Đắk Lắk: Điện mặt trời mái nhà kiểm tra đến đâu phát hiện vi phạm đến đó
Qua kiểm tra một số địa phương có công trình điện mặt trời mái nhà, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đều phát hiện tồn tại nhiều vi phạm, có công trình chưa được hoàn thiện vẫn được thỏa thuận đấu nối.
Nhiều trang trại chưa hoàn thiện đã được đấu nối
Sở NN&PTNT Đắk Lắk vừa có báo cáo kiểm tra về việc tuân thủ các quy định kinh tế trang trại, sử dụng đất… đối với các trang trại nông nghiệp có lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại TP Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn và huyện Cư Kuin.
Tại Đắk Lắk đến nay có trên 5.300 công trình ĐMTMN |
Tại Đắk Lắk hiện có 363 đơn vị đăng ký xây dựng trang trại lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà. Trong đó, 193 trang trại đã đấu nối với hệ thống điện, số còn lại đã có thỏa thuận đấu nối với Công ty Điện lực (PC) Đắk Lắk.
Tại TP Buôn Ma Thuột, đoàn kiểm tra 7/12 trang trại trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, có 4 trại xây dựng chưa hoàn thiện các hạng mục sản xuất trang trại nhưng chỉ chủ yếu tập trung lắp hệ thống pin ĐMTMN. Tuy nhiên, các trang trại này đều thỏa thuận đấu nối điện lưới với PC Đắk Lắk.
Còn tại huyện Cư Kuin, trong số 20 trang trại lắp đặt ĐMTMN (16 trồng trọt, 3 chăn nuôi và 1 hỗn hợp) chỉ có 4 dự án được xác nhận là trang trại, 1 trang trại không đủ tiêu chí, 15 trang trại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện trang trại.
Dù vậy, UBND huyện Cư Kuin đã "ưu ái" có văn bản đề nghị Sở TN&MT đưa 15 trang trại này vào quy hoạch năm 2021 cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác chưa có thủ tục xác nhận trang trại.
Một trang trại "ngụy trang" trồng nấm để làm ĐMTMN |
Kiểm tra ngẫu nhiên 5/20 trang trại, đoàn kiểm tra phát hiện có tới 4 trang trại chưa hoàn thiện các thủ tục xác nhận trang trại, chưa triển khai trồng trọt theo phương án đã được phê duyệt, thậm chí có trang trại vẫn đang trong giai đoạn thi công xây dựng chủ yếu nhưng đã thực hiện đấu nối điện lưới.
Riêng huyện Buôn Đôn có 29 trang trại (21 trang trại trồng trọt, 4 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại hỗn hợp). Trong đó, 8 trang trại đã làm thủ tục xác nhận trang trại, 21 trang trại mới có chủ trương của UBND huyện cho chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất nông nghiệp khác.
Tại đây, đoàn thực hiện kiểm tra 5 trang trại, phát hiện 4 trang trại chưa hoàn thiện thủ tục xác nhận trang trại, chưa triển khai trồng trọt, chăn nuôi theo phương án đã được phê duyệt vẫn đang trong giai đoạn thi công (chủ yếu thi công phần ĐMTMN) nhưng đều được đấu nối với điện lực.
"Công trình có mái nhà mới được đấu nối"
Theo số liệu của PC Đắk Lắk, tính đến ngày 30/11/2020, toàn tỉnh có 4.181 công trình ĐMTMN đi vào hoạt động với công suất lắp đặt 291,636MWp. Tuy nhiên, số liệu cuối tháng 12/2020 thể hiện, ĐMTMN của tỉnh tăng lên 5.375 công trình.
Nhiều vi phạm được phát hiện tại các công trình ĐMTMN tại Đắk Lắk |
Trước câu hỏi chỉ riêng trong tháng 12/2020, số lượng công trình ĐMTMN đã tăng thêm 1.194 công trình liệu có phải các dự án được "hợp thức hóa" cho kịp trước ngày 31/12, vị đại diện PC Đắk Lắk phủ nhận việc này và cho rằng các công trình này đi vào hoạt động thời điểm này do trước đó đang hoàn thiện công trình để kịp đấu nối.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Chương - Phó Giám đốc PC Đắk Lắk khẳng định, đơn vị chỉ thỏa thuận đấu nối khi các nhà đầu tư đủ điều kiện theo quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Chương, trách nhiệm của điện lực là tính toán hệ thống lưới điện có giải tỏa được công suất hay không và dựa trên đơn đề nghị của chủ cơ sở, đơn vị sẽ xuống kiểm tra nếu có mái nhà trên công trình xây dựng sẽ tiến hành thỏa thuận đấu nối không quá 5 ngày.
"Có mái nhà và hệ thống điện lưới giải tỏa được công suất thì chúng tôi tiến hành đấu nối. Còn việc họ làm trang trại như thế nào, các thủ tục ra sao thì hoàn toàn thuộc thẩm quyền của chính quyền", ông Chương nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc PC Đắk Lắk, thỏa thuận đấu nối là bước đầu tiên và sẽ làm trước vì chủ đầu tư thấy được đấu nối thì họ mới đầu tư, triển khai…
Theo Dân trí