Nhân lực chất lượng cao là yếu tố cho mọi sự phát triển
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhìn nhận phát triển con người là nền tảng cốt lõi, cũng là mục tiêu cao nhất của phát triển kinh tế, là yếu tố nhân cho mọi sự phát triển.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay ngày càng chủ động, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thì những quy chuẩn, tiêu chuẩn về lao động việc làm cũng phải đáp ứng được chuỗi phân công lao động diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Phát triển con người là nền tảng cốt lõi, cũng là mục tiêu cao nhất của phát triển kinh tế, là yếu tố nhân cho mọi sự phát triển. |
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động rộng khắp, sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Những công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT)… tạo ra những phương tiện, phương thức sản xuất, giao tiếp, sinh hoạt chưa từng có trong lịch sử loài người; thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức, quản trị, quản lý,… hoàn toàn mới.
Để đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhìn nhận phát triển con người là nền tảng cốt lõi, cũng là mục tiêu cao nhất của phát triển kinh tế, là yếu tố nhân cho mọi sự phát triển.
Một trong những nguyên nhân Việt Nam hầu như chưa làm chủ được các công nghệ lõi để phát triển công nghiệp, mà phần lớn phải nhập khẩu là do nhân lực cho nghiên cứu và phát triển công nghệ còn mỏng, nhất là những lĩnh vực công nghệ mới của CMCN 4.0 như kỹ thuật số và công nghệ thông tin, tự động hóa (blockchain, AI, Big Data…).
Kèm theo đó là hạ tầng cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, thử nghiệm để thúc đẩy tay nghề nhân lực.
Bên cạnh đó là thiếu vắng các doanh nghiệp công nghệ, nơi có thể chuyển hóa các tri thức, tích hợp với các kỹ thuật hiện có, tích hợp với nhu cầu của thị trường để tạo nên các ứng dụng mới, sản phẩm mới (đặc biệt thiếu doanh nghiệp trong nước).
Do đó, dự thảo xác định nguồn nhân lực phải chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế. Trong đó chú trọng tập trung nhân lực chất lượng cao cho các ngành then chốt của nền kinh tế để tạo sự bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực.
Thế nhưng, sự phát triển của người lao động Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Nam hiện đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 56 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Nguồn lao động này được đánh giá là thông minh, chịu khó, thích ứng nhanh với công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lực lại đang có vấn đề bởi khoảng gần 4/5 lực lượng lao động chưa qua đào tạo.
Nếu không tận dụng tốt lực lượng lao động này sẽ nhanh chóng bước qua giai đoạn dân số vàng và đánh mất cơ hội này.
Nhưng một vấn đề cấp thiết hiện nay là chưa có quy hoạch dự báo nguồn nhân lực và gắn với nó là việc đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Hiện tại nhà trường thường đào tạo theo khả năng mà chưa gắn với nhu cầu thực tế của xã hội và thị trường. Còn sinh viên đăng ký ngành học hiện nay chủ yếu là tự phát, dựa trên năng lực, sở thích, kinh tế gia đình hay dự đoán thị trường lao động. Điều này đang gây ra sự thừa thiếu cục bộ về nguồn nhân lực của nền kinh tế.
Chưa kể, chất lượng đào tạo mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ chiếm 0,33% GDP, chỉ bằng 1/10 đến 1/15 của sinh viên các nước phát triển. Bên cạnh đó, 60 - 80% người lao động được đào tạo vẫn phải đào tạo lại mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp…
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp