“Mắt thần” Mỹ hoạt động dày đặc ở Biển Đông
Ít nhất 60 máy bay quân sự của Mỹ đã tiến hành hoạt động do thám gần Trung Quốc trong tháng 9 và Washington có thể đang chuẩn bị cho các sứ mệnh tầm xa tại Biển Đông.
Máy bay trinh sát U-2 của Mỹ (Ảnh: SCMP) |
SCMP dẫn báo cáo do Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) công bố ngày 12/10 cho biết, ít nhất 60 máy bay quân sự Mỹ đã tiến hành các chuyến bay do thám gần Trung Quốc trong tháng 9, trong đó có 41 chiếc xuất hiện ở Biển Đông, 6 chiếc bay qua biển Hoa Đông và xa hơn về phía bắc, 13 chiếc hoạt động trên biển Hoàng Hải.
Báo cáo cho biết các hoạt động tiếp nhiên liệu trên không đã gia tăng vào tháng trước. Điều này cho thấy Mỹ có thể đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công ở khoảng cách xa trong tương lai nhằm vào các mục tiêu ở Biển Đông.
Theo báo cáo, một số máy bay tiếp liệu trên không, vốn được triển khai để tiếp nhiên liệu cho các máy bay trinh sát trên Biển Đông, đã khởi hành từ căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở tây Thái Bình Dương.
“Việc Mỹ triển khai các máy bay tiếp liệu từ Guam (thay vì từ căn cứ không quân Kadena tại Nhật Bản) là điều bất thường vì các hoạt động như vậy không kinh tế và thiếu hiệu quả. Các hoạt động này có lẽ để chuẩn bị cho việc tiếp nhiên liệu ở khoảng cách xa trong tương lai trong những điều kiện khắc nghiệt, do vậy vấn đề này đáng được quan tâm. Điều này cho thấy khu vực Biển Đông vẫn là trọng tâm chính của Mỹ”, báo cáo của SCSPI cho biết.
Ben Ho, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết việc sử dụng căn cứ ở Guam có thể mở ra cho quân đội Mỹ nhiều phương án linh hoạt.
Theo chuyên gia Ho, việc Mỹ triển khai các máy bay tiếp liệu từ đảo Guam thay vì từ đảo Okinawa của Nhật Bản cho thấy khả năng ứng phó bất ngờ trong trường hợp các căn cứ của Mỹ tại Okinawa bị các tên lửa Trung Quốc tấn công khi xung đột xảy ra.
“Điều đó cũng cho thấy Washington đang tính đến khả năng Nhật Bản từ chối cho lực lượng Mỹ đồn trú trên lãnh thổ để đối phó Trung Quốc. Trong hai trường hợp này, Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút về Guam”, chuyên gia Ho phân tích.
"Ngụy trang" máy bay dân dụng
Các máy bay quân sự thường thực hiện hai nhiệm vụ: bay thường kỳ và bay thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Trong hai nhiệm vụ này, bay thường kỳ thường dễ đoán hơn vì loại máy bay, tần suất bay và khu vực bay đã được định sẵn.
Trong số các chuyến bay trinh sát của Mỹ ở gần Trung Quốc, 13 máy bay hoạt động ở biển Hoàng Hải và 3 máy bay hiện diện ở biển Hoa Đông vào thời điểm quân đội Trung Quốc đang tiến hành tập trận.
Theo báo cáo của SCSPI, tổng số chuyến bay trinh sát của Mỹ gần Trung Quốc trong tháng 9 tương đương tháng 7 và tháng 8. Báo cáo ước tính con số thực tế có thể cao hơn vì một số máy bay Mỹ hoạt động “mạo danh” máy bay dân dụng hoặc không bật hệ thống phát tín hiệu.
Báo cáo cũng nhấn mạnh mức độ nguy hiểm từ các hoạt động do thám của máy bay quân sự “núp” dưới hình thức máy bay dân dụng, khi có tới 6 máy bay Mỹ do thám hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khi sử dụng mã nhận diện máy bay dân dụng giả.
SCSPI cho biết vào cuối tháng 9, một máy bay của Không quân Mỹ đã thay đổi mã nhận dạng khi bay qua biển Hoàng Hải, khiến nó giống một máy bay của Philippines. Máy bay này đã trở lại số hiệu ban đầu sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng trong tháng 9, các máy bay RC-135S của Mỹ đã “ngụy trang” điện tử thành máy bay dân dụng của Malaysia khi bay gần không phận Trung Quốc.
Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao về an ninh Trung Quốc tại Viện Chính sách Chiến lược Australia ở Canberra, cho rằng Mỹ cần tăng cường hiện diện để ngăn Trung Quốc tham gia vào các hoạt động gây hấn trong khu vực, bao gồm Biển Đông.
“Lo ngại lớn nhất của tôi là Trung Quốc sẽ lợi dụng bất kỳ tình trạng bất ổn nội bộ hoặc xao lãng chính trị nào tại Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để hành động với Đài Loan hoặc tại Biển Đông”, chuyên gia Davis nói.
Theo Dân trí