Họ nói như thế, liệu có ai tin không nhỉ?
Không biết tại Hà Tĩnh, sẽ xử lý thế nào hay là “cho qua” bởi “họ không báo cáo với Sở Y tế” như lời ông PGĐ Lự nên… không biết? Các bạn của tôi ơi, họ nói thế, có ai tin không nhỉ?
Có thể nói, vụ bắt một số cán bộ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội như “phát súng mở màn” tấn công vào “pháo đài” thiết bị y tế, một lĩnh vực rất “âm u và nhạy cảm”, người ta mới giật mình bởi sự khủng khiếp của nó…
Gần đây, một loạt các cơ sở y tế bị phát hiện hiện tượng “thổi giá” các thiết bị thuộc lĩnh vực này. Mới đây nhất, phải kể đến 3 vụ “nóng bỏng”, đó là sai phạm tại Hà Tĩnh, Thái Bình và Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, giá thiết bị y tế được “thổi” lên gấp nhiều lần nhằm móc túi những bệnh nhân khốn khổ.
Đã có hàng loạt các doanh nghiệp bị khởi tố, nhiều đối tượng bị bắt tạm giam và có vẻ doanh nghiệp, họ… bị oan?
Nói như thế là bởi theo lẽ đời, “thuận mua, vừa bán”, có sự đồng ý của cả hai bên. Những người kinh doanh, mục đích của họ đương nhiên là mua rẻ, bán đắt chứ chả ai mua đắt, bán rẻ cả (trừ tiền “chùa” sẽ nói ở dịp khác). Với họ, mua càng rẻ càng tốt và bán càng đắt càng… tốt hơn. Tất nhiên, quyền chấp nhận giá đó hay không là của người mua. Thế thì sao lại… bắt họ nhỉ?
Lý sự thế thôi bởi đây không phải là mua bán thông thường. Người bán thì đương nhiên là hàng của họ. Còn người mua lại là tiền của người khác trả mà ở đây là tiền của dân, của nước, của những người bệnh đang vật vã với bệnh tật.
Và họ bắt tay nhau.
Ơ, nhưng mà bắt tay nhau thì lỗi trước hết phải ở phía cái người mua chứ sao lại là người bán? Đó là chưa kể, người bán bị “gửi giá” (một từ chưa có trong Từ điển Việt Nam) để trả lại cho người mua chứ họ chẳng được bao nhiêu.
Thế nhưng hài hước, ấy là sau khi sự việc vỡ lở, thì nhiều người có trách nhiệm cao hơn lại nói rất ngây thơ cái điệp khúc “không… không biết”.
Ví như trả lời Phóng viên Lao Động, ông Đường Công Lự - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, “việc 4 bệnh viện huyện mua sắm máy giặt, máy sấy của Công ty CP TTBYT Hà Tĩnh họ không báo cáo với Sở mà làm các thủ tục với Sở Tài chính và UBND tỉnh để phê duyệt mua sắm vì tiền để mua không phải là nguồn của Sở. “Máy giặt, máy sấy họ mua không nằm trong trang thiết bị y tế nên họ không báo cáo với Sở Y tế” – Ông Lự nói.
Chết thật. Lý gì thì lý chứ 12 tỉ đồng to lắm, thế mà bệnh viện huyện mua, sở lại chẳng biết gì thì kể cũng… lạ?
Họ không biết việc mua, cũng không biết giá trị thật của thiết bị?
Cái này, chắc khó mà tin bởi các bác toàn người lọc lõi và có khi còn rất chi li, biết giá từ mớ rau muống cho đến lạng tỏi, hành ngoài chợ cóc. Vả lại, thời buổi này chỉ cần tra Google 1 phút là có đầy đủ thông tin từ chất lượng, giá cả, cơ chế bảo hành… của hàng chục, thậm chí hàng trăm hãng chào mời.
Thật ra, có thể có sự “chênh giá” nhưng cao lắm cũng chỉ vài ba triệu bạc thôi chứ lệch gấp đến 3-4 lần thì đúng là “vải thưa che mắt thánh”.
Cách đây chưa lâu, trước khi bị bắt tạm giam, trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Anh của Bệnh viện Bạch Mai còn nói khơi khơi như người ngoài cuộc.
Nhưng giờ thì rõ rồi. Công an mà đã hỏi thì nó khác chứ đâu phải như nhà báo phỏng vấn lấy tin?
Rất may là vẫn còn có lãnh đạo nhận trách nhiệm. Đó là ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, dù tự nhận chỉ sai sót trong “giấy tờ, hành chính”:
“Tôi nhận trách nhiệm thuộc về cá nhân tôi với tư cách là người đứng đầu Sở Y tế tỉnh… Nguyên nhân khách quan là do bối cảnh dịch bệnh, tỉnh thực hiện giãn cách, phong tỏa chống dịch nên không thể gặp trực tiếp các đơn vị, nhà thầu… để họp bàn, thương thảo”.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, ông nguyên Giám đốc Nguyễn Quốc Anh vừa là nghi phạm, vừa là người đứng đầu, chắc sẽ phải chịu trách nhiệm thì không bàn nữa. Ở Thái Bình, chắc chắn ông Giám đốc Dịu cũng bị xử lý trách nhiệm như lời ông phát biểu.
Không biết tại Hà Tĩnh, sẽ xử lý thế nào hay là “cho qua” bởi “họ không báo cáo với Sở Y tế” như lời ông PGĐ Lự nên… không biết?
Các bạn của tôi ơi, họ nói thế, có ai tin không nhỉ?
Theo Dân trí