Lý do châu Âu 'xoay trục', quyết đoán hơn trong lập trường về Biển Đông
Công hàm chung gửi tới Liên hợp quốc (LHQ) của Anh, Pháp và Đức, phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, thể hiện một cách tiếp cận mới, quyết đoán hơn của châu Âu về vấn đề Biển Đông.
Tàu USS McCampbell và tàu HMS Argyll trong một cuộc tập trận chung Anh-Mỹ trên Biển Đông năm 2019. (Nguồn: Reuters) |
Bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc
Gần một tuần sau khi 3 cường quốc châu Âu là Anh, Đức và Pháp gửi một công hàm chung tới LHQ để bày tỏ quan điểm phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, ngày 21/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng hoan nghênh động thái của 3 nước.
Trên một tài khoản Twitter của Chính phủ Mỹ và mang tên ông, Ngoại trưởng Pompeo viết: “Chúng tôi hoan nghênh việc Anh, Đức và Pháp bác bỏ các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông trước LHQ. Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc quốc tế. Chúng tôi đồng tình với các đồng minh trong việc bác bỏ lối quan niệm rằng ‘kẻ mạnh luôn đúng’".
Trước đó, trong công hàm chung, Anh, Đức và Pháp đã nhấn mạnh rằng quan điểm của họ đã được khẳng định trong phán quyết hồi năm 2016 của Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye, trong đó tuyên rằng Philippines thắng kiện và bác bỏ yêu sách "Đường 9 đoạn" phi lý của Trung Quốc.
Ba nước châu Âu lưu ý đến tầm quan trọng của việc các quyền tự do không bị cản trở trên biển khơi, nhất là tự do hàng hải và tự do bay trên vùng biển, cũng như quyền được qua lại vô hại, được quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Công hàm của Anh, Đức và Pháp cũng lặp lại quan điểm rằng mọi tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc, quy định, quy trình và biện pháp được đề ra trong UNCLOS.
Đây là lần đầu tiên Đức, Anh và Pháp cùng viện dẫn thắng lợi pháp lý của Philippines trước Trung Quốc tại Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye năm 2016.
Anh, Đức có những dự định mới
Theo bài viết trên trang express.co.uk, Đại sứ Mỹ tại Anh Woody Johnson ca ngợi Hải quân Hoàng gia Anh vì đã hỗ trợ Mỹ trong việc "lên án những tuyên bố chủ quyền lãnh hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông".
Đại sứ Johnson viết trên Twitter: “Chúng tôi hoan nghênh Anh đã gia nhập nỗ lực chung của Mỹ và các đồng minh khác trong việc lên án những tuyên bố chủ quyền hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Theo trang tin này, Anh đang cân nhắc điều thêm một trong số 2 tàu khu trục đến Biển Đông. Cụ thể, tàu Nữ hoàng Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh có thể sẽ tiến vào khu vực Biển Đông tranh chấp trong sứ mệnh đầu tiên của mình vào năm tới.
Sự có mặt của Đức, quốc gia trụ cột trong Liên minh châu Âu (EU), trong công hàm chung về Biển Đông gửi lên LHQ cho thấy một thay đổi quan trọng trong chiến lược ngoại giao của nước này với châu Á.
Cho tới nay, quân đội Đức chủ yếu tập trung giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Địa Trung Hải chứ không vươn tới châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng vào tháng 9 này, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã lần đầu công bố văn bản chính thức mang tựa đề “Đức-châu Âu-châu Á”, trong đó nhấn mạnh đến nhu cầu hiện diện tại các vùng biển xa của Berlin.
Ông Maas nói, các tuyến hàng hải, thương mại lớn của thế giới đi qua Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và cụ thể là Biển Đông phải được bảo vệ về mặt pháp lý theo tiêu chuẩn tự do hàng hải.
Đề cập sự chuyển hướng của Berlin, ngày 2/9, Ngoại trưởng Maas phát biểu: “Chúng tôi muốn gửi đi thông điệp rõ ràng: ưu tiên ngoại giao của Đức nằm ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Khu vực này thực sự quan trọng với chúng ta, không chỉ với người Đức mà còn với mọi người châu Âu. Đó là lý do chúng ta đang cộng tác với các đối tác EU, nhất là Pháp, để ra một chiến lược chung của châu Âu về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc và giá trị của chúng ta. Châu Âu chỉ có thể mạnh mẽ nói rõ về quyền lợi và giá trị của mình nếu chúng ta đoàn kết”.
Theo Thu Hiền (Báo Quốc tế)