Thúc đẩy đưa sản phẩm “Made in Vietnam” xuất khẩu qua thương mại điện tử
Sở hữu những lợi thế cạnh tranh về sản xuất cũng như thị trường nội địa triển vọng, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Những lợi thế này đã tạo nền tảng vững chắc đưa các sản phẩm Việt vượt ra khỏi những giới hạn địa lý thông thường để tới tay khách hàng quốc tế.
Đây là lý do vì sao đã có sự gia tăng nhanh chóng trong số lượng các doanh nghiệp tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon, bao gồm cả các thương hiệu quốc gia như Trung Nguyên, Biti’s...
Thúc đẩy đưa hàng qua thương mại điện tử |
Theo ông Nguyễn Nguyên, đại diện của Tập đoàn Trung Nguyên, Tập đoàn này mong muốn truyền tải được những giá trị của mình tới khách hàng tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Vì thế, Trung Nguyên quyết định đưa thương hiệu cà phê lên hệ thống cửa hàng của Amazon để tiếp cận nền tảng khách hàng toàn cầu rộng. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược mở rộng quy mô kinh doanh của Trung Nguyên, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế.
Trong khi đó, theo Nhà đầu tư Thái Vân Linh (được biết đến là Shark Linh), một trạng thái “bình thường mới” đang được hình thành cùng với sự chuyển đổi số và chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử. Điều này đã mang lại cho các chủ doanh nghiệp sở hữu thương hiệu và sản xuất hàng “Made in Vietnam” cơ hội mở rộng kinh doanh trên toàn cầu thông qua các trang thương mại điện tử như Amazon.
Tại hội thảo thương mại điện tử trực tuyến với chủ đề “Chắp cánh hàng Việt - Vươn mình thế giới”, diễn ra trong hai ngày từ 8 - 9/12/2020, ông Gijae Seong - Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam đã nhấn mạnh: Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm nay đã đưa đến cơ hội vàng cho người bán hàng chuyển đổi sang hình thức trực tuyến và phát triển kinh doanh toàn cầu.
Trong bối cảnh COVID-19, Amazon hiểu những tác động nặng nề của dịch bệnh đối với người bán hàng và đã làm việc không ngừng để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn. Các cửa hàng của Amazon đã hỗ trợ hàng trăm nghìn doanh nghiệp, bao gồm cả những người bán hàng Việt Nam, duy trì và thậm chí tăng trưởng doanh số bất chấp cuộc khủng hoảng COVID-19. Tiếp nối thành quả này, trong năm 2021, Amazon Global Selling sẽ giữ vững mối quan hệ hợp tác với các cơ quan chính phủ, bộ ban ngành nhằm cung cấp kiến thức thức, mở rộng mạng lưới nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp Việt đưa hàng lên sàn thương mại điện tử.
“Trong năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Amazon Global Selling trên nhiều hoạt động và chương trình huấn luyện đa dạng nhằm tối ưu hóa những lợi ích mà thương mại điện tử xuyên biên giới mang tới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” - Bà Lại Việt Anh - Cục Phó Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (IDEA) chia sẻ.
Được biết, ngay tại hội thảo trực tuyến lần này, Amazon Global Selling công bố sự ra mắt Trung tâm thông tin bán hàng Amazon bằng ngôn ngữ tiếng Việt cũng như chính thức thành lập đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội. Việc này nhằm mục đích tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam trong việc triển khai và quản lý kinh doanh trên Amazon.
Theo Báo Công Thương
Săn hàng giá rẻ với “60 giờ mua sắm trực tuyến” |
Công bố 5 nền tảng điện toán đám mây "Make in Việt Nam" |