7 nguyên tắc phòng ngừa ung thư mà ai cũng có thể thực hiện
1/3 số bệnh ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và cùng với điều trị chăm sóc hỗ trợ sẽ làm tăng chất lượng sống cho 1/3 số bệnh nhân ung thư còn lại.
Chế độ ăn uống cân bằng
Yếu tố đầu tiên trong lối sống phòng chống ung thư chính là duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, thức ăn phải có đủ vitamin A, C, E và chất xơ.
Thực phẩm giàu vitamin A có thể tham khảo như gan động vật, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng. Nguồn vitamin C chính là rau và trái cây tươi, chẳng hạn như ớt, rau chân vịt, cà chua, cam quýt, táo, kiwi. Vitamin E tự nhiên thường tồn tại trong dầu thực vật, mạch nha, hạnh nhân, đậu phộng hoặc hạt hướng dương… Nó có hoạt tính sinh học tốt hơn vitamin E tổng hợp.
Không lạm dụng rượu bia
Theo thống kê, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tiêu thụ rượu, bia tăng nhanh nhất thế giới. Năm 2018, ước tính mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.
Trong khi đó, lạm dụng rượu, bia không chỉ gây ra tai nạn giao thông, các hành vi thiếu chuẩn mực trong xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để uống bia rượu an toàn, việc uống bia rượu phải dưới ngưỡng cảnh báo nguy hiểm. Theo đó, nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới không quá một đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần.
Một đơn vị cồn có thể hiểu tương đương 10 gam cồn nguyên chất, khoảng 3/4 lon bia 330ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hay một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Điều này có nghĩa, một lần uống không vượt quá 3/4 một lon bia 330ml, hay một chén rượu mạnh, một ly rượu vang 100ml mới không gây tác hại xấu cho sức khoẻ.
Không ăn quá nhiều thịt chế biến sẵn, đồ muối
Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày có liên quan mật thiết đến môi trường, đặc biệt là liên quan đến chế độ ăn uống. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các gia đình có thói quen ăn uống tương đối giống nhau thì tình trạng của hệ đường ruột cũng có sự tương đồng. Việc ăn thực phẩm bị mốc, ăn quá nhiều các loại dưa cà muối, lạm dụng các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói… sẽ khiến chúng ta có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Kiểm soát cân nặng
Béo phì là một yếu tố nguy cơ cao của ung thư đại trực tràng, đặc biệt là ung thư ruột kết. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, 5 kg trọng lượng cơ thể người trưởng thành bị thừa so với tiêu chuẩn đã có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết và các khối u ác tính khác.
Không làm việc quá sức, không thức khuya
Thức khuya và làm việc quá giờ dẫn đến tình trạng làm việc quá sức, mệt mỏi, sức đề kháng của cơ thể sẽ yếu đi và khả năng miễn dịch của bản thân đối với các yếu tố gây ung thư cũng bị suy yếu. Bằng cách này, nguy cơ phát triển ung thư cũng tăng lên.
Căng thẳng, áp lực kéo dài có thể dẫn đến các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày. Việc viêm dạ dày mãn tính kéo dài, dẫn đến biến đổi thất thường lớp biểu mô dạ dày, cũng có thể liên quan đến mắc ung thư dạ dày.
Kiên trì tập thể dục
Tập thể dục đều đặn đáp ứng hoặc vượt quá các mức khuyến nghị hướng dẫn được đề xuất giúp giảm nguy cơ mắc 7 loại ung thư. Hoạt động thể chất càng nhiều thì càng tốt.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tập thể dục có thể cải thiện chức năng miễn dịch máu của người bệnh sau điều trị ung thư phổi. Đối với bệnh nhân ung thư vú giai đoạn đầu, tập thể dục aerobic cường độ thấp và trung bình trong thời gian dài và các bài tập tăng cường sức đề kháng sẽ có lợi hơn cho việc phục hồi. Nó cũng có tác dụng tích cực đối với ung thư ruột kết và ung thư tuyến tiền liệt.
Nhìn chung, một người trưởng thành khỏe mạnh được khuyến khích tập thể dục 2,5 đến 5 giờ mỗi tuần với hoạt động cường độ vừa phải (như đi bộ nhanh hoặc làm vườn). Ngoài ra, tối đa 2,5 giờ hoạt động mạnh.
Các hoạt động thể dục ở cường độ vừa phải gồm đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu dưới nước, đạp xe đạp chậm, chơi quần vợt (đánh đôi), khiêu vũ trong nhà,… Các hoạt động thể dục cường độ mạnh gồm chạy bộ, bơi lội, nhảy dây, đi bộ đường dài, chơi quần vợt (đánh đơn), nhảy aerobic, làm vườn nặng, đi bộ lên dốc hoặc đeo ba lô nặng…
Tránh những cảm xúc xấu
Giữ tinh thần luôn lạc quan và thoải mái là cách chống ung thư “0” đồng.
Ngược lại các trạng thái cảm xúc tiêu cực như: trầm cảm, thất vọng mạnh, tuyệt vọng và bất lực, đã được chứng minh có liên quan mật thiết đến bệnh ung thư.
Theo đó, khi bị stress, hệ nội tiết của cơ thể sẽ bị rối loạn, dẫn đến việc sản sinh hormone bất thường gây suy giảm hệ miễn dịch. Trên thực tế, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, những người bị căng thẳng triền miên sẽ thường bị cảm lạnh, ốm hoặc mụn trứng cá hơn người bình thường.
Theo Dân trí