Lật tẩy chiêu trò mới của dân bán online, xử lý nhiều "sào huyệt" buôn lậu
Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử, tập trung nhóm hàng giá trị cao.
"Lật tẩy" nhiều "sào huyệt" về buôn lậu, hàng giả
Tại hội nghị tổng kết vừa diễn ra tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho biết, hiện một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Theo đó, các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận nhắn tin riêng.
Ngoài ra, có một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, phát trực tiếp (livestream) và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho biết, hiện một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử. |
"Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục quản lý thị trường đã lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách riêng chống gian lận trên môi trường internet. Qua nắm bắt thông tin và những biện pháp nghiệp vụ, năm 2020, QLTT đã xử lý một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn", ông Linh thông tin.
Điển hình trong các vụ này là việc xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu (TP Lào Cai). Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường còn kiểm tra, xử lý rất nhiều vụ việc bán khẩu trang, nước rửa tay lậu, kém chất lượng trên mạng xã hội; phát hiện tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế đã qua sử dụng thông qua mạng xã hội ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Hà Nội…
Kho hàng lậu bị triệt phá ở Lào Cai. |
Ông Linh cũng cho biết, thay vì dàn trải như những năm trước, Tổng cục xây dựng kế hoạch tấn công vào những tụ điểm cụ thể, rõ ràng. Theo đó, số vụ kiểm tra là 2.868, vi phạm 2.833 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 24 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu trên 26 tỷ đồng.
Một số địa điểm trong tầm ngắm xử lý vi phạm như 2 trung tâm thương mại bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Móng Cái (Quảng Ninh), Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), chợ Ninh Hiệp, quận Hoàn Kiếm, huyện Phú Xuyên, La Phù, Hoài Đức (Hà Nội)...
Tập trung "đánh" điểm nóng vi phạm trên thương mại điện tử
Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội - ông Chu Xuân Kiên cho biết, ngày nào Cục cũng nhận được thông tin khiếu kiện của người dân về mua hàng online bởi chất lượng hàng tại trang web và thực tế không giống nhau.
Ông Chu Xuân Kiên cũng nêu rõ, hiện lực lượng QLTT đang có nhiều vướng mắc khi xử lý các vi phạm về thương mại điện tử. Theo ông, lực lượng chức năng đang gặp khó trong việc bố trí lực lượng chuyên trách, chuyên môn để định vị kho hàng, chứng minh thủ đoạn vi phạm là điều không dễ.
"Nhiều doanh nghiệp lợi dụng các chung cư, nhiều khu trung tâm thương mại bỏ trống để đặt kho hàng khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn", Cục trưởng Chu Xuân Kiên ví dụ và cho rằng, bên cạnh việc tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển thì cũng cần tăng cường các giải pháp để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật.
Tương tự, Cục trưởng Cục QLTT Lạng Sơn - ông Đặng Văn Ngọc cũng cho biết, việc vận chuyển hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu xuất xứ từ bên kia biên giới qua địa bàn tỉnh vào sâu trong nội địa tiêu thụ diễn ra rất nhiều do tỉnh có trên 231km đường biên giới với Trung Quốc, trên đó có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ và hàng trăm đường mòn lối tắt.
Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, các đối tượng tham gia hoạt động thương mại điện tử nở rộ với nhiều thành phần nhưng các đối tượng chỉ giao dịch nhỏ lẻ, thậm chí chỉ thực hiện rao bán, quảng cáo mà không có lượng hàng hóa thực tế tại địa điểm kinh doanh, giới thiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn chấp nhận tiêu thụ hàng lậu, hàng giả nhãn hiệu với giá rẻ, mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn. Do đó, công tác quản lý, xử lý các vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, Cục trưởng Đặng Văn Ngọc cho biết.
Theo Dân trí