TKV đổi mới mô hình tăng trưởng
(PetroTimes) - Trước bối cảnh dự báo nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng cao, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã nghiên cứu, đánh giá thực trạng các nguồn lực hiện có, định hướng phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tiễn.
Hiện nay, mỗi năm, TKV sản xuất 35-40 triệu tấn than nguyên khai, chiếm khoảng 85% sản lượng khai thác than của cả nước; nhập khẩu khoảng 6,5-10 triệu tấn than; tiêu thụ 35-45 triệu tấn than thương phẩm. TKV đã và đang đầu tư, áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu sản xuất kinh doanh; tập trung nguồn lực để quy hoạch phát triển mỏ theo tiêu chí “mỏ sạch, mỏ an toàn, mỏ hiện đại”, đồng thời từng bước chuyển mô hình từ “sản xuất than” sang “sản xuất - thương mại than” phù hợp với xu hướng nhập khẩu than ngày càng tăng cao và nhu cầu than phối trộn trong nước.
TKV đầu tư đồng bộ cơ giới hóa trong khai thác than nguyên khai |
TKV xác định phát triển ngành than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, TKV ưu tiên sản xuất than cho nhu cầu trong nước, thực hiện xuất nhập khẩu than hợp lý theo hướng chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.
Mặt khác, TKV đang tập trung phát huy tối đa nội lực (vốn, khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước...) kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế để nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than; áp dụng các giải pháp kỹ thuật và quản lý tiên tiến để giảm tỷ lệ tổn thất trong khai thác than; đầu tư hợp lý cho công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, quản trị tài nguyên, quản trị rủi ro trong khai thác than.
Hiện nay, TKV đã xây dựng mới chiến lược phát triển Tập đoàn gắn với chiến lược phát triển ngành than; nghiên cứu các giải pháp đầu tư khai thác, nhập khẩu than dài hạn tại nước ngoài và dự trữ than phù hợp. TKV đang mở rộng tìm kiếm, thăm dò, đánh giá trữ lượng và tài nguyên, đẩy mạnh thăm dò đến đáy tầng than. Trước mắt, TKV đang hoàn thiện 15 đề án thăm dò với hơn 1 triệu mét khoan, đánh giá trữ lượng than, nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của TKV và ngành than.
TKV đang mở rộng tìm kiếm, thăm dò, đánh giá trữ lượng và tài nguyên, đẩy mạnh thăm dò đến đáy tầng than. Trước mắt, TKV đang hoàn thiện 15 đề án thăm dò với hơn 1 triệu mét khoan, đánh giá trữ lượng than, nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của TKV và ngành than. |
Đồng thời, TKV rà soát, đánh giá, quy hoạch tổng thể về khai thác, vận tải, sàng tuyển, chế biến, nâng cấp hệ thống kho cảng, logistics... bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phát triển bền vững. TKV tích cực đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tăng cường cơ giới hóa - tự động hóa - tin học hóa vào sản xuất. Trước mắt, TKV tập trung thử nghiệm và phát triển cơ giới hóa khai thác than hạng nhẹ, ứng dụng tự động hóa các công đoạn sản xuất và tăng cường áp dụng các phần mềm trong quản lý, điều hành. Mặt khác, TKV thực hiện dự án liên thông các khoáng sàng gần nhau để hình thành các mỏ lộ thiên, hầm lò có công suất lớn (mỏ lộ thiên công suất hơn 3 triệu tấn/năm, hầm lò công suất hơn 2 triệu tấn/năm) đủ quy mô áp dụng đồng bộ cơ giới hóa - tự động hóa - tin học hóa. Đặc biệt, TKV đang tích cực nghiên cứu, lựa chọn công nghệ để thăm dò, khai thác bể than Đồng bằng Sông Hồng.
Cần bổ sung cơ chế chính sách tiền lương để thu hút thợ lò |
ại “Diễn đàn an ninh năng lượng cho phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương - cho rằng, để có thể phát triển ngành than bền vững cần có chính sách nhất quán, cụ thể và minh bạch về trình tự triển khai thực hiện các dự án trong quy hoạch, tránh sự chồng chéo; đồng thời cần đẩy nhanh giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư dự án (thẩm định, phê duyệt, cấp phép...) nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, dự án ngành than theo quy hoạch được duyệt. Mặt khác, cũng cần hỗ trợ phát triển ngành than gắn với bảo đảm an ninh năng lượng thông qua chính sách hỗ trợ đầu tư thăm dò than thích hợp để phát triển tài nguyên than, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, cung ứng và nhập khẩu than.
Bà Ngô Thúy Quỳnh đề xuất một số giải pháp cấp bách: Nghiên cứu thực hiện giá bán than theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên than; xây dựng, triển khai thử nghiệm sàn giao dịch hàng hóa than và chỉ số giá đối với than nhập khẩu. Đặc biệt, phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách tiền lương, chế độ chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội, nhà ở... để thu hút lao động vào làm việc tại các mỏ than nhằm khắc phục tình trạng thiếu thợ mỏ như hiện nay.
Trước yêu cầu mới về phát triển năng lượng đất nước theo định hướng của Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành than đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới phát triển bền vững.
Hiện nay, mỗi năm, TKV sản xuất 35-40 triệu tấn than nguyên khai, chiếm khoảng 85% sản lượng khai thác than của cả nước; nhập khẩu khoảng 6,5-10 triệu tấn than; tiêu thụ 35-45 triệu tấn than thương phẩm. |
Thành Công