Biển Đông: Từ thực địa đến Liên hợp quốc
Từ những diễn biến phức tạp trên thực địa, vấn đề Biển Đông đã và đang được quan tâm và bày tỏ ở nhiều cấp độ, ở cả các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc.
Một cụm thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tại Biển Đông. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP) |
Thực địa nhiều diễn biến mới
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Mỹ, Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự mới tại Biển Đông. Động thái này cũng diễn ra sau khi Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc ra hai thông cáo về việc phong tỏa các vùng biển xung quanh khu vực tập trận kéo dài từ ngày 27-28/9, song không đưa ra thêm thông tin chi tiết nào.
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đi ngược lại các tuyên bố của họ trước đó là không quân sự hóa Quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV), đồng thời gọi các tiền đồn của Trung Quốc ở trong khu vực là “những nền tảng của sự áp bức”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã nhắc lại tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm Nhà Trắng của ông vào năm 2015 rằng “Trung Quốc không có ý định theo đuổi sự quân sự hóa Quần đảo Trường Sa, và rằng các tiền đồn của Trung Quốc không nhắm mục tiêu hay gây sức ép với bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đã theo đuổi một chiến dịch quân sự hóa các tiền đồn trên một cách liều lĩnh và đầy khiêu khích”.
Ông Ortagus đã liệt kê các hành vi của Trung Quốc như triển khai tên lửa hành trình chống hạm, mở rộng năng lực giám sát, xây dựng các đường băng và nhà chứa máy bay cho các máy bay chiến đấu phản lực của họ.
“Trung Quốc đã lợi dụng những tiền đồn được quân sự hóa của mình như những nền tảng của sự áp bức hòng khẳng định quyền kiểm soát với các vùng biển mà Bắc Kinh không tuyên bố chủ quyền hàng hải hợp pháp", ông Ortagus nhấn mạnh.
Ông nói: “Các tiền đồn trở thành những nền tảng phục vụ hàng trăm tàu dân quân hàng hải và các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, theo đó thường xuyên quấy rối các tàu dân sự và cản trở các hoạt động thực thi luật hợp pháp”.
Philippines đưa phán quyết năm 2016 ra Liên hợp quốcTuần trước, Tổng thống Philippnes Rodrigo Duterte đã nhận được những lời ca ngợi hiếm hoi từ giới phê bình vì đã viện dẫn trước LHQ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế, theo đó khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông là vô căn cứ.
Trong bài phát biểu đầu tiên của mình trước Đại hội đồng LHQ thường niên, ông Rodrigo Duterte đã đưa ra một trong những lời bảo vệ mạnh mẽ nhất đối với chiến thắng của Philippines trong vụ kiện lên tòa trọng tài, dù Trung Quốc đã bác bỏ kết quả đó.
Ông nói (dù không chỉ đích danh Trung Quốc): “Phán quyết này là một phần của luật pháp quốc tế, sẽ không thể nào thỏa hiệp và không cho phép các chính phủ hạ thấp hay từ bỏ nó. Chúng tôi cực lực phản đối mọi nỗ lực nhằm làm suy yếu nó”.
Ông Alber del Rosario, cựu Ngoại trưởng Philippines từng đệ trình vụ tranh chấp với Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế, cho biết ông rất phấn khởi về động thái này của Tổng thống Duterte.
Còn Antonia Carpio, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines từng hỗ trợ pháp lý trong vụ kiện này, cũng tán dương ông Duterte và hy vọng rằng “đây là chính sách mà chính quyền Duterte sẽ thực thi ở mọi cấp độ” nhằm bảo vệ các quyền hàng hải của Philippines và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm áp đặt thực thi phán quyết.
Theo Thu Hiền (Báo Thế giới & Việt Nam)