Cần chiến lược cho hạ tầng cảng phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi
Phát triển điện gió ngoài khơi đang là một trong những hướng đi trọng tâm để đảm bảo nguồn an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai và giúp tăng trưởng GDP cho nền kinh tế.
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các nguồn vốn lớn và công nghệ điện gió ngoài khơi từ EU sẽ dễ dàng tham gia phát triển tại thị trường Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội giúp Việt Nam, một đất nước có tiềm năng về gió sẽ sớm trở thành thị trường mới nổi trong khối ASEAN phát triển mạnh về điện gió ngoài khơi và có thể xuất khẩu năng lượng sang các nước trong khu vực.
Cần có quy hoạch không gian biển, chiến lược về hạ tầng cảng phục vụ phát triển điện gió |
Theo các chuyên gia thuộc Tổ chức sáng kiến về chuyển dịch năng lượng (VIET), để có thể thiết lập chuỗi cung ứng trong nước không thể thiếu phần cơ sở hạ tầng cảng chuyên dụng. Trong đó, cảng năng lượng phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi cần được thiết kế đủ khả năng đáp ứng yêu cầu sử dụng cho giai đoạn lắp đặt trang trại điện gió và cung cấp dịch vụ vận hành, bảo trì.
Để đạt hiệu quả kinh tế, cảng phục vụ cho giai đoạn lắp đặt cần chịu được tải trọng tương đương 100 động cơ điện gió (Wind turbine generators – WTGs) có công suất 10 MW mỗi năm. Cảng loại này sẽ phục vụ các công việc lắp ráp các phân đoạn của cột tháp điện gió thành một cột hoàn chỉnh, lưu trữ các tổ hợp Nacelles-Hub và lưu trữ các cánh quạt đơn.
Kho lưu trữ cần cung cấp các dịch vụ thích hợp để tiếp nhận 2 tàu lắp đặt vào cùng một thời điểm, có khả năng chứa đến 6 WTGs hoàn chỉnh trên tàu, điều này cũng có nghĩa là diện tích và tải trọng khu vực cạnh cầu tàu của cảng phải bố trí được các bộ phận của 12 tuabin. Các yêu cầu tối thiểu đối với cảng năng lượng phục vụ cho phát triển điện gió ngoài khơi nên được xem xét bao gồm:
Từ tiêu chí của bảng sơ đồ này, nhóm chuyên gia đánh giá, hiện Việt Nam có 7 hệ thống cảng biển thích hợp, cần nâng cấp thêm, để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đưa vào quy hoạch cảng sử dụng phát triển điện gió ngoài khơi như: Cảng nhà máy đóng tàu Huyndai, Vinashin (vịnh Vân Phong), Cảng Vietsovpetro (Vũng Tàu), Tân Cảng - Cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), Cảng Tiên Sa (TP. Đà Nẵng), Cảng Hạ lưu PTSC (Vũng Tàu), Tân Cảng - Cái Mép (Bà Rịa).
Cảng phục vụ cho giai đoạn lắp đặt cần chịu được tải trọng tương đương 100 động cơ điện gió (Wind turbine generators – WTGs) có công suất 10 MW mỗi năm |
Các cảng này cần phải nâng cấp khả năng chịu lực khu vực bờ cảng và khu vực kho hàng hoặc chiều sâu cũng như chiều rộng của khu vực cảng.
Nhận định về những khó khăn còn tồn tại Nhóm chuyên gia đã chia sẻ; với các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã ban hành như Nghị quyết 55 - NQ/TW về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 36 về phát triển năng lượng tái tạo biển, điện gió ngoài khơi, năng lượng sóng, thủy triều và hải lưu.
Việt Nam cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các năng lượng biển khác.
Cùng với đó là xây dựng, cập nhật hệ thống chính sách giá mua điện, đấu nối lưới điện quốc gia, chính sách thuê mặt biển, chính sách thuế cacbon của quốc gia. Trong đó kế hoạch xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật về cảng năng lượng phục vụ cho phát triển điện gió ngoài khơi cũng rất quan trọng.
Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng; mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết và văn bản khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Nhưng, so với quy mô đầu tư, điện gió ngoài khơi cần vốn đầu tư cao gấp nhiều lần dự án điện gió trên bờ. Trong khi đó, hiệu quả đầu tư lại phụ thuộc vào hiệu suất gió qua các mùa. Điều kiện thi công trên biển không hề dễ dàng, thậm chí rủi ro lớn nếu gặp thời tiết bất lợi. Chính vì vậy, rất cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp