Người làm điện Quảng Nam trong mùa bão lũ
(PetroTimes) - Đến giờ này, hình ảnh hai anh công nhân của Điện lực Tam Kỳ trong bộ quần áo màu cam, ướt đẫm mồ hôi, đèo nhau trên chiếc xe máy đi kiểm tra các tuyến đường dây giữa trời tối mịt, trong đêm đầu tiên khi bão số 9 đổ bộ vào Quảng Nam vẫn còn im đậm trong tâm trí tôi. Bất chợt tôi nhớ đến lời nói của anh Phó Giám đốc Điện lực Tam Kỳ: "Tối nay, chúng tôi chỉ làm đến 22h00 khuya, dưỡng sức cho anh em để ngày mai còn tiếp tục công việc". Không những Điện lực Tam Kỳ mà tất cả các Điện lực của PC Quảng Nam đã đồng loạt ra quân, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ đóng điện lại cho người dân sau bão.
Công nhân khắc phục lưới điện tại xã Phước Sơn - Quảng Nam |
Bão số 9 đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam trong ngày 28/10/2020, mọi thứ khó khăn như chất chồng trên lưng người dân và cả CBCNV ngành điện. Bởi lẽ, chỉ trong 01 tháng (từ giữa tháng 9 đến tháng 10), đã có liên tiếp có 4-5 cơn bão, lụt trên địa bàn, làm thiệt hại nghiêm trọng hệ thống lưới điện cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Cơn bão số 5 tuy không mạnh nhưng đã làm hệ thống lưới điện các huyện miền núi bị thiệt hại nặng, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn do giao thông chia cắt. Phải mất hơn 01 tuần làm việc cật lực, ăn uống, nghỉ ngơi tạm bợ, các "chiến sĩ áo cam" của huyện Tây Giang mới hoàn thiện cơ bản hệ thống lưới điện.
Chưa được nghỉ ngơi lấy lại sức thì áp thấp nhiệt đới và bão số 6 lại đến, kéo theo hệ thống lưới điện toàn tỉnh cũng bị tê liệt. Để đảm bảo an toàn, Công ty phải sa thải phụ tải, tăng cường nhân lực đi kiểm tra, tuyệt đối đảm bảo an toàn mới đóng điện lại có người dân. Nhiều vị trí cột điện, ngành điện mới chỉ khắc phục tạm thời, đóng điện lại cho người dân và sẽ tiếp tục xử lý kiên cố trong thời gian đến. Nhưng bão này chưa xử lý xong thì bão số 9 lại tiếp tục ập tới, những người làm điện Quảng Nam lại "gồng mình" để ứng phó.
Công việc khắc phục bão lụt diễn ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt |
Không nằm ngoài dự đoán, bão vừa tan cũng là lúc hệ thống lưới điện trên địa bàn bị tê liệt hoàn toàn, gần 100% khách hàng mất điện. Từ lãnh đạo Công ty đến các đơn vị đã có những buổi họp triển khai phương án khắc phục sự cố hết sức khẩn trương. Theo phương châm "bốn tại chỗ", các nhóm công tác nhanh chóng tăng cường tỏa đi nhiều hướng để kiểm tra và lên phương án cấp điện, ưu tiên nhất vẫn là khu trung tâm hành chính của các thành phố, huyện, thị xã. Đến 7h00 sáng ngày hôm sau (29/10), PC Quảng Nam đã đóng điện lại cho hầu hết các trung tâm hành chính, bệnh viện, nhà máy nước... của các thành phố, huyện, thị xã.
Cũng như anh em đang ngoài hiện trường, không khí tại Phòng Điều độ cũng khẩn trương không kém. Các Điều độ viên thay nhau nghe điện thoại, lệnh "đóng", "cắt" được hô vang. Các điều độ viên làm việc rất căng thẳng, việc ăn uống lấy sức diễn ra nhanh chóng để tập trung thời gian cho công việc. Ban giám đốc cũng có mặt túc trực tại Phòng Điều độ để nghe báo cáo tình hình đóng điện. Công tác hậu cần cũng thực hiện chu đáo để giúp những anh em trực tiếp yên tâm công tác. Mỗi bộ phận đều vận hành "hết công suất" trong ngày bão.
Làm xuyên đêm cho kịp tiến độ công việc |
Lưới điện toàn tỉnh bị thiệt hại, mất quá nhiều, làm thế nào để đóng điện lại nhanh nhất khi lực lượng trong tay còn quá mỏng? Trước tình hình đó, chia sẻ với PC Quảng Nam, lãnh đạo Tổng công ty, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có lệnh điều động đội xung kích từ các Công ty Điện lực Đà Nẵng, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng và Công ty Dịch vụ Điện miền Trung đến hỗ trợ. Trung bình mỗi ngày trên hiện trường công tác của tỉnh Quảng Nam có từ 800-900 công nhân, kỹ sư và nhiều thiết bị máy móc hoạt động hết công sức.
Cũng giống như công nhân của PC Quảng Nam, các đơn vị bạn đến giúp Quảng Nam trong tâm thế nhiệt tình hết mình, làm bất kể ngày đêm; có ngày làm việc đến 23h00 khuya mới nghỉ ngơi. Nhìn các anh em công nhân thực hiện công việc ngoài hiện trường giữa thời tiết mưa gió, ăn vội bát mì tôm, hộp cơm khi đã quá bữa để lấy sức mà tiếp tục công việc, người dân các khu vực gần đó cũng đều rất thương cảm. Nhiều người đã mang nước, sữa, bánh mời đội xung kích ngoài hiện trường. Những hành động nhỏ như vậy đã làm ấm lòng những "chiến sĩ áo cam", tiếp thêm sức mạnh để họ nỗ lực với công việc đóng điện lại cho dân.
Công việc thao tác trên lưới là những việc hàng ngày, thường xuyên của công nhân, nhưng theo anh Đỗ Văn Duy - công nhân đội xung kích của PC Gia Lai: "Việc khắc phục hậu quả bão lụt vất vả hơn vì khối lượng nhiều, hầu hết lưới điện nằm ở những vị trí khó thao tác, xử lý, lại đòi hỏi thời gian gấp gáp. Song vì tinh thần trách nhiệm và mỗi lần đóng điện đến đâu, người dân vui mừng nói vang "cảm ơn" đến đó, chúng tôi có thêm động lực để làm việc, vượt qua khó khăn".
Nghề nào cũng vất vả, nhưng chỉ có tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc mới có thể giúp các anh em vượt qua nhiều khó khăn như vậy. Bởi lẽ, nhiều khi nghe các anh em tâm sự, đâu đó là cả sự hi sinh: bão lụt người ta ở nhà lo cho gia đình, chèn chống nhà cửa; còn anh em công nhân ngành điện phải túc trực tại cơ quan và ra hiện trường để lo cho lưới điện, nhà cửa cũng đành gác lại. Cũng may, vợ, con, gia đình rất hiểu và thông cảm cho tính đặc thù của nghề điện, đã làm "hậu phương" vững chắc để chúng tôi yên tâm công tác.
Nhiều phương tiện máy móc được huy động hỗ trợ công việc |
Việc khắc phục hậu quả bão lụt diễn ra với tiến độ khẩn trương, mỗi ngày trôi qua, từng km đường dây được khắc phục xong, số khách hàng có điện tăng dần lên, niềm vui của người làm điện như được nhân lên mỗi ngày. Sau 5 ngày, PC Quảng Nam đã đóng điện được 95% lưới điện, vẫn còn 5% ở những nơi sạt lở, giao thông chia cắt. Công nhân PC Quảng Nam vẫn tiếp tục hoàn thiện lưới điện ở những chặng cuối cùng nhưng không dễ dàng vì hầu hết lưới điện còn lại đều nằm ở những vị trí khó cộng thêm vào đó những ngày sau bão số 9, mưa liên tục nên công nhân điện phải rất vất vả để di chuyển và khắc phục sự cố.
Ăn vội hộp cơm tại hiện trường |
Khi việc khắc phục bão số 9 vẫn còn dang dở thì cơn bão số 13 lại ập đến, Quảng Nam trong vùng ảnh hưởng của bão, có gió mạnh và mưa lớn. Bão chồng bão, lũ chồng lũ và áp lực công việc càng nặng nề hơn trên vai những người thợ điện. Phải nói rằng, chưa năm nào trên địa bàn Quảng Nam cũng như các tỉnh miền Trung lại chịu những hậu quả thiên tai nặng nề như thế.
Nhưng dù trong khó khăn thì tinh thần và thái độ làm việc của những người công nhân điện xứ Quảng vẫn kiên cường như chính mảnh đất họ đang sống. Những ngày mưa bão có lẽ sẽ còn kéo dài, chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin cCBCNV PC Quảng Nam sẽ nỗ lực, đoàn kết cùng nhau vượt qua, quyết tâm cùng giữ vững dòng điện sáng trên quê hương Quảng Nam./.
Bội Uyên (EVNCPC)