Trung Quốc - EU đạt thỏa thuận "tham vọng" trước khi ông Biden nhậm chức
Trung Quốc và Ủy ban Châu Âu thông báo đã hoàn tất các cuộc đàm phán về "Thỏa thuận toàn diện về đầu tư", thời điểm chưa đầy một tháng trước khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Trung Quốc đã kết thúc các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về một thỏa thuận đầu tư quan trọng và nói lên tham vọng trong nhiều hơn nữa.
Theo đó, Trung Quốc và Ủy ban châu Âu đã thông báo hôm thứ Tư rằng hai bên đã hoàn tất các cuộc đàm phán xung quanh một "Thỏa thuận toàn diện về đầu tư" giúp doanh nghiệp của mỗi khu vực tiếp cận nhiều hơn với thị trường của bên kia.
Cả hai bên đều gấp rút hoàn thành một thỏa thuận trong bối cảnh được cho là ông Biden sẽ cố gắng đàm phán với các đồng minh truyền thống của Mỹ để gây áp lực lên Trung Quốc sau khi ông nhậm chức, trái ngược với chính quyền tổng thống Trump. Về phía châu Âu, họ cũng mong muốn hoàn tất một thỏa thuận trước khi kết thúc nhiệm kỳ của Thủ tướng Đức của Angela Merkel vào năm 2021 - theo một nguồn tin từ Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên màn hình trong cuộc họp video thông qua hiệp định đầu tư giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu vào 30/12/2020. Ảnh: AFP |
Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ trong năm nay, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Liên minh châu Âu cho biết Trung Quốc đã đồng ý cấm "các hành vi xuyên tạc", bao gồm chuyển giao công nghệ cưỡng bức - hành vi bắt các công ty chuyển giao công nghệ độc quyền để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.
"Trung Quốc đã cam kết mở rộng mức độ tiếp cận thị trường chưa từng có cho các nhà đầu tư EU, mang lại cho các doanh nghiệp châu Âu sự chắc chắn để có thể lên kế hoạch cho hoạt động của họ" - Hội đồng châu Âu cho biết trong một thông cáo.
Thông cáo nói rằng "Hiệp định cũng sẽ cải thiện đáng kể sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư EU bằng cách đặt ra các nghĩa vụ rõ ràng đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, cấm chuyển giao công nghệ cưỡng bức và các hành vi tương tự khác, đồng thời tăng cường tính minh bạch của các khoản trợ cấp".
Phía Trung Quốc nhấn mạnh hai bên đã nhất trí về danh sách các vấn đề gây tranh cãi - tất cả các vấn đề này trước đó đều đã được Mỹ nêu ra trước đây.
Họp báo đêm khuya
Tại một cuộc họp báo vào đêm muộn hôm thứ Tư, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng đã báo hiệu rằng thỏa thuận có thể giúp tạo tiền đề cho việc khôi phục quan hệ thương mại bình thường với Mỹ, trong một số điều kiện nhất định.
Tuy nhiên, một phần khiến Mỹ luôn thất vọng là Trung Quốc không phải lúc nào cũng tuân thủ các thỏa thuận của họ theo cách mà các nhà đàm phán hy vọng ban đầu.
Fred Kempe - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Đại Tây Dương - cho biết: "Điểm quan trọng lúc này là cách EU và Mỹ phối hợp tốt hơn để quản lý mối quan hệ với Trung Quốc và tôi nghĩ rằng có một triển vọng thực sự cho điều đó với chính quyền của ông Biden. Câu hỏi tôi sẽ hỏi là, liệu thỏa thuận này có tạo tiền đề thúc đẩy điều đó hay không.".
Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Đại Tây Dương, những gì EU sẽ phải làm là tranh luận với Washington rằng các tiêu chuẩn trong thỏa thuận này sao cho Mỹ ũng sẽ chấp thuận chúng.
Theo phân tích từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Bắc Kinh đã không mua được hàng hóa nhập khẩu của Mỹ mà họ đã đồng ý trong thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" mà họ đạt được với Mỹ vào tháng Giêng. Thỏa thuận đình chiến trong chiến tranh thương mại đó đã yêu cầu Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các thị trường như ngành tài chính của Trung Quốc. Tiến độ tiến tới thỏa thuận "giai đoạn hai" đã bị đình trệ trong đại dịch coronavirus.
Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng Bắc Kinh muốn xây dựng thêm các thỏa thuận để đa dạng hóa thương mại và chuẩn bị cho một cách tiếp cận mới của Mỹ dưới thời ông Biden. Ngay từ mùa thu năm nay, Trung Quốc và 14 quốc gia khác (không bao gồm Mỹ) đã thành lập hiệp ước thương mại lớn nhất trong lịch sử khi họ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.
Không phải là thỏa thuận chống lại nước Mỹ
Thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc trong quá trình thực hiện vẫn cần được thảo luận và xem xét trước khi được ký kết. Một điểm đổi mới mấu chốt đối với thỏa thuận của châu Âu là lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Trung Quốc đã cam kết nỗ lực hướng tới việc phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế bao gồm một công ước về lao động cưỡng bức.
Joerg Wuttke - Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc - nói rằng: "Đối với phía châu Âu, đó thực sự là song phương. Đó là một nỗ lực để kết thúc các cuộc đàm phán. Đây không phải là một thỏa thuận chống lại Mỹ ".
Wuttke nói thêm: Các cuộc đàm phán cho thấy "sự cải thiện thực sự trong tiếp cận thị trường" đối với các doanh nghiệp châu Âu và sẽ có "sự cởi mở hơn" trong các ngành như xe điện, năng lượng tái tạo và tài chính.
Bà Li Yongjie - một quan chức về hiệp ước và luật tại Bộ Thương mại - cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, thỏa thuận sẽ cho phép châu Âu đầu tư nhiều hơn vào các ngành dịch vụ và phi dịch vụ, và các lĩnh vực được đề cập như ô tô, bệnh viện và công nghệ thông tin.
"Thỏa thuận cũng cung cấp các cam kết ràng buộc pháp lý khi Trung Quốc tiếp cận thị trường châu Âu" - bà nói.
Theo Dân trí