Phản đối mạnh mẽ hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc tại đảo Phú Lâm
Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc lập "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm (thuộc Quần đảo Hoàng Sa) và các hành động liên quan, khẳng định việc này không có giá trị, không được công nhận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam nhiều lần khẳng định mạnh mẽ chủ quyền bất khả xâm phạm với Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. |
Tại cuộc họp báo chiều 15/10, trả lời câu hỏi tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) đưa tin Trung Quốc thông báo, có 400 doanh nghiệp của nước này đang hoạt động tại thành phố Tam Sa, thuộc đảo phú Lâm, Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã có những bình luận cụ thể.
Bà Hằng nhấn mạnh, phía Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Lập quyền của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi có liên quan vì những việc này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình ở Biển Đông, khu vực và thế giới” - người phát ngôn nêu quan điểm.
Lâu nay, giới nghiên cứu, trong đó có AMTI (tổ chức thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ) đã nhiều lần đưa ra các bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã triển khai nhiều loại hoạt động trên Biển Đông, cụ thể là Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong đó có nhiều hoạt động xây dựng, đầu tư quân sự hoá tại một số đảo như Phú Lâm - nơi đặt cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Cụ thể, theo các hình ảnh vệ tinh AMTI thu thập được, với hệ thống đường băng và nhà chứa, Trung Quốc giờ đây có thể triển khai các loại máy bay quân sự dưới đây ở đảo bãi đá mà nước này đang chiếm đóng phi pháp như Phú Lâm (Hoàng Sa), các bãi cạn Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi (Trường Sa) vốn có sẵn đường băng, nhà chứa máy bay, bãi đỗ, hệ thống radar…
Theo Dân trí