Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt các thầy giáo, cô giáo dân tộc thiểu số
(PetroTimes) - Ngày 16/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt các thầy cô giáo dân tộc thiểu số tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức, nhằm ghi nhận những cống hiến bền bỉ của thầy cô giáo đang công tác ở các trường học điểm lẻ thuộc các huyện khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số…
Qua 5 năm triển khai, Chương trình đã tuyên dương 279 giáo viên “bám bản” tiêu biểu, đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Năm nay, chương trình tổ chức tuyên dương 63 giáo viên người dân tộc thiểu số. Các thầy cô không quản ngại điều kiện công tác khó khăn, gian khổ, quyết tâm mang con chữ đến với học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trò chuyện tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn các thầy cô giáo, trong đó có các thầy cô người dân tộc thiểu số, vượt qua rất nhiều khó khăn để chăm lo cho các em học sinh thân yêu.
Phó Thủ tướng khẳng định: Phát triển giáo dục thì đất nước mới phát triển. Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục-đào tạo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng diện chính sách.
Những ý kiến tâm huyết với mong ước “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đã làm cuộc gặp mặt trở thành “hội nghị” bàn về những công việc có thể làm ngay để đồng hành với các thầy cô giáo chia sẻ khó khăn với học sinh và phụ huynh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ “5 điều ước” được các thầy cô nhắc đến nhiều nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn trong thời gian tới sẽ có phong trào “5 điều ước” để kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ thiết thực cho các điểm trường còn khó khăn, thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đó là các trường, điểm trường chưa có điện sẽ có điện, dù là điện lưới hay điện mặt trời; được phủ sóng điện thoại để tạo điều kiện cho các thầy cô sử dụng, cập nhật bài giảng, kiến thức giảng dạy mới; hỗ trợ học sinh ở các điểm trường xa có bữa ăn trưa; có đủ sách vở đồ dùng dạy học, nhất là bằng tiếng dân tộc; xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.
63 thầy cô giáo dự cuộc gặp mặt sẽ trở thành những đại sứ đầu tiên của phong trào “5 điều ước”, để lan tỏa xuống bên dưới. Phong trào này sẽ trở thành một phân hệ của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, qua đó tất cả các trường, trước hết ở những vùng khó khăn, nói lên những “điều ước” rất cụ thể dựa trên điều kiện thực tế tại đơn vị mình, từ đó có cơ chế kết nối với những sự hỗ trợ nhằm biến “5 điều ước” trở thành hiện thực.
P.V