GS.TS Phạm Tất Dong:
Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm về “sạn” sách Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều
Sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1, nhóm Cánh Diều, đang bị dư luận xã hội cho là quá nặng, nhiều nội dung không phù hợp dạy học sinh lớp 1. Trả lời phỏng vấn, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm: Sách có “sạn” thì phải sửa và thay Hội đồng thẩm định khác để rà soát, thẩm định sửa sai.
Vừa chỉnh sửa sách, vừa dùng bộ sách khác
Thưa GS, ông có nhận định gì về SGK Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều, đang làm “nóng” các diễn đàn cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng?
- Trước hết, tôi muốn nói, Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 trước đây đã nhận định bộ SGK lớp 1, nhóm Cánh Diều, có nhiều ưu điểm nên bán chạy nhất và được nhiều nơi sử dụng nhất. Khi mọi người có ý kiến về sách Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều, tôi đã đọc tất cả các bài học tập 1 và 2. Công bằng mà nói, không phải bộ sách này vứt đi đến mức thu hồi, mà một số bài có “sạn”. Các phụ huynh cũng phản ánh một số bài dùng từ và ngữ liệu bài đọc không phù hợp với trẻ em. Thế thì phải sửa trong khả năng là được.
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam |
Vấn đề là làm thế nào để soát cho nhanh và kỹ, bởi hôm nay học đến bài này chưa có “sạn” nhưng ngày kia học đến bài bị “sạn”. Vì thế, muốn soát nhanh thì Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT phải có ý kiến sửa như thế nào, chứ không thể đứng ngoài cuộc chỉ đạo. Thứ hai, thông minh hơn, các trường yêu cầu giáo viên đang dạy lớp 1 rà soát tất cả các bài học trong sách Tiếng Việt 1, rồi tổ chức họp thấy trong sách có gì gợn gợn thì gạt ra, tự sáng tạo thay bằng ngữ liệu đúng, từ ngữ đẹp. Ví dụ, khi học đến chữ “ă” thì có thể ghép với vần “ăn”, “ăm” và ghép vào một câu đơn giản có 2 vần này: “Em sắp ăn cơm”. Hoặc, các trường đang dùng SGK Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều có thể thay thế bằng một trong bốn bộ SGK Tiếng Việt 1 khác bằng cách vào mạng lấy bản mềm xuống.
Như vậy, giáo viên dạy lớp 1 giữ vai trò quan trọng trong việc sửa sai SGK Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều, thưa ông?
- Trong khi chờ đợi các tác giả chỉnh sửa lại SGK Tiếng Việt 1, việc hướng dẫn học sách nào là do Bộ GD&ĐT quy định. Nhưng vai trò của giáo viên tiểu học là rất cần thiết, nhất là thầy cô dạy lớp 1 phải mang hết tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, chủ động, năng lực sư phạm ra để dạy những bài học sắp tới chưa được hướng dẫn. Giáo viên dạy thế nào cho nó vừa đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với tâm lý học sinh.
Trong quá trình sửa, Bộ GD&ĐT có ý muốn trưng cầu ý kiến rộng rãi, nhưng theo tôi thì lấy phản hồi của giáo viên lớp 1 sẽ nhanh hơn vì họ đang dạy trên lớp. Còn hỏi ý kiến những người khác, họ sẽ phải đọc lại sách mất thời gian.
Nhất thiết phải thay hội đồng thẩm định khác
Theo ông, ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những lỗi sai trong SGK Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều? Hiện nay, về phía Hội đồng thẩm định đang đổ lỗi cho tác giả viết sách?
- Nói một cách công bằng, đổ hết lỗi cho người viết sách là không đúng. Tôi thấy, quy trình từ xây dựng chương trình cho đến viết sách, thẩm định sách, quản lý, đều có những vấn đề. Hội đồng thẩm định sách sẽ phải chịu trách nhiệm chính nhưng hiện nay lại đang phán xét. Tôi không đồng tình khi ông Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt 1 Mai Ngọc Chừ cho biết Hội đồng đã từng khuyến cáo về sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều, có những vấn đề mà phụ huynh bức xúc, còn sửa hay không là quyền của các tác giả. Hội đồng thẩm định thực hiện quyền của Nhà nước giao cho, khi đã yêu cầu tác giả sửa mà họ không làm thì biểu quyết không không duyệt và báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Nhưng các thành viên Hội đồng thẩm định không kiên quyết dẫn đến sự việc như hiện nay, vì thế phải bị kiểm điểm. Thậm chí, ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng vì là người phê duyệt sử dụng bộ SGK Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều, đã được ghi rõ ngay ở trang 1.
Vậy trong việc sửa sai SGK Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều, có cần phải thay Hội đồng thẩm định hay vẫn giữ như trước?
- Bộ GD&ĐT nên thành lập Hội đồng thẩm định là các thành viên mới (chỉ để vài hai người cũ) để rà soát, thẩm định sửa sai SGK Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều, được khách quan. Có thể số thành viên trong Hội đồng ít hơn nhưng phải là chuyên gia am hiểu sâu, có những giáo viên đang dạy lớp 1 và phải có trách nhiệm đọc, suy xét cho thật kỹ. Còn nếu Bộ GD&ĐT vẫn cứ để nguyên các thành viên trong Hội đồng thẩm định cũ thì đồng nghĩa với “đánh bùn sang ao”, Nhân dân sẽ nghĩ Bộ GD&ĐT không tiếp thu những ý kiến góp ý của họ thì không còn tin vào ngành Giáo dục.
Ngữ liệu để thay vào những bài Tập đọc cũng là nội dung được nhiều người quan tâm. Khi chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều nên lấy nguồn nào?
- Tác giả nhóm Cánh Diều đã dùng những tác phẩm kinh điển của các đại văn hào nổi tiếng như Lép Tôn-Xtôi, La Phông-Ten cho vào các bài Tập đọc sách Tiếng Việt 1. Các danh nhân ấy viết truyện mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nhưng vấn đề ở chỗ tác giả Cánh Diều chế tác lại, phóng tác thành những bài học bị hiểu sai.
Trong kho tàng văn học Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, dân ca, tục ngữ có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, lại dễ hiểu, vì thế trong lần chỉnh sửa sách này, các tác giả hoàn toàn có thể dùng thay thế. Nhưng cần thực hiện theo đúng nguyên tắc không làm phức tạp vấn đề, đúng mục đích yêu cầu của bài giải quyết vấn đề gì; ngữ liệu dễ hiểu nhất và không sai về tư tưởng, giáo dục đạo đức.
Rà soát hết sách các môn của nhóm Cánh Diều
Ngoài việc rà soát SGK Tiếng Việt 1 thì sách các môn khác của nhóm Cánh Diều có cần phải kiểm tra luôn, thưa GS?
- Theo tôi, Hội đồng thẩm định nên rà soát luôn sách các môn Toán, Công dân, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội... của nhóm Cánh Diều. Tôi đã đọc những cuốn sách này và thấy có vấn đề. Ví dụ, trong sách Tự nhiên và xã hội, có bài học về chủ đề Gia đình nhưng lại nói về tiết kiệm điện (thuộc vấn đề khoa học). Đáng lẽ bài học Gia đình phải dạy cho học sinh biết về các thành viên trong gia đình (ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em) có mối quan hệ như thế nào. Hay, sách Đạo đức lại có bài Tự chăm sóc bản thân, đây không phải là giáo dục đạo đức mà thuộc về vệ sinh thân thể. Nhưng tác giả đã hiểu sai khái niệm. Và, nhiều nội dung khác buồn cười lắm. Không những vậy, tôi thấy chương trình các sách này cũng nặng với học sinh lớp 1. Cách đây 2 - 3 năm, khi làm chương trình này, nhóm tác giả đã gửi bản thảo đến cho tôi đọc. Tôi đã góp ý sửa nhưng họ cho là tôi báng bổ; khi sách được phát hành tôi đọc và thấy vẫn còn những lỗi.
Vì thế, điều cơ bản nhất hiện nay là Hội đồng thẩm định phải đọc hết sách các môn học lớp 1 của nhóm Cánh Diều để rà soát, nếu chỗ nào có vấn đề, nội dung không phù hợp thì phải chỉnh sửa để đảm bảo quyền lợi học tập tốt nhất cho học sinh.
Xin cảm ơn ông!
Mục tiêu đơn giản nhất của sách Tiếng Việt 1 là chắp vần; chứ không phải là để giới thiệu ngôn ngữ Việt Nam phong phú thế này, các em phải nắm được, như thế là sai lệch hoàn toàn, dẫn đến tác giả viết sách Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều, đã bị sai. GS.TS Phạm Tất Dong |
Theo Kinh tế & Đô thị