Doanh nghiệp chuộng xu hướng blockchain nào trong năm 2021?
Blockchain ứng dụng vào doanh nghiệp đã thực sự phát triển và ngày một lớn mạnh trong năm 2020. Những xu hướng nào sẽ được thúc đẩy, chú trọng ứng dụng hơn trong năm nay?
2020 là một năm đầy biến động trong lĩnh vực blockchain, đặc biệt là đối với thị trường tài chính. Cùng lúc giá Bitcoin đã tăng không ngừng và đạt mức cao nhất mọi thời đại (> 34.000 USD/BTC) trong năm qua, thì nền tảng blockchain cho doanh nghiệp cũng được chào đón mạnh mẽ hơn trên không gian mạng và cộng đồng mã nguồn mở, trong khi điều này thường chỉ xảy ra trên diện cục bộ, riêng tư trong những năm trước đây.
Theo các chuyên gia, có năm xu hướng blockchain sẽ được doanh nghiệp thúc đẩy việc áp dụng năm 2021 trong nhiều lĩnh vực (Ảnh: Nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ blockchain đã được giới thiệu tại Hội nghị quốc tế thường niên Khu công nghệ cao với chủ đề “Công nghệ Blockchain cho đô thị thông minh”) |
Các chuyên gia nhận định dựa trên sự phát triển của công nghệ chuỗi khối, có năm xu hướng blockchain sẽ được các doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng một cách chính thức, rộng rãi trong tương lai gần.
Token hóa thúc đẩy “internet of value”
“Internet of Value” là một thuật ngữ được đặt ra bởi Don Tapscott, người sáng lập Viện Nghiên cứu Blockchain. Năm 2016, chuyên gia người Canada này dự đoán rằng các tổ chức sẽ bắt đầu chuyển tài sản kỹ thuật số như tiền, âm nhạc, nghệ thuật và và nhiều tài sản khác lên nền tảng blockchain giống như tiền số được chuyển lên blockchain, để trở thành tiền ảo. “Một khi nó ở đó, nó sẽ là bất biến. Bạn không thể hack nó”, ông Tapscott giải thích.
Hiện nay, các doanh nghiệp đã sáng tạo và liên tục đổi mới bằng cách chuyển hóa dần các mặt hàng có giá trị lên trên nền tảng blockchain. Quy trình này được gọi là “mã hóa”. Nó cho phép các tài sản tài chính như hóa đơn điện tử sẽ được gửi đến nhiều người trong cùng mạng lưới. Blockchain đảm bảo tất cả các bên nhận được đều có cùng một thông tin giống nhau và đồng nhất tại mọi thời điểm.
Tất cả các thông tin được ghi lại trên một sổ cái blockchain, đảm bảo sự tin cậy và minh bạch. Một ví dụ trên thực tế như tại công ty Coke One North America tại Mỹ đang tận dụng công nghệ blockchain để gửi hóa đơn mã hóa cho nhiều người tham gia chuỗi cung ứng.
Để đảm bảo tính phổ biến nhiều hơn, Liên minh Interwork (IWA) đang phát triển các tiêu chuẩn để dễ dàng truyền đạt cho việc hiểu các khái niệm về mô hình Token. IWA đặc biệt tập trung vào các trường hợp sử dụng tài trợ thương mại và tính bền vững. Một trong những ưu tiên hàng đầu của họ là tìm ra tiêu chuẩn toàn cầu để mã hóa tín chỉ carbon vì lĩnh vực blockchain có thể cho ra nhiều sáng kiến xanh được mã hóa hơn trong tương lai.
Chuyển đổi chuỗi cung ứng
Quản lý chuỗi cung ứng là trường hợp thực tế nhất sử dụng chuỗi khối doanh nghiệp cho đến nay. Gã khổng lồ công nghệ IBM đã chứng minh sự hữu dụng của chuỗi khối doanh nghiệp vào năm 2016 khi công bố kế hoạch cho Food Trust Network của mình. Mạng chuỗi khối này ra mắt vào năm 2018, mô tả cách các nhà bán lẻ lớn trên toàn cầu như Walmart có thể theo dõi và truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng cách sử dụng mạng blockchain riêng do Hyperledger Fabric cung cấp.
Đến năm 2020 một số ngành bắt đầu nghiên cứu và áp dụng blockchain cho các hoạt động của chuỗi cung ứng. Theo báo cáo mới của PwC với sự hợp tác của OpenNodes, IBM, Ernst & Young cho thấy việc theo dõi tài sản và truy xuất nguồn gốc đã trở thành ứng dụng quan trọng và tối ưu nhất khi sử dụng công nghệ sổ cái phân tán.
Đáng chú ý, đại dịch COVID-19 đã thay đổi và vô hình trung đẩy nhanh xu hướng ứng dụng blockchain. Vào tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã trình làng một nền tảng blockchain mới được thiết kế nhằm phát hiện các ổ dịch, các điểm nóng COVID-19 bằng cách theo dõi và truy tìm dữ liệu sức khỏe của người dùng. Một số hãng vận chuyển container lớn nhất thế giới cũng bắt đầu tham gia nền tảng blockchain TradeLens của IBM và Maersk để chuyển đổi chuỗi cung ứng của họ sang nền tảng blockchain. Các hãng vận chuyển này sẽ bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử trong khi chia sẻ trên mạng blockchain thông tin lô hàng được phép giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng.
Thêm vào đó, báo cáo Xu hướng Blockchain năm 2020 của Deloitte cũng nhấn mạnh rằng các sáng kiến sử dụng blockchain trong thử nghiệm lâm sàng và chuỗi cung ứng dược phẩm đã được tiến hành trong năm 2020. Trong khi một số ít đã thành công và cho ra sản phẩm, một số công ty vẫn tin rằng sẽ có một làn sóng các giải pháp mới hình thành và được ứng dụng mặc dù luôn tồn tại những lo ngại về pháp lý hay những quy định chưa được rõ ràng về công nghệ chuỗi khối này.
Blockchain công khai
Trong những năm qua, công nghệ chuỗi khối của doanh nghiệp đã dần khẳng định tầm quan trọng và tính ứng dụng hữu hiệu của mình, song đó là các mạng khép kín, riêng tư và khá tốn kém. Điều này dẫn đến việc chuỗi khối doanh nghiệp gần như chỉ có thể được ứng dụng và dùng bởi các doanh nghiệp lớn hàng tỷ đô la như Walmart. Tuy nhiên, năm 2020 đã chứng minh rằng các blockchain công khai như Ethereum có thể là sự lựa chọn phù hợp hơn để ứng dụng cho doanh nghiệp.
Ernst & Young là một trong những doanh nghiệp đầu tiên chứng minh điều này, đồng thời giải thích cách các blockchain công khai sẽ khiến các blockchain riêng tư trở nên lỗi thời trong tương lai. Mặc dù các blockchain riêng tư vẫn đang được ứng dụng rất nhiều, nhưng ngày càng nhiều công ty đang sử dụng các blockchain công khai cho doanh nghiệp hơn là sử dụng chuỗi khối riêng tư trong khi lợi ích đạt được nhiều hơn.
Điển hình, Ethereum đã thực sự trở nên hấp dẫn cho các giải pháp bảo mật và quyền riêng tư trên các mạng blockchain công cộng. Khi cộng đồng và nền tảng này ngày càng trưởng thành và tối ưu hơn thì các giải pháp bảo mật mới được sử dụng thông qua "cỗ máy ghi trạng thái" Ethereum cho phép mức độ lập trình cao hơn tới thử nghiệm mã riêng những vẫn được bảo mật và minh bạch cần thiết. Việc này rất có lợi cho một số doanh nghiệp khi sử dụng chuỗi khối Ethereum trong điều hành doanh nghiệp.
Mặc dù blockchain công khai đang phát triển rất ấn tượng, nhưng không dễ để thu hút các doanh nghiệp khác tham gia áp dụng công nghệ mới này cho doanh nghiệp của mình. Có một thực tế là các tổ chức thường nghĩ đến các loại tiền ảo như Bitcoin hoặc Ether (ETH) khi nghe thấy cụm từ “blockchain công khai”. Để việc áp dụng trở thành phổ biến, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp phải hiểu và cởi mở để tiếp cận và bắt đầu sử dụng mạng công khai.
Mô hình DeFi doanh nghiệp
Tài chính phi tập trung đã phát triển cực nóng và trở thành một trong những xu hướng tiền điện tử lớn nhất của năm 2020 . Sự bùng nổ này đã đặt nền móng cho “tài chính phi tập trung doanh nghiệp”, được dự đoán sẽ thay đổi hoàn toàn các mô hình hoạt động dịch vụ tài chính.
Tài chính phi tập trung đã phát triển cực nóng và trở thành một trong những xu hướng tiền điện tử lớn nhất của năm 2020 |
Theo đó, tài sản mã hóa và các đồng tiền ổn định được hỗ trợ bằng fiat sẽ giúp việc chuyển đổi các mục tài chính có giá trị dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn. Điều này đã được chứng minh như đề cập ở trên với trường hợp các công ty như Coke One North America, khi họ bắt đầu mã hóa hóa đơn. Tuy nhiên, để DeFi doanh nghiệp được áp dụng rộng rãi , các thỏa thuận liên quan đến chia sẻ dữ liệu phải được thiết lập để chứng minh rằng hóa đơn và các giao dịch tài chính khác hợp lệ và cần được xử lý để thanh toán.
Blockchain mã nguồn mở
Theo các chuyên gia công nghệ, mã nguồn mở luôn không thể thiếu trong hệ sinh thái blockchain, vì nó là hiện thân của khái niệm quy định văn hóa mở. Điều thú vị là mã nguồn mở ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của các mạng blockchain doanh nghiệp.
Mã nguồn mở ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của các mạng blockchain doanh nghiệp |
Theo đó, cộng đồng mã nguồn mở Hyperledger là một trong những cộng đồng đầu tiên chứng minh tầm quan trọng của mã nguồn mở đối với việc sử dụng của doanh nghiệp. Cụ thể, vào tháng 3/2020, giao thức cơ sở đã được đưa lên GitHub để sử dụng công khai, cho phép các nhà phát triển đóng góp vào dự án. Vào tháng 6, sàn giao dịch tiền điện tử Bitfinex đã tải giao thức "Dazaar" của mình lên GitHub để cho phép người dùng chia sẻ phương tiện trên một mạng phi tập trung.
Những điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng mã nguồn mở để tăng sự trưởng thành của thế giới blockchain. Và khi sự ứng dụng được thúc đẩy mạnh hơn, thì các tiêu chuẩn về mã nguồn mở càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Hiện nay, tổ chức phi lợi nhuận OASIS Open là một trong những đơn vị đang phát triển các tiêu chuẩn cho mã nguồn mở được sử dụng trong các dự án blockchain - điều này sẽ cho phép các giao thức nguồn mở của doanh nghiệp phát triển.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong, ngoài thị trường tài chính cũng đã bắt đầu ứng dụng blockchain cho các hoạt động của mình. Điển hình là HSBC đã phát hành tín dụng thư trên nền tảng chuỗi khối để hỗ trợ giao dịch cho công ty Nhựa Duy Tân và INEOS Styrolution Korea. HDBank cũng đã triển khai cấp L/C trên nền tảng blockchain khi gia nhập mạng lưới tài chính thương mại toàn cầu Contour. Xây dựng Hòa Bình hợp tác với Infinity Blockchain nhằm sử dụng dịch vụ công nghệ chuỗi khối do IBG cung cấp... Đây là những tín hiệu cho thấy blockchain thế hệ mới đã bước ra khỏi vùng mã hóa tiền ảo và đang bắt đầu được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm ứng dụng ngày càng phổ biến hơn.
Theo enternews.vn