Mẹ già 70 tuổi và câu chuyện nồi lẩu "gánh" 3 thế hệ
Hơn 40 năm qua, tại Sài Thành, quán lẩu bò nồi đất của bà Sáu vẫn đỏ lửa hàng đêm bất kể ngày mưa gió. Nổi lẩu của bà Sáu đã "gánh" các con, cháu qua những ngày khó nhọc và ăn học thành tài.
Tại con hẻm 616 Cách Mạng Tháng 8 (quận 3, TPHCM), có một quán lẩu bò đã tồn tại hơn 40 năm qua vẫn giữ được "bí kíp" hút khách đến quán nườm nượp mỗi ngày. |
Không cần biển hiệu quảng cáo lớn, quán lẩu của bà Sáu chỉ treo một tấm bảng với vài dòng chữ để khách có thể nhận biết. |
Bỏ quê đi Sài Gòn lập nghiệp
Tại con hẻm 616 Cách Mạng Tháng 8 (quận 3, TPHCM) có một quán lẩu bò khá đặc biệt. Dù đã tồn tại 40 năm qua nhưng quán vẫn luôn tấp nập khách mỗi đêm, khác hẳn những quán lẩu bò xung quanh. Bà chủ quán là cụ Trần Thị Duyên (70 tuổi), hay còn được mọi người gọi là bà Sáu.
Bà Sáu cho biết để gầy dựng được cơ ngơi như hôm nay là kết quả của cả quá trình vất vả. Nhiều lúc khó khăn tưởng phải đổi nghề, nhưng do cái duyên và "bí quyết" làm lẩu, bà mới có thể trụ lại được đến bây giờ.
Mỗi ngày, khoảng 17h30 bà Sáu sẽ dọn hàng ra bán đến 21h đêm. |
"Vợ chồng bà đều là người Huế, có một khoảng thời gian cả gia đình vào lập nghiệp ở vùng kinh tế mới ở Tây Ninh. Năm 1972 cả nhà vào Sài Gòn để lập nghiệp. Ban đầu, bà bán bún bò nhưng thu nhập không là bao, đồng thời cũng không cạnh tranh nổi với những hàng quán khác. Đến năm 1980, bà quyết định chuyển sang bán lẩu bò", bà Sáu kể lại.
Quán lẩu nhận được sự ủng hộ rất đông của thực khách. |
Điều đặc biệt tại quán của bà Sáu là món lẩu bò được nấu trong một nồi đất thay vì nồi nhôm như các hàng quán khác. Bà Sáu thích nhìn cảnh mọi người quây quần bên nhau bên bếp than ấm, cười nói rôm rả và trò chuyện cùng nhau.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bà Sáu cũng chủ động đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách. |
"Thời gian đầu mới mở quán, việc buôn bán của bà còn nhiều khó khăn do chưa có nhiều người biết. Hương vị của món lẩu khi đó cũng chưa có đậm đà như bây giờ. Cũng nhờ mấy người khách đến ăn rồi góp ý nên dần dần hình thành được món lẩu có hương vị như bây giờ. Nhờ vậy mà khách cũng đến đông hơn", bà Sáu tâm sự.
Món ăn ở quán chủ yếu là lẩu bò được nấu trong nồi đất, đối với lẩu nhỏ thì có giá 140.000 đồng còn lẩu lớn thì có giá 170.000 đồng. |
Bà Sáu còn cho biết thêm, hiện tại đối với khách đi tầm 1-3 người thì bà sẽ bán phần lẩu nhỏ có giá 140.000 đồng/nồi, số lượng khách 4 -5 người thì sẽ bán phần lớn có giá 170.000 đồng.
Mỗi ngày, vào khoảng 17h30, bà Sáu sẽ dọn hàng ra bán đến 21h, nhưng thường vào khoảng 19h30. Muộn nhất là 20h, quán đã hết sạch 45 kg thịt bò tương đương với 100 nồi lẩu.
Hiện tại, quán lẩu này là nguồn thu nhập chính của gia đình do bà cùng với hai người con phụ trách. |
"Vào 7h sáng cả gia đình đã phải dậy để bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu. Mỗi người một việc từ đi chợ mua rau thịt, sơ chế nguyên liệu, hầm nước dùng cũng hết cả ngày như vậy thì mới kịp để chiều bán", bà Sáu chia sẻ.
Dù quán khá đông khách nhưng theo bà Sáu thì tiền lời cũng chỉ giúp bà và con cháu đủ chi phí trang trải cuộc sống chứ không dư giả nhiều. Nguyên nhân là do món lẩu của bà được nấu trong nồi đất nên rất hay bị vỡ, phải mua mới. Cùng với đó là chi phí mua than cũng khá tốn kém nên tiền lời cũng không cao.
Bà Sáu chia sẻ thêm, khi thấy hình ảnh khách phải đứng chờ để được ăn lẩu thì bà xót ruôt quá nên đã thuê lại một mặt bằng gần để có thể giúp khách có chỗ ngồi. |
Bà Sáu đã 70 tuổi và món lẩu bò này đã gắn bó với bà được 40 năm. Món lẩu này đã giúp bà nuôi con của mình trưởng thành và hiện nay thì giúp bà có tiền lo cho cháu ăn học. |
Nồi lẩu gánh 3 thế hệ
Hiện tại, quán lẩu này là nguồn thu nhập chính của gia đình do bà Sáu cùng hai người con phụ trách. "Quán lẩu này đã giúp tôi nuôi sống qua ngày cả gia đình. Không chỉ vậy, nó còn giúp tôi có tiền để lo cho các cháu ăn học thành tài", bà tâm sự.
Bà Sáu cho biết, 2 vợ chồng bà có 2 người con. Bà có 2 người cháu ngoại, một người học đại học còn một người học lớp 7.
Hiện tại nhân viên phục vụ tại quán gồm có 4 người đó chính là thành viên trong gia đình của bà Sáu. |
Ngày trước, các con bà được nuôi lớn nhờ nồi lẩu bò. Mẹ bán, bố chạy bàn, các con dọn dẹp, rửa bát, đón tiếp khách. Tụi nhỏ trưởng thành bằng quán lẩu của gia đình, lớn lên, đi làm, vẫn dành thời gian về phụ bán. Qua nhiều năm, cả nhà lại cùng về làm với mẹ vì quán ngày càng đông khách.
Bà Sáu cho biết, có cặp vợ chồng ăn lẩu của bà từ lúc còn yêu, đến khi cưới, giờ đã có con vẫn còn gắn bó với quán. |
Bà vẫn nhớ những ngày mới bắt đầu, chân ướt chân ráo, không có vốn liếng, phải vay mượn chỗ này chỗ kia. Bán được bao nhiêu lại xoay vòng trả nợ. Con cái còn nhỏ nên chỉ có hai vợ chồng bươn chải với nhau", bà Sáu nhớ lại.
Dần dần, những khách hàng yêu thích món lẩu của bà giới thiệu thêm người quen, cứ thế quán ngày một đông. Bà kể có đôi vợ chồng ăn lẩu của bà từ lúc còn yêu, đến khi cưới, giờ đã có con vẫn còn gắn bó với quán.
Vì bà Sáu bị còng lưng nên hiện tại bà chủ yếu ở trong bếp để chuẩn bị các phần lẩu để các con mang ra cho khách chứ không tự tay mang ra như trước. |
"Ngày xưa còn ít khách nên khó khăn, giờ lượng khách ổn định, mỗi lúc một đông nên mình chỉ cần lo bán thôi. Kể cả trời mưa gió, bà cũng không lo ế hàng. Có những người ở xa như Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, tận Đồng Nai, Bình Dương cũng đi lên chỉ để ăn nồi lẩu rồi về", bà Sáu hào hứng kể.
Hiện tại, bà Sáu chỉ có một mong muốn duy nhất đó là bản thân có đủ sức khỏe để nấu lẩu cho những người yêu món ăn của mình càng lâu càng tốt. |
Hiện tại, bà Sáu chỉ có một mong muốn duy nhất đó là bản thân có đủ sức khỏe để nấu lẩu cho những người yêu món ăn của mình càng lâu càng tốt. Vì như thế bà sẽ có tiền lo cho cháu của mình học hành thành người có ích cho xã hội.
Theo Dân trí