Vì sao ngân hàng chuộng cho vay BT và BOT?
Đầu tư dự án hạ tầng giao thông BT và BOT thường được các ngân hàng ưu tiên cho vay trung và dài hạn.
Nhiều ngân hàng đã đổ mạnh vốn vào các dự án BT và BOT. (Trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Nam) |
Tài sản thế chấp đảm bảo các khoản vay thường dựa trên cơ sở chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thế chấp quyền thu giá Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT– nghĩa là thế chấp quyền tài sản bằng chính dự án.
Một chuyên gia cho biết thỏa thuận thế chấp thường bao gồm toàn bộ quyền tài sản nhưng không giới hạn quyền thu phí và toàn bộ nguồn thu từ các trạm thu phí, quyền tiếp nhận hạng mục đầu tư cũng như tài sản, công trình thiết bị….
Với các dự án hạ tầng giao thông, bản chất của hạ tầng là của công, song dự án là tài sản được công nhận (quyền đầu tư) của doanh nghiệp. Do đó, vị này cũng cho rằng ở góc độ định giá tài sản, nó có giá trị khá “bền vững” cho dù cả trong trường hợp doanh nghiệp bị đổ vỡ, chậm trễ dự án BOT, thì giá trị tài sản thế chấp thường không mất đi mà ngân hàng thậm chí còn yên tâm vì vẫn còn quyền xử lý tài sản thế chấp (còn nguyên tài sản). Đây là yếu tố số 1 khiến ngân hàng yên tâm cho vay các dự án hạ tầng giao thông BT và BOT.
Bên cạnh đó, các dự án này thường có vốn đầu tư lớn. Điều này giúp ngân hàng không phải tốn thời gian thẩm định, nên sẽ tiết giảm chi phí thẩm định. Bản thân các doanh nghiệp đầu tư BT và BOT, không phải đại doanh nghiệp thì cũng có “máu mặt”, và cũng có quan hệ tín dụng ở dự án bất động sản khác cùng ngân hàng… Đó là những lý do khiến ngân hàng dễ dàng hỗ trợ cho vay đầu tư dự án hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, do tác động của COVID-19, Chính phủ đang chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công làm đòn bẩy lan tỏa hiệu ứng đầu tư ra mọi lĩnh vực, ngành nghề khác. Điều này có tính ngắn hạn nhưng cũng là xúc tác cho các ngân hàng ưu tiên tín dụng cho BT và BOT.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp