Doanh nghiệp FDI: Rầm rộ mở rộng quy mô nhưng liên tục báo lỗ
Được hưởng nhiều ưu đãi nhưng số lượng DN FDI thua lỗ ngày càng tăng. Trong báo cáo mới đây, Bộ Tài chính đánh giá, đóng góp của các DN này chưa tương xứng với những ưu đãi dành cho họ.
Sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh. |
Hơn 55% DN FDI báo lỗ
Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho thấy, quy mô sản xuất kinh doanh của loại hình DN này tiếp tục tăng cao so với năm 2018. Theo đó, doanh thu năm 2019 của các DN FDI có báo cáo đạt 7.180.950 tỷ đồng, tăng 720.236 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt 7.752.323 tỷ đồng, tăng 981.003 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 387.064 tỷ đồng, tăng 29.433 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt 324.487 tỷ đồng, tăng 19.505 tỷ đồng… Tăng tương đương 11,2%, 14,5%, 8,2%, 6,4% so với năm 2018.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết, 9.494 DN FDI có kết quả sản xuất kinh doanh cả năm 2019 báo lãi, chiếm tỷ lệ 45%. Điều này đồng nghĩa với 12.455 DN FDI báo lỗ 131.445 tỷ đồng trong năm 2019, chiếm tỷ lệ 55%. Doanh thu của các DN báo lỗ năm 2019 là 846.894 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2018. Đến hết năm 2019, có 14.822 DN có lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính, chiếm tỷ lệ 66% với tổng trị giá lỗ luỹ kế trên 520.742 tỷ đồng. Báo cáo đánh giá, hiệu quả sử dụng tài sản, sử dụng vốn đầu tư tại các DN FDI vẫn còn thấp, chưa phát huy hết tiềm lực. Các chỉ tiêu khả năng sinh lời của một số lĩnh vực vẫn còn âm, nộp ngân sách chưa tương xứng với ưu đãi được hưởng. Số DN FDI có lãi chiếm tỷ lệ ít, nhiều DN có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế diễn ra ở một số DN FDI. DN luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng. Trong báo cáo, Bộ Tài chính đã chỉ tên 2 "ông lớn" ở lĩnh vực sản xuất sắt, thép và kim loại khác, dù tổng doanh thu vẫn tăng nhưng nộp ngân sách Nhà nước lại giảm từ 101 tỷ đồng xuống còn 92,6 tỷ đồng. "Đóng góp cho ngân sách chưa tương xứng với những ưu đãi (đất đai, thuế...) dành cho những DN lớn này”, báo cáo nêu.
Trước đó, thông tin tại buổi công bố kết quả nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập DN FDI tại Việt Nam"- Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã nhận định, mức thất thu thuế mỗi năm từ khu vực FDI có thể lên tới 8.000-9.000 tỷ đồng (4-4,5%) số thu thuế thu nhập DN. Theo TS Nguyễn Hoàng Oanh - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cách thức chuyển giá, trốn và tránh thuế tiêu biểu ở Việt Nam mà các DN FDI thường áp dụng, là thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn. Hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Biện pháp mạnh chống chuyển giá
Trước thực trạng trên, trong báo cáo trình Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế và cục thuế các địa phương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với nhóm DN FDI có dấu hiệu chuyển giá. Về phía ngành thuế, trong những năm qua đã có rất nhiều biện pháp quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là việc lợi dụng chuyển giá để trốn tránh thuế. Mới đây nhất, Nghị định 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết được đánh giá là biện pháp mạnh để chống tình trạng chuyển giá, đã chính thức có hiệu lực từ 20/12/2020.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 16.500 DN có quan hệ liên kết, trong đó có trên 8.000 DN có giao dịch liên kết. Trong số DN có giao dịch liên kết thì DN FDI chiếm trên 83%, như vậy, chỉ có khoảng 17% DN trong nước thuộc đối tượng điều chỉnh bởi Nghị định 132, cụ thể là bị khống chế tỷ lệ lãi vay.
Giám đốc Công ty Luật ICC Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm, một điểm tích cực là Nghị định 132 đã bổ sung yêu cầu các công ty đa quốc gia, phải thực hiện báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Quy định này đã tiệm cận với những thông lệ quốc tế. Hiện nay, việc nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của các công ty mẹ tối cao, đã được các nước thành viên Diễn đàn chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) thống nhất áp dụng trong chính sách quản lý. Vì vậy, Nghị định 132 đã quy định chi tiết các trường hợp người nộp thuế tại Việt Nam, có công ty mẹ tối cao tại nước ngoài phải có nghĩa vụ lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế.
Việt Nam nên nhanh chóng nghiên cứu và áp dụng các biện pháp chống trốn, tránh thuế hiện đang áp dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng mức xử phạt và nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ thuế. Giám đốc Công ty Luật ICC Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng |
Thực tế, nhiều khi, ngành thuế không nắm được sổ sách, kế toán chi tiết của các DN FDI nên dễ xảy ra hoạt động chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu lớn cho ngân sách. Ví dụ, 1 bộ quần áo xuất khẩu từ Việt Nam được DN khai báo chỉ 10 USD, nhưng sang nước ngoài có thể khai giá 50 USD, xuất bán giá 100 USD. Nhiều DN đầu tư tại Việt Nam rất lâu, hoạt động qua bao nhiêu năm vẫn báo lỗ, song lại không ngừng mở rộng đầu tư. Điều này là quá vô lý. Kế toán trưởng Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu A&T Việt Nam Trần Thùy Anh |
Cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính cần tìm cách xác minh rõ, nghiên cứu một vài trường hợp điển hình để đưa ra ánh sáng việc chuyển giá, lãi thật, lỗ giả. Việt Nam cần thu hút FDI nhưng không phải thu hút bằng mọi giá như ưu đãi, nhắm mắt trước sai sót của một vài DN FDI. Để điều tra DN FDI dấu hiệu chuyển giá, cơ quan chuyên môn cần liên kết với cơ quan chuyên môn của quốc gia mà DN FDI có trụ sở chính. Từ đó, xác minh, làm rõ chi phí thật linh kiện nhập khẩu. TS Lê Đăng Doanh |
Theo Kinh tế & Đô thị