đúng, gọi điện thoại thì không nghe máy… Cuối cùng, cửa hàng chúng tôi phải thu hồi hàng hóa về và mất thêm chi phí vận chuyển. "Bom hàng" gây ức chế cho người bán rất nhiều vì nó khiến chúng tôi mất nhiều thời gian vô ích", chị Kiều Anh nói.
Theo Dân trí