Nên “nới đất” cho kinh tế tư nhân
Trên thực tế, những can thiệp của Nhà nước vào thị trường phải hướng đến khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết của thị trường.
Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo quyết định về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại giai đoạn 2021-2025. Đây là một trong những định hướng cơ bản cho mô hình sở hữu tài sản doanh nghiệp.
Mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2030 của Việt Nam theo dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Chính phủ, trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. |
Quyết định trên cũng sẽ là một trong những cơ sở quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá DNNN, đồng thời huy động được các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, giai đoạn tới.
Thu hẹp sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp?
Nhận xét về vấn đề sở hữu tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra quan điểm, một số đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế thị trường hiện đại mà Việt Nam cần hướng đến trong giai đoạn sắp tới là phải có chế độ sở hữu tài sản và quyền sở hữu tài sản rõ ràng, minh định. Cho dù, chủ sở hữu tài sản là thể nhân, pháp nhân (công hữu hay tư hữu) đều cần xác định rõ đầy đủ các quyền sở hữu... Đặc biệt trong nền kinh tế này, các chủ thể thị trường độc lập về pháp lý, được tự do quyết định sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, cho ai...
Khi chúng ta tuyên bố với thế giới là đang chuyển sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, đầy đủ, thì chúng ta phải thể hiện nỗ lực của mình. |
Dự thảo Quyết định của Bộ KH&ĐT đã đề xuất phân loại 3 nhóm doanh nghiệp. Thứ nhất là những doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động thuộc 12 ngành, lĩnh vực. Điển hình như: Đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh in; Sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và cung ứng dịch vụ nổ mìn; Dịch vụ không lưu; kinh doanh xổ số; đúc tiền, sản xuất vàng miếng…
Thứ hai là những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có biểu quyết trở lên, hoạt động trong 5 ngành, lĩnh vực, đơn cử như: Quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay; Quản lý, khai thác các cảng biển…
Thứ ba là những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, tổng số cổ phần biểu quyết trở lên, hoạt động trong 9 ngành, lĩnh vực, như: Khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn; Sản xuất hóa chất cơ bản…
Tuy nhiên, một trong những điểm thể hiện tư tưởng chưa thực sự “cởi mở”. Theo Dự thảo này, Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ lĩnh vực bán buôn gạo, nhập xăng dầu... Nếu Nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần tại những ngành này đồng nghĩa với việc vẫn can thiệp vào nó.
TS Cung từng đưa ra cảnh báo, trên thực tế, những can thiệp của Nhà nước vào thị trường phải hướng đến khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết của thị trường. Nếu Nhà nước sở hữu và kiểm soát, thì thị trường sẽ méo mó, không thể vận hành đúng quy luật được.
Tối ưu hoá nguồn lực
Hiện nay, các ý kiến đang tập trung tranh luận về mức độ, phạm vi, và cách thức can thiệp của nhà nước vào thị trường, bởi điều này có thể trở thành lực cản cho sự tự do kinh tế và phát triển thị trường. Kinh nghiệm từ các nước có bối cảnh phát triển hơn hoặc tương đồng cho thấy, tự do kinh tế và thể chế kinh tế thị trường sẽ được thúc đẩy khi giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước.
Chia sẻ với DĐDN, TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị và Chính sách công (Học viện CTQG Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề nằm ở cách thức mà nhà nước sử dụng để can thiệp vào thị trường và nền kinh tế. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, xã hội càng hiện đại thì cơ cấu xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp. Chế độ công hữu và kinh tế nhà nước không nhất thiết giúp giảm bất bình đẳng xã hội.
Ngược lại, việc để nhà nước quản lý các nguồn lực vốn hữu hạn sẽ luôn đối diện nguy cơ trục lợi chính sách bởi các nhóm lợi ích trong xã hội. Nếu điều này diễn ra thì thực chất sẽ làm gia tăng bất bình đẳng xã hội và căng thẳng giữa những nhóm xã hội yếu thế và chính quyền.
Nhưng cũng phải thẳng thắn rằng, mở rộng tự do kinh tế và thị trường giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế chứ không thể giúp chúng ta giải quyết bất bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, thị trường lại có thể giúp giảm bớt căng thẳng hoặc xung đột giữa các nhóm xã hội; hoặc giữa các nhóm xã hội với chính quyền. Bởi sự linh hoạt của thị trường sẽ thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Các quan hệ trao đổi được thực hiện thuận lợi hơn trên cơ sở tự nguyện. Qua đó, sự thịnh vượng của cả xã hội được nâng lên nhanh hơn, trở thành nền tảng để chúng ta thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội.
Theo TS Cung, Nhà nước cần tạo nhiều hơn cơ hội phát triển cho người dân và chỉ đầu tư phát triển vào các vùng, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không làm, hoặc không làm được.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp: Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế và cách thức quản lý theo hướng buộc các DNNN cạnh tranh công bằng và tuân thủ đầy đủ kỷ luật và chuẩn mực thị trường. Đồng thời, các cơ quan đẩy mạnh cơ cấu lại, thoái vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn DNNN. Tiền trình này cần thu hẹp diện doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chỉ giữ mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước đối với một số doanh nghiệp Nhà nước thuần túy cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và khó thu hút đầu tư bên ngoài. Ông Vũ Đức Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam: Cổ phần hoá DNNN là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp, huy động vốn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao sức cạnh tranh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cổ phần hóa không nên được xem như là “giải pháp vàng”. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa sở hữu giúp cải thiện việc ra quyết định của doanh nghiệp, áp dụng các thực tiễn kinh doanh phù hợp hơn và đảm bảo nguồn vốn đa dạng hơn. Cơ hội chỉ có thể hiện thực hóa nếu có được chiến lược, giải pháp cải cách phù hợp. |
Theo enternews.vn