GS Đào Trọng Thi: Chưa hiểu thẩm định lại SGK tiếng Việt lớp 1 thế nào?
Về ý kiến sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định lại Bộ SGK tiếng Việt lớp 1, GS Đào Trọng Thi cho hay: “Tôi chưa hiểu Bộ GD&ĐT sẽ làm như thế nào, để vừa khoa học vừa thuyết phục được dư luận".
Trao đổi với PV Dân trí sáng nay (14/10), GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết có theo dõi dư luận xã hội mấy hôm nay liên quan đến sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1.
“Tôi cho rằng, cần triển khai một thời gian sau đó tổng kết đánh giá mới chính xác.
Dư luận nhiều khi chỉ nhìn thấy bề nổi nhưng cũng nên lắng nghe các nhà khoa học, để hiểu vì sao họ viết như vậy.
Trong quá trình thực hiện, điều gì chưa hợp lý vẫn có thể điều chỉnh”, GS Đào Trọng Thi cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, khi áp dụng một bộ SGK mới, giáo viên được tập huấn rất nhiều lần, tiếp cận nhiều chuyên gia mới hiểu.
Vì vậy, nếu chỉ nhìn qua để đánh giá toàn bộ SGK là chưa toàn diện.
Một số bài học trong SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều bị dư luận phản ứng. |
Về ý kiến sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định lại Bộ SGK tiếng Việt lớp 1, GS Đào Trọng Thi cho hay: “Tôi chưa hiểu Bộ GD&ĐT sẽ làm như thế nào để vừa khoa học vừa thuyết phục được dư luận. Có lẽ điều này nên chờ Bộ GD&ĐT”.
Cũng băn khoăn về bộ SGK tiếng Việt lớp 1, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội, một trong bảy thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới GD&ĐT giai đoạn 2016-2021 cho biết, đã là "sạn" thì cần thiết phải "nhặt".
“Dư luận lên tiếng quyết liệt như vậy, tôi cho là rất tốt và phải trân trọng, không thể lấp liếm những ý kiến ấy.
Ngay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT mới đây cũng cho rằng, cần trân trọng các ý kiến, đồng thời Bộ GD&ĐT phải tiếp thu nghiêm túc”, TS Tùng Lâm nói.
Chuyên gia này cho biết thêm, sẽ phải thẩm định lại SGK tiếng Việt, trong đó đặt ra trách nhiệm của Hội đồng thẩm định cũ và một hội đồng khác sẽ đánh giá độc lập lại bộ sách.
“Việc để lọt những chi tiết còn gây tranh cãi trong SGK, Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt cần phải chịu trách nhiệm và rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, chúng tôi đã đề xuất và thống nhất, phải có hội đồng khác so với hội đồng cũ, đánh giá độc lập nhằm đảm bảo khách quan.
Đồng thời việc thẩm định các bộ SGK lớp 2, lớp 6 tới đây cần phải làm chặt chẽ hơn.
Nên chăng trước khi thẩm định, các tác giả và NXB phải đưa SGK lên mạng để lấy ý kiến công luận”, TS Tùng Tâm đề xuất.
TS Nguyễn Tùng Lâm: "Chúng tôi đã đề xuất và thống nhất, phải có hội đồng khác hội đồng cũ, đánh giá độc lập để đảm bảo khách quan". |
Được biết SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều mới đưa vào sử dụng hơn một tháng nhưng vấp phải phản ứng của dư luận xã hội.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, sách thiếu vắng những tác phẩm trong kho tàng văn học Việt Nam.
Trong sách có quá nhiều các từ ngữ phương ngữ, khẩu ngữ, từ ngữ ít dùng: gà nhí, gà nhép, sẻ ri, ca ri ri, pianô, xe téc, nhá cỏ, nhá dưa, quà quà, chả (lo), tí gì, vù, vọt, hí hóp, la liếm, tỏ vẻ, thô lố, ngó, ngộ, nom, ướt nhẹp, dăm (nhà)...
46 bài/82 bài đọc là các văn bản sao phỏng từ các truyện ngụ ngôn nước ngoài , trong đó có 8 bài được tách ra thành 2 phần cho 2 bài, làm lệch lạc về nội dung.
Có gần 50% các bài đọc dựa trên các cốt truyện có nội dung liên quan đến các yếu tố bạo lực, thói xấu, hoặc xa lạ với trẻ (đe doạ, bắt nạt, lừa đảo, lười biếng, sinh đẻ), không có tính giáo dục.
Các nhân vật chủ yếu trong bài đọc chủ yếu có quan hệ không thân thiện hoặc không có quan hệ gì trong thực tế để liên tưởng (thỏ - cún - vượn)...
Các hoạt động, cảm xúc chủ yếu của các nhân vật này là: sợ (thống kê sơ bộ ở mấy bài đã khoảng chục lần), lo, ăn thịt, doạ, dữ, dám, giả vờ, la, than, cuỗm, quắp, tợp, tha, la, cắn, mổ, nhá, chộp, tóm cổ, kẹp cổ, nuốt mồi, bắt, chén, hùng hục, phàn nàn, than thở, lầm rầm, van xin, than thở, liếm, la liếm, vùng vằng, lem lẻm, cằn nhằn, gật gù…
Trước phản ứng của dư luận, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ rà soát thẩm định lại SGK tiếng Việt lớp 1.
Trao đổi với PV Dân trí, GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều cũng cho hay, nhóm tác giả sẽ lắng nghe và điều chỉnh những gì chưa hợp lý trong sách. Tuy nhiên, ông mong dư luận hãy bình tĩnh trước khi phán xét.
Theo Dân trí