Vì sao cổ phiếu dầu khí "dậy sóng"?
Cổ phiếu ngành dầu khí đã có một số phiên "dậy sóng" khi dòng tiền bắt đáy tiếp tục đổ mạnh vào thị trường mỗi khi điều chỉnh giúp các cổ phiếu này tiếp tục tăng trần.
Cổ phiếu PVD tăng trần trong phiên giao dịch ngày 28/12 |
Dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán quá lớn một lần nữa khiến sàn HoSE bị quá tải giao dịch, các lệnh đưa vào thị trường từ 14h ngày 28/12 trở nên khá chậm, khiến giao dịch những phút cuối phiên có phần tẻ nhạt.
Trong phiên giao dịch ngày 28/12, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng thu hút dòng tiền khá tốt với hàng loạt mã tăng mạnh, thậm chí SHS, CTS đóng cửa tăng trần. Nhóm dầu khí cũng "dậy sóng" với hàng loạt mã tăng mạnh như PLC, PGD, PGS, GAS, PVB, PVC, PVD, PXS, OIL, BSR, PVS… trong đó, PVC, PVD, POW, PLC tăng trần.
Nhóm cổ phiếu dầu khí với khối lượng thanh khoản cực lớn, riêng cổ phiếu POW khớp lệnh 27 triệu đơn vị, tăng lên 13.150 đồng/cổ phiếu; Cổ phiếu PVD với 19 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, đóng cửa tăng lên 15.400 đồng/cổ phiếu; Cổ phiếu PVT tăng lên 13.850 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch tăng vọt đạt 865 đơn vị. Riêng cổ phiếu PLC cán mốc 26.000 đồng/cổ phiếu với hơn 2,2 triêu cổ phiếu được khớp lệnh; Cổ phiếu GAS cũng tăng lên 86.900 đồng/cổ phiếu với tổng khối lượng 2,3 triệu cổ được khớp lệnh...
Sở dĩ dòng tiền tìm đến cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam bởi kỳ vọng ở tương lai. Giai đoạn 2021 – 2025, GAS tập trung đầu tư phát triển hệ thống kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), thực hiện mục tiêu trở thành nhà phân phối LNG hàng đầu Việt Nam. Danh mục các dự án lớn của GAS như LNG Thị Vải giai đoạn 1 (giá trị 285 triệu USD, công suất 1 triệu tấn LNG/năm, thời gian đầu tư 2021 - 2023) và giai đoạn 2 (công suất 3 triệu tấn LNG/năm); Kho LNG Sơn Mỹ (giá trị ước tính 1,4 tỷ USD, công suất cả 2 giai đoạn 6 triệu tấn LNG/năm, thời gian đầu tư 2021 - 2024)...
Đặc biệt trong 2020-2024, nguồn cung cạn kiệt từ các mỏ cũ sẽ được thay thế bằng các nguồn mới như mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt từ 2021-2022, khí LNG nhập khẩu từ quý 4/22 và Lô B - Cá Voi Xanh từ quý 4/24. Theo VNDirect, với các nguồn cung mới, GAS sẽ chỉ ghi nhận doanh thu từ vận chuyển khí, không còn phần chênh lệch giữa giá mua – giá bán. Theo đó, tỷ trọng vận chuyển khí trong lợi nhuận gộp của GAS sẽ tăng từ mức trung bình 21% trong 2015-2019 lên trung bình 33% trong 2020-2024. Đây là điều rất đáng lưu ý với các nhà đầu tư.
Đối với cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí, đến cuối tháng 11, phần lớn các công ty con và công ty liên kết của PVD đã hoàn thành kế hoạch cả năm, góp phần giúp doanh thu hợp nhất năm 2020 đạt 5.400 tỷ đồng, tương đương 115,4% kế hoạch cả năm 2020 của doanh nghiệp. Tăng trưởng doanh thu của PVD đến từ 3 giàn thuê và giá cho thuê các giàn tự nâng.
VNDirect kỳ vọng hiệu suất sử dụng các giàn tự nâng của PVD sẽ cải thiện lên mức 80% trong năm 2021 trong kịch bản tích cực nhất với nhiều cơ hội việc làm tại thị trường nội địa như: phát triển mỏ Tê Giác Trắng, thẩm định mỏ Kèn Bầu, các chương trình khoan của Hoàng Long JOC, Cửu Long JOC, JVPC… Do đó, lợi nhuận ròng của PVD sẽ tích cực chủ yếu nhờ vào sự hoạt động trở lại của giàn TAD từ tháng 7/2021, giúp giảm lỗ so với giai đoạn dừng hoạt động năm 2017-2019...
Giá cổ phiếu POW cũng đang có xu hướng tăng |
Hay như cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, trong năm 2020, dù chịu "khủng hoảng kép" do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và giá dầu giảm sâu, nhưng các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của POW đều đạt kết quả tương đối tích cực. Trong đó, sản lượng điện toàn Tổng công ty ước đạt 19.293 triệu kWh; Doanh thu toàn POW ước đạt 30.472 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế toàn POW ước đạt 2.335 tỷ đồng... Tuy nhiên, POW đang gặp khó khăn, thách thức trong việc huy động vốn cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Điều này sẽ làm cho nợ phải trả của doanh nghiệp này tăng khá mạnh.
Đánh giá về triển vọng của nhóm cổ phiếu dầu khí, báo cáo mới đây của VNDIRECT cho rằng, các hoạt động kinh doanh chính của ngành dầu khí như khoan và các dịch vụ liên quan; xây lắp, bảo dưỡng công trình, dịch vụ hỗ trợ; vận chuyển và phân phối khí; lọc dầu đang chịu tác động tiêu cực. Nguyên nhân bởi việc giảm hiệu suất do trì hoãn hoặc phải hủy bỏ các hợp đồng về hoạt động khai thác; nhu cầu giảm kéo theo giá dịch vụ giảm; chi phí đầu vào (dầu thô) giảm không đủ để bù đắp cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm yếu, tồn kho tại cả hai nhà máy lọc dầu tại Việt Nam tăng cao đến mức kỷ lục...
Tuy nhiên, trong năm 2021 ngành dầu khí sẽ phục hồi trở lại. Do vậy, cổ phiếu ngành này có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng và nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ vị thế đầu tư cho mục tiêu trung và dài hạn đối với cổ phiếu ngành dầu khí…
Theo enternews.vn