Phát triển năng lượng tái tạo (Kỳ IV): "Đánh thức" những dòng điện mới
Lĩnh vực điện sinh khối và điện rác không chỉ tạo thêm nguồn điện cho phát triển kinh tế mà còn góp phần giải quyết bài toán môi trường theo định hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Chính phủ.
Cách đây hơn 10 năm ở Việt Nam, trấu, rơm rạ, bã mía... hoặc phải trôi dạt trên những dòng sông gây ô nhiễm hoặc chỉ được tận dụng tạm bợ vào một số mục đích, thì nay, chúng đang được xem là nguồn nhiên liệu tiềm năng để cho ra đời những dòng điện mới.
Dự án sản xuất điện của Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) tại Khu liên hợp Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP. HCM, công suất 500 tấn/ngày. |
Khi rơm rạ, trấu, rác thải… được tái sinh
Chia sẻ tại “Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, GS Nguyễn Lân Dũng –Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường – UB TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho biết, “chúng ta nói nhiều tới năng lượng mặt trời, năng lượng gió – đây là những nguồn năng lượng mới nhưng không nên bỏ qua một dạng năng lượng tích cực là sinh năng - năng lượng sinh khối”, GS Dũng cũng nhấn mạnh, “chúng ta nên cân nhắc thêm việc sử dụng rác làm nguyên liệu sản xuất điện. Chuyển hóa rác phải theo con đường sinh học theo hướng vi sinh vật, không theo hướng đốt gây ô nhiễm”.
Theo Quy hoạch điện VII, mục tiêu đến năm 2025 và 2030 nguồn năng lượng sinh khối chiếm 1,2% và 2,1% tổng sản lượng điện quốc gia, tương ứng công suất 1.200 MW và 3.000 MW. Trong khi đó, sáu tháng đầu năm, công suất điện sinh khối nối lưới của Việt Nam đạt khoảng 350MW, tương đương 50% mục tiêu của năm 2020.
Hay như rác thải đang là một thảm hoạ với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam thì điện rác là bước tiến vượt bậc về công nghệ, biến rác thải thành tài nguyên. Theo TS Mai Huy Tân – Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (VIDEBRIDGE), nhà máy điện rác sẽ từng bước thay thế công nghệ chôn lấp rác. Các bãi rác cũ sẽ được hoàn nguyên thành công viên cây xanh hoặc đất sản xuất công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, không khí, nước mặt, nước ngầm. Ngoài ra, còn có thể cung cấp năng lượng xanh tái chế và tái sử dụng vật liệu hữu ích được phân loại từ rác.
Khuyến khích đầu tưTrên thực tế, điện sinh khối và điện rác đang được nhà nước khuyến khích đầu tư và có nhiều cơ chế ưu đãi. Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính đã đề cập rất sâu đến việc phát triển năng lượng điện rác, ưu tiên phát triển, áp dụng công nghệ mới. Và mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định để thúc đẩy các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn phát triển.
Đối với điện sinh khối, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08/2020/QĐ-TTg ngày 5/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Trong đó, giá mua điện được điều chỉnh từ 1.641đồng/kWh lên 1.968 đồng/kWh.
Đây được xem là cơ chế giá điện cao nhất hiện nay tại Việt Nam đối với một loại năng lượng tái tạo tích cực có tiềm năng lớn này. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển điện sinh khối, theo ông Phạm Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1, ngoài cơ chế về giá, Chính phủ cần gỡ vướng các quy định, thủ tục đầu tư, hướng dẫn cụ thể việc bổ sung các dự án điện sinh khối theo Luật Quy hoạch.
Theo Enternews.vn