Ban Kinh tế Trung ương:
Việt Nam đã có tập đoàn tư nhân năng lực cạnh tranh cấp khu vực
"Đã xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, năng lực cạnh tranh tầm khu vực" - ông Nghĩa nói.
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của Ban Kinh tế năm 2020 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng: "Năm 2020 và 5 năm vừa qua, tình hình thế giới và trong nước bên cạnh những thuận lợi là cơ bản cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới; khó khăn, thách thức chưa từng có, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu rất cực đoan".
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị |
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua khó khăn và đạt được những thành tích hiếm có.
"Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương đã nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và cả nhiệm kỳ khóa XII, đóng góp rất tích cực vào thành tựu chung của cả đất nước" - ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Về mục tiêu năm 2021, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương khẳng định sẽ tập trung làm tốt hơn công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế- xã hội. Cải thiện, nâng cao chất lượng hơn nữa công tác thẩm định các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và công tác nghiên cứu và dự báo kinh tế vĩ mô.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, minh chứng là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 544 tỷ USD, thặng dư cán cân thương mại hơn 19 tỷ USD, thu hút được khoảng 168 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Đây là những thành tích đáng tự hào và cũng là thách thức để phát huy hơn nữa.
Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, kinh tế tư nhân đang dần trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - hội.
"Đã xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, năng lực cạnh tranh tầm khu vực trong một số lĩnh vực" - ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết.
Ôn Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan - khẳng định: Ngành nông nghiệp Việt Nam cần được xem là đầu vào của chuỗi ngành hàng công nghiệp thương mại, dịch vụ và nâng cao giá trị gia tăng, thông qua áp dụng các ứng dụng của khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào quy trình sản xuất, nâng cao chế biến tinh sản phẩm nông nghiệp.
"Nền nông nghiệp Việt Nam cần phải chấp nhận sống chung với biến đổi khí hậu, thích ứng với mất mát và hạn chế của tài nguyên nước. Ngoài ra, du lịch nông nghiệp cần được phát triển, tạo ra một nền nông nghiệp xanh, sạch và có trách nhiệm, hướng đến nền nông nghiệp bền vững" - Thứ trưởng Hoan nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị |
Theo ông Hoan, Việt Nam cần có chính sách biến công nghiệp, nông nghiệp và du lịch không còn là lĩnh vực riêng mà cần giúp các ngành này liên kết với nhau, hài hòa thành sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế.
"Cần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp với khái niệm công nghiệp nông nghiệp, du lịch nông nghiệp và nông nghiệp xanh - thông minh trên không gian sản xuất, không gian sinh hoạt. Chúng ta cần xây dựng chính sách để làm sao cho người nông dân làm nông nghiệp tử tế, nông nghiệp có văn hóa" - ông Hoan nói.
Theo Dân trí