Doanh nhân Võ Quan Huy và hành trình đưa chuối Việt... xuất ngoại
Hơn 20 lần đổi giống cây thất bại, 40 năm kiên trì với nông nghiệp đã làm nên thành công của ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An.
Ông Võ Quan Huy (Út Huy, Huy Long An) là doanh nhân sở hữu và canh tác khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp ở 6 tỉnh, từ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tới cao nguyên Lâm Đồng. Ông được xem là đại diện cho thế hệ nông dân "lái xe hơi" thăm đồng, khác với thế hệ lái máy cày hay con trâu trước đây.
Chia sẻ về những khó khăn trong làm nông nghiệp, ông Huy cho biết: Làm nông nghiệp phải chịu rủi ro cao về thiên tai, biến đổi khí hậu, thị trường trong khi đó hiệu quả nông nghiệp lại thấp… Để nuôi khát vọng làm giàu, trong hơn 40 năm làm nông nghiệp thì hơn 20 lần ông đã thay đổi cây con để khắc phục các yếu kém, khó khăn để vươn lên.
Hơn 20 lần đổi giống cây thất bại, 40 năm kiên trì với nông nghiệp đã làm nên thành công của ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An. |
Khi được hỏi về những tháng ngày mới bắt đầu khởi nghiệp, ông Huy nói đó là một chặng đường dài: "Ngày đó nào đâu có khái niệm start-up như bây giờ, chỉ nghĩ là khổ quá rồi thì phải tìm cách thoát nghèo thôi".
14 tuổi với thân hình gày còm, đen nhẻm, cậu bé Võ Quan Huy lúc đó đã ôm vô lăng chiếc máy cày hiệu Massey Ferguson đi khắp xóm để cày thuê. Ông trở thành trụ cột chính trong gia đình khi ba mất sớm, hai anh đi chiến trường, nhà chỉ còn mẹ và các chị gái. Trong lòng chàng trai trẻ khi ấy luôn ấp ủ giấc mơ đổi đời.
23 tuổi, lần đầu tiên trong đời, ông Huy quyết định đi đến một miền đất mới cách nhà hơn 100 km để khai hoang lập nghiệp bằng cây mía. Tuy nhiên, trận lụt năm ấy khiến 10 ha mía chìm trong biển nước.
Không nản lòng cùng với việc nắm bắt được thời cơ, trong khi những người nông dân bỏ ruộng đồng đi nơi khác làm ăn thì ông quyết định làm lại trên mảnh đất chết - mảnh đất không trồng cây gì được ngoài đước và tràm. Thế rồi những vựa mía mới dần nảy mầm, mang lại hy vọng cho ông.
Chàng trai đen nhẻm năm nào giờ đã làm giàu được trên chính mảnh đất mình từng đi cày thuê. Cái tên Huy "mía" ra đời cũng từ những ngày đó.
Sau mía, người đàn ông khi ấy tròn 50 tuổi bắt tay trồng thêm ớt, dưa hấu, xoài, mãng cầu, nuôi tôm, bò... Đối với ông Huy, mỗi lần bắt đầu nuôi trồng một thứ gì mới, đó đều là một lần khởi nghiệp.
60 tuổi, trở thành tỷ phú nhưng ông chưa nghĩ tới việc dừng lại. Ông bắt đầu nghĩ đến trồng chuối khi hiệp định TPP được bàn thảo, nhen nhóm cơ hội cho xuất khẩu sang các nước châu Á - Thái Bình Dương.
“Tôi chọn cây chuối vì hàng năm kim ngạch của các nước nhập khẩu rất cao, 15 - 17 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là nước nhập một năm trên 1,2 triệu tấn, Hàn Quốc, Trung Quốc trên 1 triệu tấn chuối”, doanh nhân họ Võ chia sẻ.
Nhật Bản, Hàn Quốc lại không trồng được chuối nên đây là 2 thị trường chủ lực mà ông Huy nhắm tới. Ông lặn lội sang Philippines để học hỏi kinh nghiệm của đất nước xuất khẩu chuối nhiều nhất trên thế giới và mời chuyên gia Nhật Bản về giám sát.
Ngày nay, cây chuối được ông Huy trồng VietGap, có mã vùng trồng, mã xuất khẩu, tiếp tục sẽ làm GlobalGAP. |
“Tôi trở lại Philippines để tham quan học hỏi. Tôi mất 3 ngày gặp 3 nông dân trồng chuối và bị thuyết phục hoàn toàn. Tôi mời chuyên gia Frederick I. Silvero, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chuối từ Philippines về tư vấn", ông Huy nói.
Không có nhiều nông sản của Việt Nam vào được thị trường khó tính này, vì thế, để có thể chinh phục được, ông Võ Quan Huy đã áp dụng tiêu chuẩn Nhật Bản vào trong sản xuất ngay từ những bước đầu. Ông đốc thúc công nhân tuân thủ nghiêm ngặt “quy trình trồng chuối công nghiệp” từ xử lý thuốc bảo vệ thực vật đến xây dựng hệ thống canh tác, đường cáp thu hoạch, vận chuyển chuyên dùng, nhà đóng gói, kho bảo quản...
Hàng trăm công nhân được huấn luyện, chỉ dẫn kỹ càng để chăm sóc chuối theo ”hướng hữu cơ” để đảm bảo một quy trình sản xuất chuối sạch, năng suất cao nhằm kịp thời đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới ngay hiện tại và tương lai.
Trồng chuối từ năm 2014, đăng ký thương hiệu Fohla (Fruit of Huy Long An) từ giữa năm 2015, đến 2016 công ty xất khẩu được 4.000 tấn. Trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm 40%, còn lại là thị trường Trung Quốc và lân cận. Không chỉ vậy, các thương gia ở Dubai đã tìm về tận vườn của ông Huy kiểm tra, đánh giá và ký một số hợp đồng dài hạn để đưa FOHLA có mặt tại các nước thuộc khu vực Trung Đông.
Để khai thác thị trường chuối thành công, theo tôi có 3 yếu tố để gây dấu ấn cho khách hàng đó là nhà ủ phân bò, đường cáp tải chuối và nhà đóng gói, kho trữ lạnh đúng tiêu chuẩn”, ông chủ thương hiệu chuối FOHLA chia sẻ.
Nói về niềm đam mê với cây chuối, ông chia sẻ: “Tôi bị ám ảnh bởi mùi thơm của vỏ chuối, lá chuối hay độ dẻo của chuối chín, thậm chí tiếng gió trong vườn chuối cũng rất hay”, ông cười và cho biết, thích chuối là vậy, nhưng ông chỉ đầu tư vào loại cây trồng này từ năm 2014, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được mọi người lưu tâm. Nghiên cứu thông tin, ông nhận ra đây cũng là cơ hội của nông sản Việt Nam nói chung và mặt hàng chuối nói riêng trong việc tham gia vào câu chuyện hội nhập.
Ngày nay, cây chuối được ông Huy trồng VietGap, có mã vùng trồng, mã xuất khẩu, tiếp tục sẽ làm GlobalGAP. "Tất cả các loại cây trái tui trồng, con bò ông nuôi cũng vậy, phải lên GlobalGAP để xuất khẩu được sang những thị trường “khó tính", ông Huy chia sẻ.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp