Vì sao Việt Nam dần vươn lên trở thành công xưởng thế giới?
Theo chuyên gia nghiên cứu của Viện Nomura, việc Việt Nam kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã giúp thúc đẩy nỗ lực của quốc gia Đông Nam Á trong việc cạnh tranh để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Bài viết trên Financial Review hôm 9/12 cho biết, căng thẳng về thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với đòi hỏi phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng trước khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã đưa Việt Nam dần vươn lên trở thành công xưởng của thế giới.
Theo tờ Financial Review, việc ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19 cũng giúp Việt Nam thấp dẫn hơn đối với nhiều công ty đa quốc gia, đặc biệt là Mỹ.
Việc ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19 giúp Việt Nam hấp dẫn hơn đối với nhiều công ty đa quốc gia. |
Xu hướng các công ty chuyển dịch sang Việt Nam đã diễn ra từ vài năm trước đây. Ông Rob Subbaraman - Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Viện Nomura nhận xét, xu hướng này đã tăng mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và những bất ổn của kinh tế thế giới trong những tháng gần đây.
"Chúng tôi cho rằng sự chuyển dịch cơ cấu sẽ còn tiếp tục. Trong những năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến dòng vốn đầu tư trong khu vực chuyển dịch từ Bắc Á sang Nam Á nhiều hơn nữa" - chuyên gia Subbaraman nhấn mạnh.
Ông Subbaraman lý giải dựa trên thực tế rằng tại khu vực Bắc Á, trong đó có Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), dân số đang già đi, trong khi quỹ lương hưu ngày càng lớn hơn. “Khi các nền kinh tế giàu có hơn, chi phí tiền lương cũng tăng lên, vì vậy những quốc gia ở Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn” - ông Subbaraman cho hay.
Những đánh giá trên được chuyên gia của Viện Nomura đưa ra trong bối cảnh công ty có trụ sở tại Đài Loan Pegatron - nhà cung ứng linh kiện điện tử cho các hãng công nghệ lớn như Microsoft, Apple và Sony xác nhận kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một khu phức hợp sản xuất tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ, gần TP Hải Phòng.
Pegatron sẽ cùng 2 nhà sản xuất điện thoại iPhone khác là Wistron và Hon Hai Precision Industry mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Trong kế hoạch gồm 3 giai đoạn mà Pegatron công bố, tập đoàn này sẽ chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Foxconn, một công ty quy mô lớn khác của Đài Loan, cũng chuyển nhiều hoạt động sản xuất Apple sang Việt Nam. Reuters trong tháng 11 đưa tin tập đoàn Foxconn sẽ mở rộng nhà máy tại tỉnh Bắc Giang để đáp ứng các dây chuyền lắp ráp mới.
Các nhà quan sát cho rằng những quyết định đầu tư gần đây tại Đông Nam Á cho thấy các cách tiếp cận khác nhau mà các nước trong khu vực áp dụng để thu hút các công ty đa quốc gia.
Bên cạnh đó, các công ty đa quốc gia hiện cũng quan tâm đến sự khác biệt trong cách xử lý dịch bệnh ở mỗi nước. Các chuyên gia nghiên cứu của Viện Nomura nhấn mạnh rằng châu Á đã làm tốt hơn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 so với các nước châu Âu.
Mặc dù Indonesia - một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại khối, có thể sớm tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 do Trung Quốc phát triển, song vẫn ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày đang khiến quá trình phục hồi của nước này xếp sau Việt Nam.
Theo ông Subbaraman, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới vẫn chưa chắc chắn, song châu Á đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng toàn cầu trong năm 2021, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn.
“Châu Á đang có cơ hội thuận lợi nhất để thu hút các dòng vốn đầu tư khổng lồ vào năm tới. Một khi dịch Covid-19 được khống chế hiệu quả, quyết định đầu tư sẽ gia tăng”- chuyên gia Subbaraman cho hay.
Theo Kinh tế & Đô thị