Cẩn trọng khi vay tiền trực tuyến
Không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngay trong vòng 30 phút… là những lời quảng cáo hấp dẫn trên hàng loạt ứng dụng (app) vay tiền trực tuyến (online) với khách hàng. Tuy nhiên, khi giao dịch thực tế, nhiều khách hàng phải “ngậm quả đắng” vì lãi suất, phí dịch vụ vay online và nguy cơ xảy ra rủi ro quá cao không khác gì vay "tín dụng đen". Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi vay tiền online.
Người dân cần thận trọng khi quyết định vay tiền trực tuyến. |
Dễ bị biến tướng thành "tín dụng đen"
Tìm kiếm app “vay tiền online” tại CH Play trên điện thoại di động, trong chốc lát hàng loạt đề xuất như MoneyTap, vĐồng, CashVN, Vay nóng, Vay tiền mặt cấp tốc 24/24, Tiền mặt nhanh… đã hiện lên. Thông tin quảng cáo, tư vấn của các app vay tiền này có nhiều điểm giống nhau như: App vay tiền mặt trả góp online nhanh nhất Việt Nam với hạn mức lên đến 50 triệu đồng, phê duyệt nhanh chóng, giải ngân kịp thời… Theo đó, người vay chỉ cần tải ứng dụng, điền đầy đủ thông tin trên màn hình, chụp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để xác định danh tính, chờ kết quả phê duyệt vay tiền trong vòng 15 phút.
Chị Nguyễn Tú Liên (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) kể: "Cách đây không lâu, do cần tiền gấp mà không biết vay ở đâu, tôi đã tải app vay tiền online để sử dụng. Theo hướng dẫn, lần đầu tiên vay tiền sẽ áp dụng lãi suất 0% nhưng khi vay 3 triệu đồng, tôi chỉ nhận được 2,3 triệu đồng vì gần 700.000 đồng bị trừ vào các loại phí dịch vụ”.
Không chỉ lãi suất, phí dịch vụ cao, vay tiền online còn gây ra không ít phiền toái cho bạn bè, người thân vì người vay phải đồng ý cho phép bên cho vay truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động. Bà Trần Thúy Hà (quận Thanh Xuân) cho biết, mới đây bà giật mình khi nhận được hàng loạt tin nhắn đòi nợ liên quan đến một đồng nghiệp. Tìm hiểu sự việc, bà Hà được biết nhiều bạn bè cũng nhận được cuộc gọi, tin nhắn tương tự do một đồng nghiệp trong cơ quan vay tiền online nhưng không trả đúng hạn.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), từ đầu năm 2020 đến nay, Cục đã tiếp nhận gần 200 đơn phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực vay tiêu dùng, trong đó có vay online. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc bị lộ thông tin cá nhân, bị đe dọa đòi nợ, bên cho vay không cung cấp đầy đủ thông tin về lãi suất, phí vay, hình thức thu hồi nợ... gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người vay.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, vay online, vay ngang hàng (P2P Lending) thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và khó kiểm soát do chưa có quy định cụ thể. Do thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất do hai bên tự thỏa thuận, điều kiện ràng buộc lỏng lẻo nên nhiều đối tượng sử dụng hình thức này để hoạt động "tín dụng đen". Để thuận tiện việc đòi nợ, các app vay tiền yêu cầu người vay phải cho phép truy cập danh bạ điện thoại, chụp ảnh nhận diện... để khi người vay chậm trả thì bộ phận đòi nợ sẽ gây áp lực bằng việc gửi tin nhắn đe dọa, bôi nhọ đến người nhà, bạn bè.
Cẩn trọng trước khi giao dịch
Công an quận Cầu Giấy làm việc với một đối tượng trong đường dây “tín dụng đen” qua website F98Credit.vn, tháng 7-2020. |
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, ngay sau khi nhận thấy gia tăng các vụ việc khiếu nại vay tiêu dùng, Cục đã phối hợp với tổ chức, cá nhân cho vay giải quyết các yêu cầu của người tiêu dùng theo đúng quy định. Đồng thời, rà soát các hành vi vi phạm, các chính sách, điều kiện, điều khoản gây bất lợi cho người tiêu dùng mà các doanh nghiệp cho vay đang áp dụng, yêu cầu điều chỉnh theo hướng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. "Tới đây, Cục sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch tài chính online; chủ động phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm hoàn thiện khung chính sách, cơ chế quản lý các mô hình cho vay online", ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật Hilap (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), để tránh rủi ro trong các hoạt động vay tiền online, người vay cần lưu ý quyền được cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về đơn vị cho vay, nội dung hợp đồng giao dịch, đặc biệt điều khoản về lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, người tiêu dùng cần lưu giữ các hóa đơn, phiếu trả tiền để làm căn cứ giao dịch.
Còn Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khuyến cáo, trong khi Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính để từng bước kiểm soát các hoạt động tín dụng, cho vay, hỗ trợ định danh khách hàng…, người vay tiền online cần thận trọng trước khi giao dịch, tìm hiểu kỹ quy định, điều kiện cho vay của các app, lựa chọn app cho vay của các tổ chức tín dụng được cấp phép, tránh bị lừa đảo. Về phía Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư tín dụng phục vụ nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân.
Theo Báo Hànộimới