Tranh chấp với EU, Mỹ áp thuế với rượu vang Pháp, Đức và phụ tùng máy bay
Quyết định của Mỹ được đưa ra khi các nhà đàm phán của nước này và châu Âu tiếp tục đề cập những vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp lịch sử về trợ cấp máy bay giữa 2 khu vực.
Một ly rượu vang đỏ của Pháp được trưng bày tại Chateau du Pavillon ở Sainte-Croix-Du-Mont, Pháp, ngày 29 tháng 7 năm 2019. Ảnh: Reuters |
Chính phủ Mỹ hôm thứ 4 vừa qua cho biết họ sẽ tăng thuế đối với một số sản phẩm của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm linh kiện máy bay và rượu vang từ Pháp và Đức. Đây là bước ngoặt mới nhất trong cuộc chiến kéo dài 16 năm về trợ cấp máy bay giữa Washington và Brussels.
Trong một tuyên bố, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết họ đang bổ sung thêm thuế quan đối với các sản phẩm như bộ phận sản xuất máy bay và một số loại rượu vang đặc biệt cũng như rượu cognac và các loại rượu mạnh khác từ Pháp và Đức.
USTR không cho biết khi nào mức thuế quan mới sẽ có hiệu lực nhưng họ lưu ý rằng các chi tiết bổ sung sẽ "sớm được ra mắt".
Động thái của Mỹ được đưa ra khi các nhà đàm phán của Mỹ và châu Âu tiếp tục đàm phán về những vấn đề liên quan đến chấm dứt tranh chấp kéo dài về viện trợ của chính phủ cho hãng máy bay Airbus SE của châu Âu, được hỗ trợ về mặt chính trị bởi Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha, viện trợ của Mỹ cho hãng máy bay Boeing.
Vào hôm thứ 4, USTR cho biết EU đã tính toán không công bằng các mức thuế đối với Mỹ theo phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 9 trong cuộc tranh chấp đang diễn ra và nói rằng: "EU cần thực hiện một số biện pháp để bù đắp cho sự không công bằng này".
Các đại diện của EU và Airbus hiện vẫn chưu đưa ra bình luận gì về hành động này của USTR.
Ben Aneff - Chủ tịch Liên minh Thương mại Rượu vang Mỹ - cho biết hành động này sẽ gây thêm khó khăn cho các công ty Mỹ vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các mức thuế trước đó, đồng thời kêu gọi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhanh chóng đảo ngược hướng đi.
Aneff - đối tác quản lý của Tribeca Wine Merchants ở Thành phố New York - cho biết: "Hành động này là một đòn giáng vào các công ty Mỹ. Các nhà hàng và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đã phải vật lộn để tồn tại, quyết định này sẽ chỉ phá hủy nhiều việc làm hơn và nhiều cửa hàng sẽ phải đóng cửa hơn".
Emily Haber - đại sứ của Đức tại Mỹ - vào tháng này đã kêu gọi các nhà lãnh đạo nên hành động nhanh chóng để giải quyết tranh chấp, ông gọi đó là sự phân tâm khỏi các vấn đề lớn hơn và đòi hỏi Mỹ cũng như EU cần phải có hành động chung để xử lý những vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu và đại dịch.
Hiện vẫn chưa rõ châu Âu sẽ đưa ra động thái gì trước quyết định áp thuế của Mỹ nhưng lẽ cuộc tranh chấp kéo dài 16 năm giữa Mỹ và châu Âu vẫn sẽ còn tiếp tục lâu dài mặc dù các nhà lãnh đạo của hai bên đều đã nói rằng họ muốn cùng nhau thỏa thuận để đi đến hồi kết cho vụ tranh chấp lịch sử này.
Theo Dân trí