Số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh tháng cuối năm
PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 12/2020 tăng từ 49,9 điểm tháng 11 lên 51,7 điểm và đạt mức ngang bằng với tháng 10, đây là lần cải thiện thứ ba trong 4 tháng qua.
IHS Markit vừa công bố báo cáo cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 12/2020 tăng từ 49,9 điểm tháng 11 lên 51,7 điểm và đạt mức ngang bằng với tháng 10.
Dữ liệu mới nhất cho thấy mức cải thiện khiêm tốn của các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, và đây là lần cải thiện thứ ba trong 4 tháng qua. Theo IHS Markit, sản lượng tăng trở lại sau khi chịu thiệt hại do bão lụt trong tháng trước. Số lượng đơn đặt hàng mới là yếu tố chính dẫn đến tăng sản lượng.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ tư liên tiếp và với mức độ mạnh và nhanh hơn tháng 11. Nhu cầu khách hàng cải thiện, tại các thị trường quốc tế, nhu cầu cũng tăng vào thời điểm cuối năm. Lần đầu tiên trong 3 tháng, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng. Theo đó, yêu cầu sản xuất tăng, khuyến khích các công ty tăng số lượng nhân công. Việc làm trong tháng 12 tăng nhẹ lần thứ hai trong ba tháng.
Sản lượng và lực lượng lao động tăng khiến các công ty có thể giảm lượng công việc tồn đọng, và mức giảm lần này là lớn nhất kể từ tháng 8. Đồng thời, hoạt động mua hàng cũng tăng trở lại trong tháng 12. Song, những khó khăn trong việc mua hàng hóa đầu vào và chi phí tăng là điểm nhấn trong khảo sát gần đây.
Tình trạng khan hiếm và gián đoạn nguồn cung do dịch Covid-19 và những khó khăn trong khâu nhập khẩu nguyên vật liệu khiến thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài đáng kể. Trên thực tế, thời gian giao hàng tăng nhiều nhất kể từ lúc đỉnh điểm của đại dịch diễn ra vào tháng 4.
Những khó khăn trong việc nhập nguyên vật liệu thô này đã góp phần làm giá cả đầu vào tăng mạnh. Thêm vào đó, tốc độ tăng chi phí đầu vào nhanh hơn tháng thứ tư liên tiếp và nhanh nhất trong hai năm rưỡi.
Các công ty tin tưởng về triển vọng năm tới với hy vọng nhu cầu xuất khẩu sẽ hồi phục khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát trên toàn cầu. |
Bất chấp những khó khăn về nguyên vật liệu, các nhà sản xuất Việt Nam vẫn có thể tăng nhẹ tồn kho hàng mua. Mặt khác, tồn kho hàng thành phẩm đã giảm khi các công ty sử dụng hàng hóa trong kho để đáp ứng các đơn hàng mới.
Các nhà sản xuất vẫn tin tưởng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, khi dự kiến dịch Covid-19 sẽ gây thiệt hại ít hơn. Các báo cáo cho thấy điều này sẽ đặc biệt đúng đối với nhu cầu xuất khẩu khi đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm 2020.
Theo đại diện của IHS Markit, kết quả PMI trung bình trong quý 4 là cao nhất trong năm, cho thấy động lực tăng đang hình thành khi bước vào năm 2021. Các công ty tin tưởng về triển vọng năm tới với hy vọng nhu cầu xuất khẩu sẽ hồi phục khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát trên toàn cầu.
Vấn đề chính gây cản trở tăng trưởng hiện vẫn là sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng, mà nguyên nhân được cho là do đại dịch như đề cập ở trên và các công ty gặp khó khăn trong khâu mua nguyên vật liệu, đặc biệt là từ nước ngoài.
Theo enternews.vn