Công dân Thủ đô ưu tú, BS Nguyễn Trung Cấp: "Tôi chỉ là người may mắn hơn"
Nhiều tháng liền trên tuyến đầu chống Covid-19, BS Cấp đã sàng lọc cho hàng ngàn đối tượng nghi ngờ, trực tiếp điều trị cho hơn 30 bệnh nhân, trong đó có gần 20 ca nặng và nguy kịch.
Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đầu giờ sáng, các bác sĩ bắt đầu đến từng giường bệnh để kiểm tra tình trạng của các bệnh nhân.
BS Cấp hội chẩn cho một bệnh nhân xơ gan nặng |
Không khó để nhận ra bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đang hội chẩn cho một trường hợp phải thở máy ở phòng bệnh nằm cạnh cửa Khoa. Dù không phải ở trên tuyến đầu chống dịch nhưng ông vẫn vậy: Nghiêm nghị và tác phong rất khẩn trương.
Ở thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 ở Việt Nam đã có dấu hiệu tạm lắng, sau gần 30 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, công việc của BS Cấp không vì thế mà bớt tất bật, nhất là khi ông vừa nhận cương vị mới là Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tác phong khẩn trương là điều dễ nhận thấy ở vị bác sĩ này |
“Tôi chỉ là người có phần may mắn hơn!”
Được Thành phố Hà Nội khen thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020, ông có suy nghĩ gì?
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tất cả các nhân viên y tế ở mọi vị trí đều đã rất xuất sắc trong nhiệm vụ của mình, đồng thời mọi người đều phải hy sinh rất nhiều.
BS Cấp cho rằng, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, toàn thể lực lượng y tế đều đã rất cố gắng |
Xin nhấn mạnh rằng, tôi chỉ là một người trong tập thể ngành y được may mắn lựa chọn cho danh hiệu này.
Việc được khen tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” đối với tôi mà nói là một niềm vinh dự lớn, đem lại cho bản thân nhiều động lực để tiếp tục nhiệm vụ chuyên môn, cũng như cuộc chiến chống dịch vẫn đang ở trước mắt.
Ngoài việc được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”, được biết, ông cũng vừa được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Xin ông chia sẻ thêm về nhiệm vụ mới của mình?
Hiện tại, tôi vẫn kiêm nhiệm cả vị trí Trưởng khoa Cấp cứu, nên thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ.
Trước hết, với vai trò là một bác sĩ hồi sức, cấp cứu, tôi đảm nhận việc khám, chẩn đoán, cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân nặng. Đồng thời tham gia vào công tác chống dịch, như từ trước đến nay.
Cuối tháng 7 vừa qua, BS Cấp được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
Trên cương vị mới là Phó Giám đốc Bệnh viện, vai trò của tôi là điều phối các hoạt động chuyên môn của bệnh viện, để công tác khám, chữa bệnh được vận hành tốt hơn. Bên cạnh đó, tôi tham gia giúp việc cho Giám đốc, định hướng về các vấn đề chuyên môn trong tương lai.
3 thử thách lớn khi chạm trán Covid-19
2020 có vẻ như là một năm đặc biệt với ông. Bên cạnh 2 tin vui vừa qua, thì còn có một thử thách lớn mang tên “Covid-19”. Cùng nhìn lại thời điểm vừa bắt đầu chạm trán với đại dịch này, khó khăn lớn nhất mà lực lượng tuyến đầu phải đối mặt là gì, thưa ông?
Thời điểm dịch Covid-19 vừa tràn vào Việt Nam, chúng tôi đối mặt với 3 thử thách lớn.
Thời gian đầu, các tài liệu về Covid-19 đều là của Trung Quốc, nên việc tiếp thu cũng khó khăn hơn so với tài liệu tiếng Anh |
Thứ nhất, Covid-19 là một bệnh lý mới, trên thế giới vẫn chưa có nhiều hiểu biết về dịch bệnh này, chỉ có một chút kinh nghiệm, bài học thực tế từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc là nơi đầu tiên bùng phát dịch.
Cũng vì Covid-19 quá mới mẻ nên chúng tôi phải đối mặt với thử thách thứ hai, chính là việc khó khăn trong tiếp cận các tài liệu khoa học về dịch bệnh này. Các báo cáo, nghiên cứu chủ yếu đến từ Trung Quốc, và việc đọc những tài liệu này đương nhiên sẽ phức tạp hơn so với tài liệu tiếng Anh.
Giai đoạn đầu của dịch, quan điểm và chiến lược điều trị bệnh nhân Covid-19 đều dựa trên kinh nghiệm sẵn có của một số bệnh tương tự như SARS, MERS |
Thử thách thứ ba chính là công tác điều trị. Thời điểm đó, quan điểm và chiến lược điều trị bệnh nhân Covid-19 đều dựa trên kinh nghiệm sẵn có của một số bệnh tương tự như SARS, MERS. Do đó, khi áp vào các bệnh nhân Covid-19 không phải lúc nào cũng đúng.
“Thay đổi” là mấu chốt của cuộc chiến chống dịch
Vậy điều gì đã giúp ông và các đồng nghiệp của mình vượt qua những khó khăn này?
“Thay đổi để hoàn thiện”, đó có lẽ là nhân tố giúp chúng tôi dần chống dịch hiệu quả hơn. Xuyên suốt cuộc chiến này, đã có nhiều quyết định thay đổi được đưa ra, cả trong phác đồ điều trị hay công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Các chiến lược chống Covid-19 phải liên tục được thay đổi để sát với thực tế |
Điều may mắn là đợt bệnh nhân đầu tiên không quá nhiều và không quá nặng. Do đó, sau khi tất cả bệnh nhân xuất viện, chúng tôi có một khoảng thời gian trống để đánh giá và sửa đổi kế hoạch, từ đó dần xây dựng một kế hoạch hoàn chỉnh. Do đó, ở giai đoạn tiếp theo, dù có rất nhiều bệnh nhân, chúng tôi cũng không bị rối loạn.
Cứ qua từng bước như vậy, chúng tôi lại liên tục chuẩn hóa kế hoạch, chiến lược chống dịch để sát với thực tế nhất.
Bác sĩ có thể dẫn chứng rõ hơn về những thay đổi mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch này?
Đơn cử trong công tác điều trị, chúng tôi từng gặp một bệnh nhân đặc biệt. Nếu áp theo kiến thức của dịch bệnh cũ như SARS, MERS thì với tình trạng của bệnh nhân này sẽ phải đặt ống nội khí quản, thậm chí là chạy ECMO.
BS Cấp trong buổi lễ công bố khỏi bệnh của những bệnh nhân Covid-19 trong đợt 1 của dịch. |
Tuy nhiên, sau khi thăm khám, chúng tôi quyết định chỉ can thiệp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập. Vào thời điểm đó, đây là một quyết định có phần táo bạo, bởi khi đối chiếu theo sách vở thì không đúng nhưng lại phù hợp với thực tế lâm sàng của người bệnh.
Sau một thời gian, sự cải thiện của bệnh nhân đã cho thấy quyết định của chúng tôi là đúng. Từ ca bệnh cụ thể này đã góp thêm kinh nghiệm cho chiến lược điều trị. Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng trên cả nước, nhu cầu về máy thở và ECMO tăng cao thì chúng ta sẽ có giải pháp để tiết kiệm nguồn lực.
Nhiều bệnh nhân phải thở máy, chạy ECMO hồi phục là minh chứng cho hiệu quả điều trị Covid-19 của bác sĩ Việt Nam |
Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nên công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cũng rất quan trọng. Thời điểm đầu, các nghiên cứu trên thế giới, cũng như Tổ chức Y tế Thế giới đều đánh giá rằng, Covid-19 lây lan hạn chế từ người sang người. Đồng thời, dịch bệnh này chỉ có thể lây qua giọt bắn, chứ không lây qua khí dung.
Tuy nhiên, việc có 2 bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bị lây nhiễm chéo trong khi thao tác đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân, đã khiến chúng tôi phải thay đổi quan điểm.
Nhận định rằng, ở các không gian kín như khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu, khí dung cũng là một con đường lây lan quan trọng, nên chúng tôi đã lên phương án phòng ngừa con đường này.
Chuyến bay đón đoàn công dân từ Ghi-nê Xích Đạo là một trong những nhiệm vụ nguy hiểm nhất mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từng thực hiện |
Giải pháp được đưa ra là nâng chuẩn phương tiện phòng hộ ở các khoa này lên mức an toàn sinh học cấp 3, thay vì cấp 2 như khuyến cáo. Điều may mắn là sau khi nâng chuẩn an toàn sinh học trong điều trị, chúng tôi không có thêm nhân viên y tế nào bị lây nhiễm chéo nữa.
Chi viện cho điểm nóng mới
Trong giai đoạn mới của dịch, được biết bác sĩ đã có thời gian vào Huế để hỗ trợ cho công tác chống dịch tại “điểm nóng” này. Ông có thể kể về nhiệm vụ đặc biệt này của mình?
Khi dịch bùng phát ở miền trung thì tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho rất đông bệnh nhân. Vì vậy, phải 1-2 tuần sau, tôi mới có thể vào Huế để chi viện chống dịch.
Bệnh viện Trung ương Huế là nơi chia lửa cho Đà Nẵng, bằng cách tiếp nhận điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng từ tâm dịch chuyển ra.
Thời điểm đó, chúng ta đã có những bệnh nhân tử vong đầu tiên, nên tình hình rất căng thẳng. Đồng nghiệp của chúng tôi ở Huế đều rất giỏi. Tuy nhiên, cũng giống như chúng tôi ở giai đoạn đầu của dịch, các bác sĩ ở Huế chưa có nhiều kinh nghiệm đối mặt với Covid-19, nên chỉ có thể mang những kiến thức về bệnh lý tương tự để áp vào căn bệnh này. Và họ đã vấp phải những trục trặc trong điều trị. Do đó, dù đã nỗ lực hết sức, vẫn có các bệnh nhân tử vong, gây ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần.
Nhiệm vụ của lực lượng chi viện chính là đem những kinh nghiệm thực tế trong điều trị Covid-19, để hỗ trợ các bác sĩ tại đây tháo gỡ những vấn đề đang còn tồn tại. Bằng cách này xốc lại sự tự tin cho các đồng nghiệp.
Niềm vui đặc biệt trên tuyến đầu
Trong guồng quay tất bật của cuộc chiến chống Covid-19, liệu có khoảnh khắc nào đem lại cho ông những cảm xúc đặc biệt?
Có một bệnh nhân Covid-19 mà chúng tôi điều trị suốt ngày hỏi bác sĩ là khi nào anh ta được chụp X-quang. Sở dĩ, bệnh nhân có sở thích kì lạ như vậy là bởi suốt quá trình điều trị bị cách ly trong phòng kín, người này có khao khát được ra bên ngoài. Vì vậy, mỗi lần đi chụp X-quang, anh ta lại được nhìn thấy quang cảnh bên ngoài và cả bầu trời. Dù là một khoảnh khắc ngắn nhưng đã là niềm vui lớn.
"Ngồi uống cà phê trên phố, nhìn dòng người qua lại, tôi chợt cảm thấy hạnh phúc, không chỉ vì được tự do, mà còn vì cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa", BS Cấp chia sẻ |
Đối với chúng tôi cũng như vậy. Mấy tháng trời cách ly, điều trị bệnh nhân, đôi khi chỉ ước được đặt chân ra bên ngoài cổng Bệnh viện. Còn nhớ, thời điểm dịch tạm lắng, tôi được về nhà cũng cùng lúc Hà Nội dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội. Ngồi uống cà phê trên phố, nhìn dòng người qua lại, tôi chợt cảm thấy hạnh phúc, không chỉ vì được tự do, mà còn vì cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa.
Ngày 1/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký quyết định tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020 cho 10 cá nhân. Trong 10 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020 có bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. BS Nguyễn Trung Cấp đã tham gia tích cực trong việc khám, phân loại và điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm SASR-CoV-2 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. |
Theo Dân trí