Kiều hối 2021: Quan ngại hay lạc quan?
Kiều hối 2020 của Việt Nam tạm ước sụt giảm nhẹ so với 2019. Song 2021, tình hình có thể thay đổi mà yếu tố chi phối lại phụ thuộc đột phá tăng trưởng kinh tế...
Tháng 11/2020, Báo cáo Di cư và Kiều hối của Ngân hàng Thế giới công bố với dự báo lượng kiều hối năm 2020 của Việt Nam sẽ giảm hơn 7% còn 15,7 tỷ USD - chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Đây là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam giảm kể từ năm 2010. Trước đó, trong năm 2019, con số này đạt 17 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP.
Đồ thị kiều hối dự báo có sự đảo chiều khi ghi nhận sụt giảm nhẹ năm 2020 (nguồn SLTK: World Bank) |
Tuy nhiên, theo báo cáo này thì Việt Nam vẫn tiếp tục có tên trong danh sách các nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19.
Hiện việc thống kê kiều hối năm 2020 chưa có con số chính thức. Đặc biệt cần lưu ý rằng bên cạnh nguồn kiều hối chính thống, theo nhiều học giả, vẫn còn một lượng kiều hối gửi về qua các kênh phi chính thức do đó việc ước lượng để đi đến ghi nhận số kiều hối chính xác từ các kênh này vẫn cần thời gian.
Tại khu vực TP HCM, nơi luôn chiếm tỷ trọng lớn (ước khoảng 1/3) trong tổng lượng kiều hối đổ về Việt Nam mỗi năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, trong năm 2020 dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của kiều bào ở nước ngoài; nhưng lượng kiều hối chuyển về TP HCM vẫn ổn định.
Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết trong năm 2020, lượng kiều hối chuyển về TP HCM ước đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng so với mức 5,3 tỷ USD năm 2019. Trước đó, trong thời kỳ bình thường và đặc biệt ở những năm gần đây, TP HCM luôn có mức tăng trưởng kiều hối hàng năm bình quân từ 8-10%, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước trong suốt 5 năm qua. Vì vậy, mức tăng năm nay cũng đã được xem là giảm so với bình thường và phản ánh phần nào mức độ khó khăn của kiều bào di cư, người lao động Việt Nam - những chủ thể chính của nguồn kiều hối – trong việc tích góp để gửi về cho thân nhân trong nước.
Việt Nam hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 5 năm qua, Ngân hàng Thế giới ước tính tổng kiều hối họ gửi về Việt Nam đạt 71 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 đạt lần lượt là 16 và 16,7 tỷ USD. Như vậy Việt Nam là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 9 thế giới năm 2020, xếp thứ ba khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines.
Kiều hối không hề suy giảm ở từng khu vực hoặc suy giảm rất nhẹ trong 2020 theo dự báo, một mặt cho thấy nguồn lực và đóng góp tích cực của kiều bào ta từ nước ngoài đối với phát triển kinh tế và hỗ trợ người thân trong nước tiếp tục được duy trì. Mặt khác, cũng cho thấy đây là một phần cơ sở ngoại tệ lớn đã giúp Việt Nam có thêm nguồn thu ngoại tệ ổn định, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài cũng như sức ép tỷ giá của đồng đôla Mỹ, góp phần cân đối trong cán cân thanh toán thương mại năm qua.Bên cạnh đó, xuất siêu cao 19,1 tỷ USD cũng là phần bù đắp cho sự hao hụt của vốn đầu tư trực tiếp với việc sụt giảm ở cả tổng vốn đăng ký mới, cấp vốn, đăng ký điều chỉnh và giá trị vốn góp, mua cổ phần (giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019), lẫn vốn thực hiện giảm 2% so với năm trước, ước đạt 20 tỷ USD (nguồn: Tổng cục Thống kê). Qua đó, giúp Ngân hàng Nhà nước "rộng đường" trong củng cố hơn nữa dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.
Nhiều TCTD tích cực ứng dụng công nghệ và kết nối Fintech tạo kênh chuyển, gửi, chi trả kiều hối dễ dàng (ảnh: Eximbank kết nối cùng Hanpass nhận chuyển kiều hối từ Hàn Quốc bắt đầu từ tháng 3/2020) |
Năm 2021, Ngân hàng Thế giới dự báo kiều hối toàn cầu có thể sụt giảm tới 14%, gấp đôi mức sụt giảm đã dự báo đưa ra trước đó cho 2020. Trong một phác thảo khó khăn chung của toàn cầu, theo một chuyên gia, kiều hối dự kiến sụt giảm cũng cần được cơ quan quản lý điều hành tiền tệ quốc gia có kịch bản dự phòng với sự quan tâm nhất định để linh hoạt điều chỉnh chính sách phù hợp, vừa đảm bảo tiếp tục các ứng phó phù hợp với nội tại Việt Nam và luật lệ quốc tế, vừa không để thâm hụt tài khoản vãng lai.
Cũng theo chuyên gia, bên cạnh yếu tố COVID-19, sự phát triển công nghệ được các ngân hàng ứng dụng mạnh mẽ trong chi trả kiều hối và chuyển đổi ngoại tệ sang tiền đồng hiện đang có tính khuyến khích cả người chuyển kiều hối và người nhận kiều hối giao dịch qua các tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức kết nối Fintech an toàn. Tuy nhiên, lưu ý rằng sự chuyển đổi sang tiền đồng với lãi suất tiết kiệm thấp có thể khiến giảm sức hấp dẫn của hoạt động này.
Song bù lại, sự ổn định và tăng trưởng tích cực của kinh tế Việt Nam năm qua, đặt kỳ vọng cho tăng trưởng kinh tế cao 2021, mặt khác cũng là yếu tố thuận lợi có thể thu hút mạnh nguồn kiều hối đổ về Việt Nam tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Theo enternews.vn