Tháng 3/2021, Việt Nam có thêm vắc xin Covid-19 thử nghiệm trên người
Khoảng 3 tháng sau khi sản phẩm vắc xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được tiêm thử nghiệm lâm sàng, ứng cử viên vắc xin tiếp theo dự kiến cũng sẽ bước sang giai đoạn tiêm thử nghiệm trên người.
Chia sẻ về tiến độ nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng Covid-19, TS.BS Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) - cho biết, dự kiến cuối tháng 12, đơn vị này sẽ nộp hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm vắc xin Covid-19 cho Bộ Y tế. Đến đầu năm 2021 sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người.
"Chưa thể khẳng định trước, nhưng hiện tại chúng tôi vẫn đang bám sát theo kế hoạch. Nếu thuận lợi, dự kiến đầu tháng 3/2021 hoặc nhanh nhất là cuối tháng 2/2021, IVAC sẽ tiến hành thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người", TS Thái cho hay.
Trước đó, IVAC đã gửi mẫu vắc xin sang Ấn Độ và Mỹ để thử nghiệm tiền lâm sàng trên chuột.
Theo chia sẻ của TS Thái, hiện IVAC cũng đã sở hữu dây chuyền sản xuất xuất vắc xin cúm đại dịch, có thể sản xuất 30 triệu liều vắc xin/năm, đáp ứng với yêu cầu phục vụ cho toàn dân.
Vắc xin được nghiên cứu tại IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi, quy trình sản xuất tương tự sản xuất vắc xin cúm đại dịch A/H5N1 đã được thiết lập.
Trong cuộc họp báo ngày 5/12, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, ngày 10/12, Công ty NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 của Việt Nam.
Theo ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen, việc tuyển chọn và khám sức khỏe sẽ kéo dài trong 1 tuần. Dự kiến sẽ bắt đầu tiêm từ ngày 17/12. 60 người này sẽ được chia thành 3 nhóm để tiêm thử vắc xin với các hàm lượng khác nhau từ 15mg đến 100mg.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 sẽ kéo dài trong 1 tháng. Giai đoạn 2 sẽ tiến hành thử nghiệm trên quy mô 600 người, thời gian 2-3 tháng, sau đó sẽ thực hiện gối tiếp giai đoạn 3.
Nanogen hiện cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam hoàn thành thử nghiệm tiền lâm sàng, đánh giá tính an toàn và tính miễn dịch của vắc xin trên động vật.
Theo Dân trí