Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng ngày thay đổi cuộc sống. Việc chuyển đổi số đã trở thành cấp thiết đối với mọi doanh nghiệp trong sự cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển.
Đó là chia sẻ của TS Bùi Quang Tuyến – Chuyên gia cao cấp, giám đốc học viện Viettel trong Tọa đàm “chuyển đổi số trong phát triển tổ chức và quản lý chất lượng dịch vụ doanh nghiệp” do chi nhánh VCCI Hải Phòng và Đại học Ngoại thương Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 11/11 vừa qua.
Tiến sĩ Bùi Quang Tuyến - Giám đốc Học viện Viettel trong buổi Tọa đàm “chuyển đổi số trong phát triển tổ chức và quản lý chất lượng dịch vụ doanh nghiệp”. |
Theo đó, tham dự buổi tọa đàm có đại diện một số sở ban ngành thành phố, đại diện lãnh đạo chi nhánh VCCI Hải Phòng và hơn 50 giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng. Về phía đơn vị tổ chức, TS Bùi Quang Tuyến – chuyên gia cao cấp, Giám đốc học viện Viettel cùng với chuyên gia kinh tế Trần Kiên Dũng là những diễn giả chính trong hội thảo.
Ông Tuyến cho rằng, đây chính là khái niệm được ra đời trong thời đại bùng nổ của Internet, và nó đang dần trở nên phổ biến rộng rãi trong thời gian gần đây. Trên thực tế, chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, không phân biệt quy mô hay ngành nghề để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.
Lối vận hành sản xuất kinh doanh truyền thống đang trở nên phức tạp, rườm rà và kém hiệu quả. Chuyển đổi số sẽ là việc tư duy lại cách thức tổ chức con người, quy trình và công nghệ để tạo ra giá trị mới. Điều này đã cho thấy, việc chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với sự tồn tại của mỗi doanh nghiệp trong thời đại ngày nay. Và dĩ nhiên, bất cứ doanh nghiệp nào chọn cách “đi ngược” xu hướng quan trọng này đều có nguy cơ tụt hậu và thất bại.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tuyến nhận định, mặc dù đại dịch COVID-19 đã khiến cho nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam đang ở vào giai đoạn khó khăn, nhưng ở một góc nhìn tích cực, chính nó cũng đang thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng của công nghệ và tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.
Chuyển đổi số liệu có là xu hướng tất yếu, bắt buộc các doanh nghiệp Việt phải chuyển mình theo thời cuộc? |
Theo ông Tuyến, thời điểm này đang mở ra các cơ hội kinh doanh và những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chưa từng có, chẳng hạn như thương mại mạng xã hội (Social Commerce), thương mại phát trực tuyến... Điều này Không chỉ thay đổi về đối tượng kinh doanh mà đến cả phương thức và cách thức tổ chức kinh doanh ở thời kỳ này cũng thay đổi, đặc biệt ở hai mảng quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp.
"Đây chính là thời điểm để thay đổi tư duy truyền thống trong quản trị nói chung và chiến lược doanh nghiệp nói riêng. Và bên cạnh đó là sự xuất hiện của cơ hội mới, những mô hình kinh doanh và cách tiếp cận khách hàng hoàn toàn mới”, giám đốc học viện Viettel chia sẻ.
Cũng theo ông Tuyến, chuyển đổi số trong doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là việc chuyển đổi tổ chức, cơ cấu mà còn là sự tái cấu trúc cách thức hoạt động để tạo ra những cơ hội mới và giá trị mới cho doanh nghiệp.
Tọa đàm “chuyển đổi số trong phát triển tổ chức và quản lý chất lượng dịch vụ doanh nghiệp” tại Hải Phòng. |
Có thể thấy, các doanh nghiệp quốc tế hiện nay cũng đang dần hoàn thiện xu hướng chuyển đổi số một cách nhanh chóng nhất.
Grab – một ứng dụng gọi xe đang hoạt động rất mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Họ bắt đầu chuyển đổi số bằng cách lắp đặt định vị hành trình để theo dõi vị trí của tài xế sau đó chuyển từ đặt xe bằng cuộc gọi sang đặt online và tiếp đó là tạo ra một App tự động để tài xế gặp trực tiếp khách hàng.
Bên cạnh đó, người ta có thể nhìn thấy sự chuyển đổi số rõ nét ở sự thay đổi của Netflix – một dịch vụ cho thuê băng, đĩa từ những ngày đầu thành lập tại Los Gatos, California, Mỹ vào năm 1997.
Khởi đầu bằng mô hình kinh doanh “cho thuê” bằng việc cho phép khách hàng thuê video bằng cách chọn trực tuyến, Netflix chuyển đĩa băng đó đến thẳng hộ gia đình của họ bằng đường bưu điện. Và chỉ một năm sau, họ đã chuyển từ việc cho thuê đơn lẻ từng đĩa DVD thành đăng ký thuê trực tuyến và trả phí theo tháng (subscription). Bước đi này của Netflix là một sự đột phá táo bạo trong thời điểm đó.
Và thời điểm này, họ là một dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu trên toàn cầu với nền tảng chiếu phim trực tuyến có sử dụng các công cụ BigData và AI để giới thiệu phim cho người dùng. Netflix hiện được coi là nền tảng xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới, với 20,6 tỷ USD doanh thu trong năm 2019 và sở hữu hơn 100 triệu khách hàng trên toàn thế giới.
Có thể thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra cho mỗi doanh nghiệp Việt Nam thời điểm này những thách thức rất mới, để tồn tại, duy trì và phát triển trong thời đại công nghệ thay đổi các doanh nghiệp cần phải có sự thay đổi về nhận thức và tư duy. Nếu chậm chân trong cuộc đua chuyển đổi số, họ có thể nhanh chóng bị đào thải, nhường chỗ cho những cá thể linh hoạt và nhạy bén hơn.
Theo Enternews.vn