Động lực mới của nền kinh tế
Điều quan trọng nhất với Việt Nam là duy trì ổn định bên trong dù có chịu bất cứ tác động nào từ bên ngoài, như dịch Covid-19.
PGS TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh việc Việt Nam động lực để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% vào năm sau phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu.
Dù còn nhiều thách thức nhưng Chính phủ vẫn đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% và đặt mức tăng cao hơn nữa trong các chỉ tiêu về kinh tế.
- Vậy đâu sẽ là động lực để chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu trên khi mà kết quả đạt được thực tế năm 2020 ở mức 2,91%? Thưa ông?
Việc chúng ta có đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% như đã đề ra hay không phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của đại dịch COVID.
Năm nay, nguồn lực cho đầu tư công tương đối lớn, khoảng 700.000 tỷ đồng, gồm tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước 2020 là 470.600 tỷ đồng và cả số vốn thuộc các kế hoạch từ những năm trước. Với mục tiêu cao nhất giải ngân hết 700.000 tỷ đồng trong năm nay hoặc trường hợp chưa giải ngân hết, cộng với dự toán của năm sau (477.300 tỷ đồng) thì động lực tăng trưởng từ đầu tư công vào 2021 vẫn sẽ ít hơn 2020.
Khu vực trong nước thích ứng tương đối tốt với điều kiện thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19. Tỷ trọng đóng góp vào xuất khẩu có gia tăng nhưng không nhiều. Vì vậy, động lực tăng trưởng năm sau vẫn dựa vào xuất khẩu là chủ yếu. Do đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm sau khá là thách thức.
- Cụ thể hơn, đó là những thách thức như thế nào, thưa ông?
Quả đúng là như vậy. Tôi muốn quay trở lại câu chuyện tăng trưởng, kể cả mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm sau là khả thi thì chúng ta lại quan tâm rằng chất lượng tăng trưởng đó đến từ đâu, khu vực nào đóng góp là chủ yếu? Hiện đóng góp cho tăng trưởng vẫn đến chủ yếu từ khu vực đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp giá trị gia tăng của doanh nghiệp nội vẫn còn thấp.
Ngoài ra, thách thức trong 2021 và 5, 10 năm tới là làm thế nào để doanh nghiệp Việt tiếp cận được công nghệ mới, thị trường mới thông qua những FTA Việt Nam đã ký kết. Để từ đó đóng góp nhiều hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm.
GDP năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội thì đây là thành công lớn. |
Cùng với đó, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất ổn và tương lai bất trắc. Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.
Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như khả năng cân đối tài khóa, hệ thống ngân hàng tài chính dễ tổn thương…
- Trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần một gói hỗ trợ đủ mạnh để có thể vực dậy nền kinh tế, thưa ông?
Với bối cảnh như hiện nay, những gói kích thích kinh tế là không cần thiết.
Tại sao? Tại vì thực tế các gói cứu trợ của Chính phủ thời gian qua đã cho thấy ngoài gói hỗ trợ an sinh xã hội, thì các gói còn lại đều bộc lộc nhiều bất cập trong quá trình triển khai và bộc lộ sự thiếu hiệu quả.
Nếu buộc phải ban hành một gói hỗ trợ vào năm sau thì gói hỗ trợ ấy phải tập trung trực tiếp vào hỗ trợ người lao động, đây là biện pháp hiệu quả nhất, giải quyết vấn đề an sinh xã hội tốt nhất, đến đúng đối tượng.
Tôi cũng muốn lưu ý một điều rằng, gói hỗ trợ kinh tế mới nếu được ban hành sẽ chỉ thực hiện khi Việt Nam phải áp dụng biện pháp phong tỏa trở lại.
- Nhưng hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà doanh nghiệp và người dân rất cần đến sự hỗ trợ, thưa ông?
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần lớn doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng mà tổn thương nhiều hơn cả là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng đây là thị trường, là cuộc chơi nên những doanh nghiệp nhanh nhạy họ sẽ biết cách chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với điều kiện mới.
Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam còn có đặc thù là rất linh hoạt. Mỗi năm có hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp đóng cửa, phá sản nhưng cũng có hàng trăm nghìn doanh nghiệp mới được ra đời với những sản phẩm, dịch vụ tiên tiến đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Đó là quy luật của nền kinh tế.
Vì vậy, tôi cho rằng không nên khiên cưỡng phải ban hành những gói hỗ trợ thiếu hiệu quả, không đúng mục đích, đối tượng. Tôi cho rằng hơn lúc nào hết, liều thuốc tốt nhất dành cho doanh nghiệp và người dân lúc này là việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
- Cuối cùng, 2021 được xem là năm bản lề cho giai đoạn 2021-2025. Vậy, ông có khuyến nghị gì cho Chính phủ để Việt Nam tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng mong muốn?
Tôi nghĩ rằng những khủng hoảng bất kỳ như Covid không thể tránh khỏi. Do vậy, điều quan trọng nhất với Việt Nam là duy trì ổn định bên trong dù có chịu bất cứ tác động nào từ bên ngoài, như dịch Covid-19.
Trong những tháng vừa qua, nền kinh tế đã xuất hiện những rủi ro liên quan đến giá tài sản. Giá tài sản không chỉ là giá nhà ở mà còn cả giá đất ở các khu công nghiệp. Khi Việt Nam hạ lãi suất thấp giống những nước khác, ngay lập tức dòng tiền đầu cơ vào thị trường tài sản khiến bong bong giá tài sản xuất hiện. Một mặt, việc này tạo ra bất bình đẳng thu nhập trong nền kinh tế. Mặt khác, tiềm ẩn rủi ro bất ổn cho môi trường đầu tư.
Nếu chúng ta không cẩn trọng với những chính sách như vậy, có thể dẫn đến những rủi ro về mất cân đối tiền tệ, tài khoá và bong bóng giá tài sản, đẩy áp lực về phía người lao động, người yếu thế trong xã hội và cơ hội tiếp cận tài sản của họ ngày càng khó khăn hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Theo enternews.vn